Hiệu quả từ các mô hình sản xuất nông nghiệp ở Ninh Phước

Xác định vai trò quan trọng của sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn trong cơ cấu kinh tế, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ninh Phước nhiệm kỳ 2020-2025 đã nhấn mạnh mục tiêu đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.

Theo hướng đó, ngay từ những ngày đầu năm nay, với sự chủ động, quyết liệt của Đảng bộ, chính quyền, tổ chức, doanh nghiệp và nỗ lực của các tầng lớp Nhân dân huyện nhà, đã tạo được chuyển biến tích cực trên lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Đầu tháng Tư, có dịp đi ngang nhiều cánh đồng lúa ở Ninh Phước đang vào cuối vụ đông - xuân, chúng tôi cảm nhận được trong gió hương thơm thoang thoảng từ các các trà lúa đang giai đoạn làm đòng và trổ-chín vàng ươm. Theo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ninh Phước, vụ đông-xuân 2020-2021, trong tổng diện tích gieo trồng 8.335,7 ha (đạt 98,7% kế hoạch) của toàn huyện, có 5.291,2 ha lúa (99,7%), 866,3 ha bắp (96,7%, trong đó có 390 ha bắp giống) và còn lại là các loại cây rau màu, cỏ chăn nuôi. Ngoài cây trồng hằng năm, còn có 1.204 ha cây lâu năm chủ lực (đạt 99% kế hoạch, tăng 0,3% so cùng kỳ), trong đó có 467,5 ha cây nho (trồng mới 3 ha); 736,9 ha cây táo (trồng mới 6,5 ha). Các loại cây trồng đều sinh trưởng và phát triển tốt; đặc biệt mô hình cánh đồng lớn, san phẳng mặt ruộng bằng tia laser tiếp tục được duy trì và mở rộng.

Nông dân xã Phước Hải ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm trồng măng tây xanh hiệu quả
trên vùng đất cát bạc màu.

Để đưa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020-2025 về sản xuất nông nghiệp đi vào cuộc sống, trong vụ này, Ninh Phước đẩy mạnh thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, gắn với liên kết doanh nghiệp. Điểm nhấn đáng chú ý là tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình cánh đồng lớn với diện tích 2.291,6 ha, vượt 3,5% chỉ tiêu tỉnh giao. Cụ thể toàn huyện có 14 cánh đồng lớn, bao gồm: 11 cánh đồng lớn lúa (diện tích 2.156,6 ha), gắn với ứng dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” giúp đạt năng suất bình quân từ 7- 8 tấn/ha; 1 cánh đồng lớn bắp giống (80 ha); 2 cánh đồng lớn măng tây xanh (55 ha). Về cây lúa, diện tích các cánh đồng lớn thực hiện tại các xã, thị trấn: Phước Hậu (2 cánh đồng: 743 ha), Phước Thái (2 cánh đồng: 222 ha), Phước Thuận (2 cánh đồng: 316,8 ha), Phước Dân (3 cánh đồng: 365 ha), Phước Hữu (1 cánh đồng: 385,3 ha) và Phước Sơn (1 cánh đồng: 124,5 ha). Ở miền quê lúa Phước Thái, theo chia sẻ của đồng chí Đàng Năng Tom, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, mô hình cánh đồng lớn canh tác lúa được triển khai tại các Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Hoài Trung, Như Bình mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn canh tác truyền thống từ 4 đến 4,5 triệu đồng/ha.

Đối với mô hình cánh đồng lớn sản xuất bắp giống, đã được thực hiện hiệu quả tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phước An (Phước Vinh). Ông Lê Phúc Hoa, Giám đốc HTX cho biết: Thông qua trung gian của HTX, 137 hộ trồng bắp liên kết với Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố và Công ty Giống cây trồng Miền Nam có đầu ra sản phẩm được bao tiêu đạt tỷ lệ 100%. Đặc biệt mô hình 2 cánh đồng lớn sản xuất măng tây xanh liên kết với Trang trại Nông nghiệp hữu cơ Tiên Tiến bao tiêu sản phẩm, được thực hiện hiệu quả trên diện tích 35 ha (98 hộ) tại HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú (An Hải) và 20 ha (50 hộ) tại HTX Dịch vụ nông nghiệp Châu Rế (Phước Hải). Anh Hùng Ky, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Tuấn Tú chia sẻ: Nhờ liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, cây măng tây xanh đã đem lại nguồn thu nhập cao cho người trồng ở địa phương. Không chỉ mô hình cánh đồng lớn lúa, bắp, măng tây xanh, Ninh Phước còn tiếp tục duy trì liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nho, táo, dê, cừu, heo,...

Với các tiến bộ khoa học - công nghệ đưa vào ứng dụng, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ở Ninh Phước phát huy hiệu quả. Đơn cử mô hình tưới nước tiết kiệm, hiện được nhân rộng ở các địa phương với diện tích 538,6 ha, bao gồm các xã: An Hải (235 ha), Phước Hải (292 ha), Phước Thuận (8,4 ha), Phước Thái (2,8 ha), Phước Vinh (0,4 ha). Từ mô hình tưới nước tiết kiệm đã biến vùng đất hoang hóa rộng hơn 400 ha của 3 thôn Tuấn Tú, Nam Cương (An Hải), Thành Tín (Phước Hải) thành vùng sản xuất rau an toàn có thương hiệu, làm thay đổi hoàn toàn đời sống người dân khu vực này. Bên cạnh đó, mô hình còn tác động thực hiện luân canh chuyển đổi 38,2 ha cây trồng (vượt 1,3% kế hoạch) ở các địa phương trong huyện, trong đó có 25,03 ha cây hằng năm và 13,17 ha cây lâu năm (3,8 ha nho, 8,37 ha táo, 1 ha cây khác: xoài, bơ, mít).

Theo kế hoạch của UBND huyện, sau khi thu hoạch xong lúa vụ đông - xuân, Ninh Phước tập trung chỉ đạo sản xuất vụ hè - thu gắn với phòng chống hạn. Trọng tâm vẫn là đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng và duy trì, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả như: Cánh đồng lớn, san phẳng mặt ruộng bằng tia lazer, sản xuất VietGAP, hữu cơ... ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết bao tiêu sản phẩm. Với các mô hình sản xuất, Ninh Phước hướng đến xây dựng và phát triển nền nông nghiệp toàn diện, hiện đại, có những bứt phá về sản xuất và tiêu thụ nông sản trong các vụ tới.