Phát huy lợi thế, xây dựng sản phẩm nông nghiệp tiềm năng

Với tiềm năng, lợi thế về các sản phẩm nông nghiệp, cùng với các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) giúp khai thác hiệu quả thế mạnh của mỗi địa phương, đồng thời giúp nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường, thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Là địa phương có điều kiện tự nhiên, khí hậu đặc thù khô nóng, nhưng Ninh Thuận có lợi thế để sản xuất những sản phẩm nông sản đặc thù mang hương vị đậm đà của vùng đất nắng, gió với nhiều sản vật nổi tiếng cả nước như: nho, táo, tỏi, dê, cừu, măng tây, nha đam, thủy- hải sản. Với quyết tâm đẩy mạnh cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát huy lợi thế đặc thù của vùng đất cực Nam Trung Bộ, những năm gần đây, tỉnh xác định tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường. Để đạt mục tiêu này, tỉnh đã triển khai Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2018-2020, định hướng đến 2030” phù hợp với điều kiện và phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương, từ đó, thúc đẩy nông dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng dự án và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh.

Tỏi của huyện Ninh Hải là 1 trong 16 sản phẩm tham gia đánh giá OCOP cấp tỉnh đạt chuẩn từ 3 đến 4 sao. Ảnh: Sơn Ngọc

Phát huy lợi thế sản xuất, huyện Ninh Hải đã tích cực triển khai “Chương trình mỗi xã một sản phẩm” và là địa phương có số sản phẩm tham gia đánh giá OCOP nhiều nhất tỉnh. Qua đó, khai thác có hiệu quả các lợi thế so sánh của địa phương trong sản xuất hàng hóa lĩnh vực nông-ngư nghiệp, du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Ông Trần Hữu Nhân, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ninh Hải cho biết: Thực hiện chương trình OCOP, hướng tới mục tiêu lựa chọn các sản phẩm có tính khác biệt, Ninh Hải đã bám sát các tiêu chí để tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các chủ thể sản xuất xây dựng phương án kinh doanh, chuẩn hóa sản phẩm và tiến hành đánh giá, xếp hạng sản phẩm cấp huyện. Qua bình xét, trên địa bàn huyện có 16 sản phẩm tham gia đánh giá cấp tỉnh đạt chuẩn từ 3 đến 4 sao như: Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thái An với 8 sản phẩm; Cơ sở nước mắm Tư Phụng có 2 sản phẩm; HTX Dịch vụ thu mua nông sản Thanh Hải có 2 sản phẩm là hành tím và tỏi; HTX nông nghiệp An Xuân có 2 sản phẩm là gạo thơm Đài 8 và măng tây xanh; HTX Xuân Hải có 2 sản phẩm nho tươi và táo tươi; Vườn Quốc gia Núi Chúa với sản phẩm dịch vụ du lịch sinh thái.

Để được “gắn sao”, các sản phẩm OCOP phải được đánh giá, phân hạng và phải đảm bảo các tiêu chí như: Có công bố chất lượng sản phẩm; có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm; có chứng nhận sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm; sản xuất có kế hoạch bảo vệ môi trường; sản phẩm có mẫu mã bao bì đẹp, đặc sắc... Trong bộ tiêu chí đánh giá sản phẩm OCOP, các tiêu chí đánh giá về sức mạnh cộng đồng và chất lượng sản phẩm là những tiêu chí quan trọng, trong đó, các sản phẩm sử dụng nguyên liệu và nhân lực tại địa phương, đạt tiêu chuẩn về độ an toàn, chất lượng, dinh dưỡng được đánh giá cao. Trong 69 sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, có 61 sản phẩm đạt từ 3 đến 4 sao và 8 sản phẩm đạt tiềm năng 5 sao.

Tuy nhiên thực tế hiện nay cho thấy, bên cạnh những sản phẩm được đánh giá cao thì vẫn còn không ít các cơ sở sản xuất chưa ý thức về việc nâng cao chất lượng sản phẩm; mẫu mã bao bì sản phẩm còn chưa thực sự thu hút người tiêu dùng, bên cạnh những sản phẩm có mẫu mã đẹp thì vẫn còn rất nhiều sản phẩm chưa có nhãn mác, bao bì, nguồn gốc nguyên liệu chưa rõ ràng… Đòi hỏi các địa phương trong tỉnh cần tiếp tục xác định, lựa chọn các sản phẩm để tổ chức sản xuất theo chương trình OCOP; cùng với đó đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng kiểu dáng, mẫu mã bao bì sản phẩm cũng như chú ý đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng.

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy giá trị các sản phẩm đặc thù, Ban Phát triển sản phẩm OCOP và đặc thù tỉnh sẽ tiến hành xây dựng Dự án và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm OCOP tỉnh; hỗ trợ thực hiện các đề tài, dự án khoa học - công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm OCOP; xây dựng website OCOP Ninh Thuận. Đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, doanh nghiệp; nâng cấp, cơ cấu lại các tổ chức kinh tế tham gia OCOP bằng cách hoàn thiện hệ thống tổ chức và sản xuất, kinh doanh. Tập trung phát triển sản phẩm OCOP theo hướng gia tăng giá trị, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu thị trường. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ quảng bá hình ảnh, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Những kết quả ban đầu của chương trình OCOP và hiệu ứng lan tỏa của chương trình hiện nay là nền tảng vững chắc để chương trình OCOP có bước tiến quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm, dịch vụ theo hướng bền vững, lâu dài và trở thành thương hiệu riêng trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.