Tin kinh tế tổng hợp

* Giá vàng trong nước giảm từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/lượng

Chiều 31/7, giá vàng trong nước giảm từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng/lượng so với phiên trước.

Vào lúc 16 giờ chiều 31/7, SJC giao dịch tại hệ thống Phú Quý là 56,60 – 57,40 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng mua vào và bán ra so với trước.

Tại SJC Đà Nẵng và Hà Nội, giá vàng đều giảm 150.000 đồng/lượng so với trước, mua vào và bán ra là 56,55 – 57,27 triệu đồng/lượng; tại Thành phố Hồ Chí Minh, SJC giao dịch là 56,55 – 57,25 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng mua vào và bán so với phiên trước.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại giảm tới 250.000 đồng/lượng xuống còn 51 triệu đồng/lượng mua vào và 51,7 triệu đồng/lượng bán ra. Trong khi đó, giá vàng PNJ cũng giảm xuống 51,3 triệu đồng/lượng mua vào, 52,7 triệu đồng/lượng bán ra, mất khoảng 200.000 đồng/lượng so với phiên trước. Sau hai ngày tăng, giá vàng trong nước lại chịu áp lực giảm từ giá vàng thế giới, hiện mức bán ra mặt hàng vàng miếng đã trở về vùng thấp nhất tháng 7/2021, ở mức 57,25 triệu/lượng.

Đêm 30/7, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế đã quay đầu giảm sau 3 phiên tăng liên tiếp. Giá vàng thế giới hiện đóng cửa tuần ở mức 1.813,8 USD/ounce, thấp hơn 14,1 USD so với phiên liền trước, tương đương mức giảm ròng gần 0,8% trong phiên.

* Giá gạo Thái Lan, Việt Nam đều giảm

Giá gạo xuất khẩu tại Thái Lan trong tuần này giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua do thiếu người mua và đồng baht suy yếu. Trong khi đó, các quy định hạn chế liên quan đến đại dịch COVID-19 tại Việt Nam đã khiến giá gạo giảm xuống mức thấp gần một năm rưỡi.

Giá lúa gạo hôm nay tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tại Việt Nam tiếp xu hướng giảm. Theo các thương lái, hiện dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều địa phương đang siết chặt việc lưu thông qua lại khiến việc thu mua lúa gặp khó khăn, nhiều kho xay xát ngưng nhận hàng.

Phiên cuối tuần này, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam (loại 5% tấm) chỉ chào bán với giá từ 400-404 USD/tấn trong khi thời điểm giữa tháng 5/2021, được chào bán với giá từ 513-517 USD/tấn, tức là đã giảm trên 110 USD/tấn. Thậm chí trong phiên giao dịch ngày 29/7, giá gạo 5% tấm của Việt Nam giảm xuống còn 390 USD/tấn - mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020.

Trong khi đó, giá gạo đồ, 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ vẫn ở mức 383-387 USD/tấn trong tuần này, mức thấp nhất trong 16 tháng qua.

Còn vào ngày 29/7 vừa qua, giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống mức 385- 408 USD/tấn, từ mức tương ứng 395- 410 USD/tấn của tuần trước đó, ghi dấu mức thấp nhất kể từ tháng 7/2019.

* Chính phủ đồng ý giảm tiền điện 2 tháng cho người dân do ảnh hưởng dịch COVID-19

Ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công Thương về đợt giảm giá điện đợt 4 cho một số khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Các đối tượng được hỗ trợ giảm tiền điện là các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các quận, huyện, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố tại thời điểm ngày 30/7/2021 đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Theo đó, mức hỗ trợ giảm giá điện sẽ giảm 15% tiền điện (trước thuế VAT) trên hoá đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng đến 200 kWh/tháng. Cùng đó, giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) trên hoá đơn tiền điện cho các khách hàng sử dụng trên 200 kWh/tháng.

Thời gian hỗ trợ giảm tiền điện cho khách sử dụng điện là hai tháng tại các kỳ hoá đơn tiền điện tháng 8 và kỳ hoá đơn tiền điện tháng 9/2021.

Danh sách các địa phương được giảm tiền điện tại điểm a khoản 1 do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cung cấp cho các đơn vị điện lực.

* Bộ Công Thương đề nghị ưu tiên tiêm vaccine cho lao động vận tải và logistics

Ngày 30/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải ký văn bản hoả tốc số 4580/BCT-CN đề nghị các địa phương ưu tiên tiêm vaccine cho lái xe, người lao động ngành vận tải và logistics nhằm không để đứt gãy chuỗi sản xuất.

Bộ Công Thương đề nghị ưu tiên tiêm vacinne cho lái xe liên tỉnh, lao động tại cửa khẩu. Ảnh: TTXVN.

Văn bản nhấn mạnh, việc tiêm vaccine cho hai nhóm lao động này nhằm góp phần bảo đảm việc lưu chuyển hàng hóa trong bối cảnh nhiều địa phương đã và đang thực hiện giãn cách xã hội và thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Bộ Công Thương cho rằng, thời gian qua, Bộ được nhiều phản ánh, kiến nghị của các Hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp về các biện pháp phòng chống dịch, phân luồng và hạn chế lưu thông hàng hoá của nhiều địa phương còn phức tạp, không thống nhất, làm phát sinh thêm rất nhiều chi phí và thời gian cho việc vận chuyển hàng hoá phục vụ hoạt động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, khi không đảm bảo được quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hoá, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất sẽ dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất nội địa.

Bộ Công Thương nhấn mạnh, sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử… trong chuỗi giá trị toàn cầu ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong dài hạn.

Trong trường hợp gián đoạn chuỗi giá trị toàn cầu, các nhà mua hàng và sản xuất lớn trên thế giới sẽ tìm kiếm sự bù dắp thiếu hụt chuỗi cung ứng từ các quốc gia khác thay cho các doanh nghiệp Việt Nam. Việc quay trở lại chuỗi giá trị, chuỗi cung cứng toàn cầu sẽ cực kỳ khó khăn và cần phải có quá trình lâu dài.

Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Bổ sung đối tượng lao động trong các ngành vận tải và logistics, đặc biệt là lái xe, phụ xe, vận tải liên tỉnh, đội ngũ lao động tại các cảng biển, cửa khẩu… là đối tượng ưu tiên (nếu các địa phương chưa đưa các đối tượng này là đối tượng ưu tiên) tiêm vaccine như lực lượng tuyến đầu chống dịch nhằm bảo đảm dòng lưu thông hàng hóa được thông suốt, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất.

* Gần 600 xe Volvo tại thị trường Việt Nam bị triệu hồi do lỗi cầu chì

Tại thị trường Việt Nam có tổng cộng 583 xe Volvo bị triệu hồi, gồm các mẫu XC60, S90,V90 và XC90 phiên bản 2019 và 2020 để kiểm tra và thay thế cầu chì bơm nhiên liệu.

Đây là những xe được sản xuất từ tháng 1/2019 đến tháng 04/2020 do Công ty TNHH Sweden Auto nhập khẩu về Việt Nam phân phối. Thời gian bắt đầu thực hiện chương trình triệu hồi từ ngày 31/7/2021 và dự kiến kết thúc vào ngày 31/7/2022 tại 3 đại lý Volvo Car Hà Nội, Volvo Car Sài Gòn và Volvo Car Đà Nẵng. Dự kiến mỗi xe sẽ mất khoảng 1 giờ để kiểm tra, thay thế bộ phận lỗi và hoàn toàn miễn phí.

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, cầu chì bơm nhiên liệu là một thiết bị quan trọng, giúp bảo vệ mạch điện khỏi bị hư hỏng khi quá tải, chập, cháy mạch. Khi bị quá tải đột ngột, cầu chì sẽ bảo vệ nguồn điện bằng cách làm ngắt quãng mạch điện. Việc nguồn điện bị ngắt dẫn đến nguồn nhiên liệu không được bơm lên động cơ, động cơ sẽ không khởi động được, kèm theo đó một tin nhắn sẽ được hiển thị trên màn hình thông tin của xe.

* Thái Lan lần thứ ba giảm dự báo tăng trưởng kinh tế cho năm 2021

Bộ Tài chính Thái Lan vừa cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này từ mức 2,3% đưa ra mới đây xuống còn 1,3% trong cả năm 2021. Đây là lần thứ ba Thái Lan hạ dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm nay, trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đang phải vật lộn đối phó với làn sóng COVID-19 thứ ba khiến số ca nhiễm mới và tử vong hàng ngày tăng đột biến.

Trước đó, Bộ Tài chính Thái Lan đã hai lần hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2021 từ mức 4,5% đưa ra hồi tháng 10/2020 xuống 2,8% và từ 2,8% xuống 2,3% do sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19.

Các biện pháp nghiêm ngặt đang được áp dụng hiện nay có hiệu lực tại 13 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề kể cả thủ đô Bangkok từ ngày 20/7 bao gồm hạn chế đi lại, giới nghiêm ban đêm, đóng cửa các trung tâm thương mại và yêu cầu người dân làm việc tại nhà.

* Các ngân hàng châu Âu đủ khả năng chống chịu với khủng hoảng kinh tế

Theo kết quả cuộc sát hạch về khả năng chống đỡ các cú sốc kinh tế của Cơ quan Quản lý Ngân hàng châu Âu (EBA), các ngân hàng châu Âu có đủ khả năng vượt qua một cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng.

Trong kịch bản xấu nhất, được mô tả là "rất nghiêm trọng" và kéo dài 3 năm, lĩnh vực ngân hàng châu Âu sẽ bị lỗ 265 tỷ euro (314 tỷ USD) vào năm 2023. Mặc dù, mức sụt giảm vốn cấp 1 (hay còn gọi là vốn cốt lõi phục vụ hoạt động) vẫn nằm trong giới hạn có thể chấp nhận được, cổ đông của các ngân hàng như PNB Paribas (Pháp) và Deutsche Bank (Đức) sẽ phải chịu thiệt hại lớn do các khoản nợ xấu.

EBA hợp tác với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tổ chức cuộc sát hạch này với sự tham gia của 50 ngân hàng hàng đầu - chiếm 70% tổng tài sản trong lĩnh vực ngân hàng của khối này.

Kết quả khảo sát cho thấy, 20 trong số 50 ngân hàng sẽ có tỷ lệ vốn cấp 1 giảm xuống dưới 10% vào cuối năm thứ ba. Ngân hàng Monte dei Paschi di Siena (BMPS) của Italy (I-ta-li-a), vốn gặp nhiều khó khăn trong một thời gian dài thậm chí sẽ phải đối mặt với tỷ lệ vốn cấp 1 là -0,10%.

Theo khảo sát, một số ngân hàng có thể sẽ bị lỗ rất nặng vào cuối năm 2021, như BNP Paribas là 11 tỷ euro, Deutsche Bank là hơn 10 tỷ euro và ngân hàng Santander (Tây Ban Nha) là hơn 5 tỷ euro.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch ECB Luis De Guindos nhận xét, nhìn chung các ngân hàng châu Âu thể hiện sự mạnh mẽ và đã vượt qua bài sát hạch tốt. Về phía EBA, các nhà quản lý cho biết, cuộc sát hạch cho thấy tình trạng suy giảm nguồn vốn sẽ rõ nét hơn ở các ngân hàng không đa dạng hóa hoạt động kinh doanh ở thị trường nước ngoài và doanh thu bị ảnh hưởng do lãi suất thấp hơn.

Cuộc sát hạch dự kiến được tổ chức vào năm 2020, song đã bị hoãn lại đến năm 2021 vì đại dịch toàn cầu.