Ý kiến tâm huyết hướng về Hội nghị Văn hóa toàn quốc

Ông Văn Công Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Di sản văn hóa (DSVH) là tài sản quý giá của dân tộc, là báu vật mà thiên nhiên ban tặng cho đất nước, kết tinh lao động sáng tạo mà ông cha ta từ đời này qua đời khác đã dày công tạo dựng. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị DSVH là việc làm quan trọng và cấp thiết, góp phần “phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần” theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Ở tỉnh ta hiện có 239 di tich lịch sử văn hóa được đưa vào danh mục kiểm kê, gồm các loại hình: Di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử cách mạng, danh lam thắng cảnh, DSVH phi vật thể của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh. Trong đó, có 64 di tích đã được lập hồ sơ xếp hạng và đưa vào danh mục DSVH cấp quốc gia... Trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, đô thị hóa hiện nay, việc bảo tồn và phát huy những giá trị DSVH là nội dung quan trọng trong định hướng phát triển của tỉnh để khai thác phát triển du lịch, thu hút du khách đến tham quan, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, trong thời gian tới, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp như: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo tồn DSVH; đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị DSVH; quan tâm công tác kiểm kê, lập hồ sơ khoa học các DSVH nhằm nhận diện và xác định mức độ tồn tại, giá trị và sức sống của từng loại hình trong cộng đồng, trên cơ sở đó đề xuất phương án bảo tồn, phát huy một cách hiệu quả...

* Ông Tà Thía Banh, Bí thư Đảng ủy xã Phước Hà (Thuận Nam):

Cũng như cộng đồng các dân tộc thiểu số khác, đồng bào Raglai trên địa bàn tỉnh có bề dày lịch sử, có chữ viết riêng và kho tàng văn hóa đồ sộ. Trong đó, đáng chú ý là lối hát sử thi và các lễ hội như: Lễ bỏ mả, lễ hội ăn đầu lúa mới, lễ cưới, lễ cầu mưa thuận gió hòa, lễ trưởng thành, lễ xuống giống và lễ hội cây ka mao. Đi cùng với đó là bộ sưu tập các loại nhạc cụ hết sức độc đáo như: Mã la, kèn bầu Sarakel, kèn bầu Kupoăt, đàn Chapi, kèn môi, sáo Talakung... Điều đáng tiếc là hiện nay, bản sắc văn hóa của đồng bào Raglai đang dần mai một, thiếu người kế thừa và phát triển. Đặc biệt là chữ viết, lối hát kể chuyện sử thi, cách chế tác, sử dụng các loại nhạc cụ... Là người dành nhiều thời gian và tâm huyết nghiên cứu các vấn đề văn hóa của đồng bào Raglai trên địa bàn tỉnh, theo tôi, để các giá trị văn hóa này được trường tồn, trước hết các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân, nhất là các tộc họ phát huy và giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Tôi mong, thời gian tới, Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương dành sự quan tâm hơn nữa, tập trung xây dựng chính sách, kế hoạch, các mô hình và bố trí nguồn kinh phí để bảo tồn, khôi phục lại những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, trong đó có dân tộc Raglai.

* Ông Lộ Minh Trung, xã Phước Hữu (Ninh Phước):

Trong những năm qua, với sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Chăm đã có bước phát triển nổi bật. Cùng với đó, công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của người Chăm cũng được quan tâm, chú trọng. Thể hiện rõ nét qua hoạt động nghiên cứu, phục chế hàng trăm hiện vật về công cụ lao động sản xuất, nhạc cụ truyền thống, trang phục, tranh, tượng... Đồng thời, nhiều di sản văn hóa vật thể cũng được bảo tồn và phát huy giá trị như: Tháp Po Klong Garai, tháp Hòa Lai, Lễ hội Katê; qua đó, tạo sự phong phú trong kho tàng văn hóa, phục vụ tốt nhu cầu đời sống tâm linh, tín ngưỡng trong cộng đồng dân tộc Chăm.

Là người con của đồng bào Chăm, tôi cũng đã dành nhiều thời gian tìm hiểu về các vấn đề liên quan đến văn hóa của dân tộc mình; qua đó, nhận thấy, hiện nay ở nhiều nơi, người dân chưa quan tâm nhiều đến các di sản văn hóa, nhất là một bộ phận giới trẻ. Để việc bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa của đồng bào Chăm trong thời gian tới, tôi mong rằng Nhà nước cần quan tâm, đầu tư việc tu tạo các đền, tháp; tăng cường quảng bá, tổ chức các tour du lịch giới thiệu giá trị văn hóa của người Chăm đến du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, phát huy vai trò của người uy tín; cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu được giá trị văn hóa dân tộc, từ đó biết gìn giữ, kế thừa và phát triển bền vững trong thời gian tới.

* Nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Amư Nhân, xã Phước Thuận (Ninh Phước):

Thời gian qua, tỉnh ta đã quan tâm, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, nghệ nhân Chăm được biểu diễn âm nhạc truyền thống tại Ngày hội Văn hóa Chăm và các sự kiện lớn của tỉnh. Đây là môi trường để các nhạc sĩ, biên đạo, nghệ sĩ, nghệ nhân tìm hiểu và tôn vinh các làn điệu dân ca, dân nhạc và phát huy công năng của dàn nhạc cổ truyền Chăm, cũng là cách để bảo tồn âm nhạc cổ truyền Chăm. Để công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản âm nhạc Chăm đạt hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới, tôi kiến nghị tỉnh nên triển khai viết giáo trình âm nhạc Chăm để kết hợp với chương trình học chữ Chăm tại các trường tiểu học vùng đồng bào Chăm. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần xây dựng hồ sơ công nhận âm nhạc cổ truyền Chăm là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo tồn khẩn cấp. Bản thân tôi là một người nghệ sĩ Chăm làm công việc sáng tác và biểu diễn âm nhạc, tôi mong lớp nhạc sĩ kế cận sáng tác nhiều ca khúc mang âm hưởng dân ca Chăm với phần hòa âm của các nhạc cụ truyền thống Chăm và phần lời được viết song ngữ Chăm - Việt để lan tỏa giá trị âm nhạc Chăm rộng khắp trong cộng đồng các dân tộc.