Hội nghị cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam

Đến dự Hội nghị, về phía Việt Nam có Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Võ Hồng Phúc; Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cùng đại diện các bộ, ban, ngành, lãnh đạo các địa phương.

Sáng 3-5, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam với sự tham dự của đông đảo đại diện ngân hàng trung ương, cơ quan tài chính các nước thành viên ADB, nhiều tổ chức tài chính quốc tế, các nhà doanh nghiệp, các diễn giả uy tín trong nước và quốc tế. Đây là sự kiện mở màn cho một chuỗi các hoạt động nằm trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB diễn ra tại Việt Nam từ ngày 3 đến 6-5-2011.

 Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đến dự và phát biểu tại Hội nghị Cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhiệt liệt chào mừng các vị đại biểu đến Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB và dự Hội nghị cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam. Phó Thủ tướng khẳng định, Hội nghị thường niên ADB năm 2011 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam đã thể hiện sự tín nhiệm của ADB đối với Việt Nam, một thành viên, một đối tác quan trọng của ADB. Việt Nam coi đây là một sự kiện đối ngoại quan trọng trong năm 2011. Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Hội nghị cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam sẽ là cơ hội thuận lợi giúp tăng cường quan hệ giữa ADB với các nước thành viên, với các đối tác phát triển và các bên liên quan khác. Đồng thời, đây còn là diễn đàn để chính phủ Việt Nam truyền tải trực tiếp với cộng đồng quốc tế những thông điệp về sự phát triển của Việt Nam trong thời gian qua, về môi trường đầu tư, kinh doanh cũng như chính sách, định hướng chiến lược của Việt Nam trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã điểm lại những thành tựu của Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, đặc biệt là trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm và chăm sóc sức khỏe người dân… Phó Thủ tướng cho rằng, đạt được những thành tựu to lớn đó, bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ và nhân dân Việt Nam, có sự đóng góp và hỗ trợ rất quan trọng của cộng đồng quốc tế, trong đó có ADB. Hiện nay, Việt Nam là một trong những thành viên tiếp nhận nhiều nguồn tài trợ nhất từ Quỹ phát triển châu Á (AFD) và cũng là nước được ADB cung cấp đáng kể các khoản vay thông thường (OCR). Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cam kết làm hết sức mình để sử dụng có hiệu quả các nguồn hỗ trợ của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011-2020, mục tiêu của Việt Nam là bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế, chính trị, xã hội ổn định, đồng thuận, dân chủ và kỷ cương…, tạo nền tảng để đến năm 2020 đưa Việt Nam cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Để đạt được các mục tiêu trên, Việt Nam sẽ tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là thực hiện cải cách hành chính, tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng; phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân… Với định hướng chiến lược phát triển nêu trên, nhu cầu vốn đầu tư toàn xã hội cho giai đoạn này là rất lớn. Dự báo riêng giai đoạn 2011-2015, Việt Nam cần khoảng 300 tỷ USD cho đầu tư phát triển. Do đó, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo lập đồng bộ và phát triển các loại thị trường như thị trường tài chính, thị trường hàng hóa, dịch vụ, thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ theo hướng tự do hóa thương mại và đầu tư, giải phóng tối đa nguồn nhân lực trong và ngoài nước vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng, trong những năm qua, ngân hàng ADB là đối tác quan trọng của Việt Nam. Bên cạnh sự giúp đỡ của cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế, Việt Nam đã liên tục nhận được sự giúp đỡ to lớn của ADB về tài chính, kỹ thuật, tư vấn chính sách, đặc biệt rất nhiều dự án quan trọng trong phát triển năng lượng, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển tài nguyên thiên nhiên, cải cách doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ… Các dự án của ADB đã có tác động rất tích cực đối với sự duy trì tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an ninh xã hội, phát triển bền vững, góp phần giúp Việt Nam ổn định kinh tế vĩ mô trong giai đoạn trước mắt và trong dài hạn… Hội nghị cấp cao về đầu tư kinh doanh tại Việt Nam hôm nay một lần nữa khẳng định sự quan tâm của ADB đối với sự phát triển kinh tế châu Á nói chung và đối với Việt Nam nói riêng. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc bày tỏ mong muốn, trong thời gian tới, ADB tiếp tục đưa ra các sáng kiến và dự án thiết thực để tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển, tăng trưởng bền vững, thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư; thu hẹp khoảng cách phát triển và hỗ trợ giảm nghèo… thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ, chống biến đổi khí hậu…

Các đại biểu quốc tế đều đánh giá cao những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong vòng 20 năm qua. Theo Chủ tịch ADB, ông Haruhiko Kuroda, nhờ tự do hóa, hội nhập, Việt Nam đã đạt được mức thu nhập trung bình. Nhưng để đạt được mức thu nhập cao hơn, Việt Nam cần có chính sách mạnh mẽ hơn nữa. Việt Nam cần phải nâng cao hiệu quả, năng suất trong nền kinh tế của mình, cần giải quyết bài toán thiếu lao động kỹ năng, những hạn chế về cơ sở hạ tầng. Thêm vào đó, khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng đóng vai trò quan trọng. Để có thể khai thác tối đa tiềm năng khu vực kinh tế tư nhân, Việt Nam cần giải quyết các vấn đề như tiếp cận nguồn vốn, đất đai đối với đối tượng này, để làm sao khu vực kinh tế tư nhân cũng phải đóng một vai trò chủ chốt trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng bền vững. "ADB tự hào là đối tác của Việt Nam, đặc biệt là trong thời điểm này, và chúng tôi cam kết tiếp tục hợp tác với chính phủ Việt Nam để đem lại sự thịnh vượng cho người dân Việt Nam" - ông Haruhiko Kuroda nói.

Tại Hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các biện pháp để Việt Nam vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Võ Hồng Phúc, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã dành nhiều thời gian trả lời cởi mở, thẳng thắn các câu hỏi của các đại biểu xoay quanh các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển của Việt Nam những năm tiếp theo như: phát triển công nghiệp phụ trợ, định hướng ưu tiên đầu tư nhằm nâng cao giá trị gia tăng, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng, các chính sách kiềm chế lạm phát, duy trì tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam