Lá thư quê nhà

Tôi không biết bắt đầu từ đâu và như thế nào để viết cho bạn. Có lẽ cảm xúc chân thành và trìu mến nhất xin gửi cho người xa xứ là những giây phút bình yên và trầm lắng của một chiều nào đó loanh quanh phố Phan, một đêm nào đó bên ly cà phê thong thả ngắm dòng sông Dinh đang vô ưu chở suối nguồn về biển lớn.

(NTO) Mới đó mà đã hơn ba mươi năm, đất nước bước ra khỏi cuộc chiến tranh khi chúng mình còn là những thiếu niên hồn nhiên ngày hai buổi đến trường. Một nửa cuộc đời thật chóng vánh trôi qua. Ngày tháng cứ trôi và chúng mình cũng cuốn theo dòng mưu sinh mà chưa bao giờ ngoảnh lại. Quê nhà đã biết bao thay đổi. Biểu trưng cho sự thay da đổi thịt của quê nhà có lẽ là hình ảnh những con đường. Những con đường trải nhựa khang trang, thẳng tắp nối liền phố xá với những huyên lỵ xa xôi. Những con đường quê liên thôn, liên xã ngày xưa nắng bụi, mưa sình giờ đây đã hầu hết được trải bê tông tươm tất, sạch sẽ. Cả con đường cát trắng nắng chang chang ngày xưa chúng mình phải khom người trèo qua mấy động cát hoang vu để đến ngôi trường cấp 3 thì nay đã là con đường lớn và đẹp chạy suốt dọc bờ biển từ Ninh Chử sang đến Đông Hải. Đường đến đâu xóm làng, phố nhà đến đó. Bạn sẽ hình dung ra sao nhỉ khi những đồi cát nghĩa trang lưa thưa cỏ dại với những ngôi mộ thưa vắng dấu chân người quanh năm chỉ có gió trùng khơi và tiếng sóng biển vỗ về nay đã là những khu nhà cao tầng bề thế tạo nên một bộ mặt mới cho đô thị trẻ nhiều hứa hẹn.

Cái thị xã nhỏ bé ngày xưa với hình ảnh quen thuộc là vòng xoay trung tâm có trụ đèn với 3 chiếc đèn nê-on, với con đường Thống Nhất nối liền hai đầu thị xã chạy ngang qua ngôi chợ Phan Rang mà mọi người vẫn quen thuộc với tên gọi chợ Dinh nay chỉ còn trong ký ức. Rồi cây cầu Đạo Long với những thanh gỗ già nua run bần bật mỗi khi phải cõng người và xe qua lại đã được thay thế chẳng những một mà tới hai cây cầu kiên cố Đạo Long 1 và Đạo Long 2 nối liền quốc lộ 1A, con đường thiên lý ra Bắc vào Nam. Có lẽ tôi sẽ không ngần ngại mà chia sẻ với bạn về một niềm vui, một cảm giác bình yên kỳ lạ mỗi khi đứng trên cầu nhìn xuống dòng Dinh. Dòng nước ấy đang xuôi về những miền quê tắm tưới ruộng vườn. Và tôi vô cùng biết ơn dòng sông quê đã từng cho tôi dòng nước mát để tưới vườn nho, rẫy đậu nuôi sống được bản thân cùng gia đình tôi trong những ngày gian khó.

Quê nhà cũng như đời người. Một thời gian khó rồi cũng đi qua. Với những nỗ lực bền bỉ của nhiều tầng lớp con người Ninh Thuận, những mùa màng bội thu nhờ tiến bộ của việc đưa khoa học kỹ thuật vào canh tác nông ngư nghiệp đã đem lại một đời sống ấm no và niềm tin vào tương lai phát triển bền vững của tình nhà. Những con đường quê nhà trong hàm nghĩa cũng là con đường tương lai của biết bao thế hệ người Ninh Thuận đến với những chân trời rộng lớn. Đặc biệt là thế hệ 8X, 9X, họ là những người trẻ tuổi có sức khỏe, tuổi trẻ, nhiệt tâm và tri thức làm hành trang cho một hành trình dài lâu: hành trình kết nối tương lai với một tình yêu quê nhà bằng những dự định quê nhà sẽ là nơi lập thân, lập nghiệp cho họ.

Hình như trong suy nghĩ của nhiều người, Ninh Thuận, một tỉnh duyên hải Nam Trung bộ như là một vùng đất bán hoang mạc cằn cỗi và khắc nghiệt nhất của Việt Nam, vùng đất ít mưa thừa nắng, quanh nắm bốn mùa gió cát. Tuy nhiên người Ninh Thuận đã tìm ra được trong khắc nghiệt của thiên nhiên có những tiềm năng có thể phát triển du lịch và chuyên canh những cây trồng, vật nuôi đặc thù, tận dụng nắng gió để đầu tư các ngành công nghiệp sạch. Nhiều dự án đã khởi động. Một Bình Tiên, Vĩnh Hy, Ninh Chử,…sẽ ghi tên Ninh Thuận trên bản đồ du lịch quốc gia. Thương hiệu về những nông sản đặc trưng Ninh Thuận như: cừu, nho, tỏi, nước mắm Cà Ná đang tìm cách khẳng định vị thế của mình trong sự lựa chọn của người tiêu dùng trong nước và cả nước ngoài. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ của những làng nghề truyền thống như: thổ cẩm Mỹ Nghiệp, gốm Bầu Trúc đang được ưa chuộng không chỉ trong nước mà đang có mặt tại nhiều quốc gia.

Nếu bây giờ trở lại những miền quê xa xôi, núi rừng heo hút bạn không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay của đời sống nhân dân. Điện lưới quốc gia đang kéo gần lại những khoảng cách nông thôn và thành thị, đang chia đều cho mọi người cả thị dân và thôn dân những cơ hội được học tập, tiếp nhận thông tin và tiếp xúc với rất nhiều phương tiện sinh hoạt hiện đại như truyền hình, báo chí, internet,…

Đó là những niềm vui trước những đổi thay của quê nhà. Tôi và bạn hãy tin bằng niềm tin của Văn Cao, người nhạc sĩ tài hoa khi đúng 36 năm về trước ông chân thành hát lên tiếng lòng mình bằng ca khúc Mùa xuân đầu tiên: Từ đây người biết quê người/ Từ đây người biết yêu người…