Đổi mới xã vùng cao Ma Nới

Trở lại xã vùng cao Ma Nới (Ninh Sơn) vào những ngày cuối năm, chúng tôi thật may mắn khi đến đúng dịp bà con đang vào mùa vụ thu hoạch đậu đen và bắp nếp... Những con đường mòn vắt vẻo trên núi thường ngày vắng bóng người, nay lại trở nên nhộn nhịp với đoàn người mang trên mình chiếc gùi to đầy bắp, đậu đưa xuống núi. Trước mỗi khoảng sân nhà, đâu đâu cũng đầy ắp bắp, đậu. Mùa xuân về cũng mang theo nhiều niềm vui cho bà con khi có một mùa vụ bội thu.

Chị Va Ri Nhông Mai, thôn Gia Hoa, vui mừng chia sẻ: Ma Nới nay đã khác xưa nhiều rồi, bây giờ, điện, đường, trường, trạm đều được đầu tư, xây dựng kiên cố, bà con xây được nhà ở khang trang, biết ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nên chất lượng và sản lượng được nâng lên. Trong mùa này gia đình có 6 sào bắp nếp và 2 sào đậu đen cho hạt to, đều, sau khi phơi khô ước tính sản lượng khoảng 6-7 tạ. Năm nay có giá hơn năm trước, bắp 12.000 đồng/kg, đậu đen 22.000-25.000 đồng/kg, gia đình có thể thu về khoảng 10 triệu đồng.

Một góc xã Ma Nới (Ninh Sơn).

Là xã xa nhất của huyện Ninh Sơn, có hơn 98% là đồng bào dân tộc Raglai sinh sống. Diện tích tự nhiên toàn xã hơn 25.500 ha, phần nhiều là đồi núi và đất rừng, trong đó đất canh tác có trên 1.700 ha chủ yếu trồng bắp địa phương, lúa nước, lúa rẫy, đậu xanh và khoai mì. Từ sản xuất nhỏ, chỉ biết trồng bắp, lúa trên nương rẫy theo cách “tự cung tự cấp” phụ thuộc vào nước trời, đến nay bà con Ma Nới đã biết canh tác 2 vụ ăn chắc với tổng diện tích hơn 150 ha, chủ động nước tưới từ các công trình thủy lợi, áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa cho năng suất 45-50 tạ/ha; xen canh, luân canh chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, mít, cây khoai mì... với diện tích hơn 80 ha. Đáng phấn khởi là việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, được bà con áp dụng rộng rãi từ khâu làm đất đến thu hoạch.

Chăn nuôi là một trong những hướng đầu tư có lãi của bà con. Tận dụng lợi thế diện tích đất tự nhiên lớn, người dân Ma Nới tập trung phát triển chăn nuôi với tổng đàn hiện nay hơn 5.000 con bò (Bình quân mỗi hộ dân Ma Nới nuôi từ 3 con bò trở lên, trong đó chủ yếu nuôi bò theo hình thức sinh sản). Ông Pa Xây Ngọc, thôn Gia Rót, có 10 con bò đã khẳng định: Từ lâu chăn nuôi đã được coi là nguồn thu thập chính của bà con địa phương, bất cứ người dân Ma Nới nào xây nhà, hay sắm những vật dụng đắt tiền như ti vi, xe máy... cũng đều nhờ nuôi bò tích lũy mà ra. Gia đình tôi cũng nhờ nuôi bò mà có tiền xây nhà khang trang, cho ăn học đàng hoàng nay ra trường và đi làm tại địa phương.

Mùa xuân này, niềm vui của người dân còn được nhân đôi khi con đường từ trung tâm xã về thôn Tà Nôi khoảng 8 km được đầu tư và đưa vào sử dụng. Nếu như trước đây, muốn đến được thôn chúng tôi phải mất từ một tiếng rưỡi đến hai tiếng đồng hồ băng rừng, lội qua 7 con suối với đường đất sình lầy nhỏ hẹp vô cùng gian nan. Nhưng hôm nay khoảng cách về thôn Tà Nôi đã được rút ngắn khi các con suối đã được bắc cầu, con đường được bê tông, nhựa hóa, đường ô tô chạy vào tận nơi. Ông Cà Mau Viên, Trưởng thôn Tà Nôi vui mừng, cho biết: Tà Nôi hôm nay đã xóa bỏ thế cô lập giữa rừng, đường đi thuận lợi, kết nối giao thương, giúp những chuyến xe chở hàng nông sản của bà con ngược xuôi thuận lợi hơn trước rất nhiều. Nông sản làm ra không phải tự vận chuyển vất vả đem bán nhiều ngày mới xong mà được thương lái đến tận nhà thu mua nên bà con phấn khởi vô cùng.

Ông Nghiêm Văn Vinh, Chủ tịch UBND xã Ma Nới, cho biết: Hạ tầng nông thôn đã giúp Ma Nới mang diện mạo mới ngày càng khởi sắc. Trong đó, hệ thống giao thông nông thôn, giao thông nội đồng được đầu tư nâng cấp, thiết chế văn hóa cơ sở được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại giúp đời sống mọi mặt của bà con cải thiện rõ rệt, 100% trẻ em được đến trường, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm của xã giảm đáng kể (8,1%/năm), hiện còn 36,10%. Tỷ lệ hộ nghèo tuy còn cao, song bà con đã biết phấn đấu bằng nội lực của chính mình trong phát triển kinh tế, đã xuất hiện nhiều nhân tố điển hình làm kinh tế giỏi, dần ổn định cuộc sống.