UBND tỉnh: Hội nghị đánh giá kết quả phát triển chăn nuôi giai đoạn 2016-2020

Ngày 2-4, đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả phát triển chăn nuôi giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Học Viện Nông nghiệp Việt Nam cùng lãnh đạo các sở, ngành và địa phương.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh và nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của các sở, ngành và địa phương, 5 năm qua tình hình phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả nhất định. Quy mô chăn nuôi trang trại có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều mô hình chăn nuôi liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng tiếp tục duy trì và nhân rộng, làm tăng hiệu quả kinh tế rõ rệt; các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ kịp thời đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có điều kiện đầu tư, nâng cao chất lượng tổng đàn vật nuôi; công tác chuyển giao kỹ thuật, phòng tri bệnh trên chăn nuôi được quan tâm, chú trọng. Trong giai đoạn 2016-2020, ngành chăn nuôi của tỉnh tăng trưởng bình quân hàng năm là 6,2%, chiếm 28,9% so với tổng giá trị nông-lâm-nghiệp. Tổng đàn gia súc toàn tỉnh đến nay đạt trên 465 ngàn con con, tăng đàn bình quân 5,6%/năm; đàn gia cầm trên 2 triệu con, tăng đàn bình quân 9,6%/năm.

Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị đánh giá kết quả phát triển chăn nuôi giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh.

Định hướng và giải pháp phát triển chăn nuôi trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng đàn, đa dạng giống vật nuôi. Phấn đấu đến năm 2030 đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất có giá trị cao trong tổng giá trị nông-lâm-nghiệp; nâng tổng đàn đàn dê, cừu toàn tỉnh đạt 305 ngàn con; trâu, bò 145 ngàn con; đàn heo 200 ngàn con; đàn gia cầm 2,5 triệu con.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Vị trí ngành Chăn nuôi ngày càng có bước đóng góp quan trọng trong cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh. Để chăn nuôi phát triển thực sự ổn định và bền vững, trở thành ngành sản xuất mũi nhọn, đồng chí đề nghị ngành chức năng và các địa phương tập trung rà soát, triển khai kế hoạch phát triển chăn nuôi phù hợp; chú trọng đầu tư phát triển các sản phẩm địa phương có lợi thế, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chăn nuôi đặc thù; từng bước chuyển đổi chăn nuôi nhỏ lẻ sang nuôi tập trung gắn với quy hoạch trồng cỏ. Tăng cường áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, cải tạo giống vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao đáp ứng cầu thị trường; đẩy mạnh phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ cung ứng đầu vào đến sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm…