Hơn 20 nước ghi nhận số ca mắc mới cao kỉ lục vì ‘sóng Omicron’

Hơn 20 nước trên thế giới ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao kỉ lục trong tuần qua, phần nào cho thấy sức ép mà biến thể Omicron đang tạo ra đối với hệ thống y ở cả các nước giàu lẫn nước nghèo.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng phát đi cảnh báo về “sóng thần lây nhiễm” khi hai biến thể Detla và Omicron cùng lây lan mạnh trên toàn cầu. Ít nhất năm nước, trong đó có có Anh, Australia, Đan Mạch, đã phải ghi nhận số ca mắc theo ngày cao gấp hai lần so với mức đỉnh trong các đợt dịch trước. Tại Mỹ, số ca mắc trung bình trong bảy ngày qua đã đạt ngưỡng 300.000 ca/ngày trong ngày 29/12.

Số lượng xét nghiệm được tiến hành tại các nước cũng đã vượt mức đỉnh cũ trong đại dịch. Trong đó, tỉ lệ xác định dương tính liên tục tăng. Tại một số quốc gia như Anh, Canada, Đan Mạch, tỉ lệ dương tính trong xét nghiệm đã lên mức cao kỉ lục. Đã xảỷ ra hiện tượng thiếu hụt, khan hiếm bộ xét nghiệm PCR và kháng nguyên ở nhiều nước, điển hình là tại Anh và Italy.

Người dân chờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại New York, Mỹ ngày 29/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Australia, nước từng theo đuổi chiến lược zero-Covid (không Covid), ghi nhận số ca nhiễm cao gấp 5,5 lần so với mức đỉnh từng được xác lập trước đó. Tuy nhiên, tại Nam Phi, nước phát hiện ca nhiễm Omicron đầu tiên, tình hình có xu hướng lắng dịu. Dữ liệu do Bộ Y tế Nam Phi cung cấp cho thấy số ca nhiễm COVID-19 ở nước này trong tuần kết thúc ngày 25/12 đã giảm 30% so với tuần trước đó.

Chính phủ Nam Phi ngày 30/12 đã quyết định dỡ bỏ lệnh giới nghiêm từ nửa đêm tới 4 giờ sáng, dựa trên đánh giá cho rằng quốc gia này đã qua đỉnh dịch của làn sóng thứ tư dưới tác động của biến thể Omicron. Biện pháp nới lỏng được đưa ra sau khi chính quyền rà soát, đánh giá xu hướng lây lan dịch bệnh, tỉ lệ tiêm chủng vaccine cũng như năng lực tiếp nhận và điều trị của hệ thống y tế.

Dữ liệu và bằng chứng ban đầu cho thấy Omicron có độc lực yếu hơn so với các biến chủng trước. Đó có thể là bởi hàng triệu người trên thế giới đã nhiễm SARS-CoV-2 trong hai năm qua, cùng với hiệu quả của chiến lược tiêm chủng vaccine trên toàn cầu, tạo ra lưới miễn dịch nhất định. Tuy nhiên, hiện chưa thể khẳng định được tác động, mức độ lây lan của Omicron đối với nhóm đối tượng chưa tiêm chủng hoặc từng nhiễm COVID-19 trước đó.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Portsmouth, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới chuyên gia y tế công đã lên tiếng cảnh báo không nên đánh giá thấp ảnh hưởng của Omicron dù biến mới gây ra tình trạng bệnh nhẹ hơn so với Delta. Soumya Swaminathan, nhà khoa học trưởng tại WTO, cho rằng việc gia tăng mạnh số ca mắc mới trên toàn cầu có thể sẽ khiến hệ thống y tế các nước đứng trước sức ép lớn. “Một tỉ lệ nhỏ nhưng nằm trong một số lượng lớn bệnh nhân vẫn có thể khiến bệnh viện quá tải và làm tăng mạnh nhu cầu được chăm sóc đối với bệnh nhân không nhập viện”, bà Swaminathan nói.

Tại Mỹ, số ca nhiễm tăng mạnh đã gây quá tải đối với hệ thống bệnh viện ở nhiều bang có tỉ lệ tiêm chủng vaccine cao, như tại New York, nơi đang trong làn sóng lây nhiễm đỉnh điểm. Bang này trong ngày 30/12 có 74.207 ca nhiễm, một kỉ lục mới, trong đó có 7.373 ca phải nhập viện.

Thống đốc Kathy Hochul cho biết chính quyền bang New York đã cho tăng cường nhân viên y tế và tăng số giường bệnh. “Về cơ bản chúng tôi đang chuẩn bị cho bùng phát lây nhiễm trong tháng 1 tới. Chúng tôi biết đó là điều sẽ xảy ra”, bà Hochul chia sẻ.

Ông Mike Ryan, giám đốc chương trình y tế khẩn cấp của WHO, cho rằng rất có thể Omicron đang tiến hóa sang giai đoạn trở thành bệnh đặc hữu. Nhưng virus tự thân sẽ không biến mất hoàn toàn. Ông cũng lên tiếng cảnh báo các nước cần cân nhắc thận trọng việc cắt ngắn thời hạn cách ly đối với người nhiễm COVID-19 và người tiếp xúc gần, trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh bùng phát mạnh với biến thể Omicron.

Ngay sau khi xác định ca nhiễm đầu tiên tại Nam Phi, các nước đã nhanh chóng triển khai biện pháp ngăn chặn lây lan của biến thể mới, bằng các biện pháp hạn chế đi lại, đóng cửa biên giới, đẩy nhanh chiến dịch tiêm mũi vaccine tăng cường. Omicron được cho là có cấp độ lây nhiễm cao hơn Delta và có khả năng “né” vaccine, gây nhiễm với người từng mắc COVID-19 trước đó. Bằng chứng ban đầu cho thấy cơ chế tiêm hai liều vaccine có thể không hiệu quả trước Omicron, nhưng mũi tăng cường sẽ giúp tăng hiệu lực bảo vệ.

Theo TTXVN/Báo Tin tức