Vườn xanh dưới chân núi Chúa

(NTO) Chúng tôi lấy làm bất ngờ khi tận "mục sở thị” vườn trôm của gia đình anh Dương Văn Quang 38 tuổi ở thôn Láng Me. Hàng ngàn cây trôm được trồng thẳng tắp, tán lá xanh biếc tạo nét chấm phá tươi mới cho vùng rừng đệm núi Chúa đang vào mùa khô hạn. Anh Quang là nông dân trẻ đầu tiên của xã Bắc Sơn chắt chiu vốn liếng đầu tư trồng cây trôm với hy vọng đem lại hiệu quả kinh tế cao bảo đảm đời sống gia đình no ấm.

Anh Dương Văn Quang chăm sóc vườn trôm

Ít ai ngờ chàng trai chí thú trồng trôm ở thôn Láng Me đã từng là bộ đội bảo vệ đảo Nam Yết thuộc quần đảo Trường Sa thiêng liêng của Tổ quốc. Đầu năm 1993, khi vừa tròn 20 tuổi, Dương Văn Quang từ giã quê hương lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự. Anh được điều động về Lữ đoàn 146 đóng quân tại Trường Sa. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ, nhìn thấy đồng đất quê nhà Thái Bình đất chật người đông, anh vào thôn Láng Me xây dựng gia đình sinh cơ lập nghiệp. Có chút ít vốn liếng được đơn vị hỗ trợ ngày ra quân, anh sang nhượng lại 5,5 sào đất mới khai hoang dưới chân núi Chúa. Buổi đầu lập nghiệp, anh trồng cây điều nhưng năng suất thấp. Qua phương tiện thông tin đại chúng, anh thấy cây trôm đang “lên ngôi” đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Cây trôm dễ trồng, ít sâu bệnh hại, thích nghi với điều kiện đất đai vùng đồi núi. Sau 5-6 năm, cây trôm cho thu hoạch thân, lá, mủ. Đặc biệt, mủ trôm có giá trị dinh dưỡng tốt và đạt hiệu quả kinh tế cao, giá bán mủ hiện nay trên 120 ngàn đồng/kg. Mùa mưa năm 2009, anh “lận lưng” 10 triệu đồng lặn lội vô huyện Tuy Phong mua 500 cây trôm giống đưa về trồng thử nghiệm trên diện tích 2,5 sào. Nhìn thấy cây trôm chịu đất, chịu nước Láng Me sinh trưởng tốt, anh mua hạt trôm với giá 40 ngàn đồng/kg đem về tự gieo ươm trồng thêm 2 sào. Từ khi gieo hạt đến 6 tháng, cây trôm có chiều cao khoảng 40- 50 cm là đưa ra trồng, giá thành 10.000 đồng/cây, giảm 50% so với mua cây giống. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, anh Quang trồng xen cây cà, cây ớt dưới chân cây trôm, dùng mô tơ bơm tưới từ hệ thống thủy lợi Sông Trâu. Qua hai năm đứng chân trên đồng đất Láng Me được đầu tư chăm sóc chu đáo, cây trôm sinh trưởng tốt, chiều cao 2-2,5 mét, đường kính khoảng 10 cm. Anh đang gieo ươm cây giống tiếp tục trồng phủ xanh thêm 1 sào đất trống trong mùa mưa sắp tới.

Dương Văn Quang tâm sự:"Hàng ngày, em vừa sửa xe hon đa cho bà con thôn xóm vừa làm rẫy trồng hoa màu bảo đảm cuộc sống gia đình. Em rất yên tâm khi đầu tư vốn liếng trồng cây trôm vừa phủ xanh đất đai vừa có giá trị kinh tế ổn định lâu dài. Thân cây dùng làm bột giấy, lá cho dê cừu ăn, mủ trôm chế biến nước giải khát. Trong vài ba năm tới, khi vườn trôm nhà em cho thu hoạch mủ bán được giá sẽ mở ra mô hình phát triển kinh tế vườn trôm phủ xanh vùng rừng đệm dưới chân núi Chúa”.