Thúc đẩy thương mại điện tử đối với các sản phẩm đặc thù

Với nhiều ưu điểm và tiện ích nhanh chóng, thương mại điện tử (TMĐT) hiện đang là xu hướng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn mua sắm. Thời gian qua, ngành Công Thương đang đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong tình hình mới, các cơ sở kinh doanh (CSKD), doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh cũng dần tiếp cận và thực hiện bán sản phẩm của đơn vị thông qua hoạt động TMĐT, trong đó tập trung chủ yếu là sản phẩm OCOP và đặc thù thông qua các sàn giao dịch TMĐT.

Ông Trần Quốc Sanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, giãn cách kéo dài đã khiến chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy. Trong bối cảnh đó, TMĐT được Sở Công Thương đặc biệt chú trọng để thúc đẩy phát triển và trở thành phương thức giao dịch được sử dụng phổ biến, lựa chọn tối ưu của DN cũng như người tiêu dùng. Góp phần đảm bảo cung ứng hàng hóa, mở rộng thị trường cho DN trong đại dịch, hỗ trợ quảng bá sản phẩm địa phương có thế mạnh.

Để hỗ trợ cho các DN, CSKD phát triển TMĐT, năm 2021, Sở Công Thương đã có nhiều hoạt động nổi bật như chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các đơn vị có liên quan hỗ trợ đưa sản phẩm cơ sở, hợp tác xã, DN lên sàn giao dịch TMĐT có uy tín. Kết quả đã đưa được 3 đơn vị lên sàn Sen Đỏ, 15 đơn vị lên sàn Vỏ Sò, 13 đơn vị lên sàn Postmart, trong đó tập trung vào các sản phẩm đặc thù như: nho xanh, nha đam, hành tím, táo, măng tây, nước mắm, thịt dê cừu,... Hiện đã có 18 cơ sở, DN được hỗ trợ phần mềm quản lý bán hàng thông minh; 7 cơ sở, DN xây dựng, phát triển bộ thương hiệu trực tuyến cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh Ninh Thuận.

Sản phẩm OCOP Măng khô và Chuối hột mồ côi Phước Bình (Bác Ái) được người dân tin dùng. Ảnh: Văn Nỷ

Ngoài ra, ngành Công Thương còn phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục Xúc tiến thương mại hỗ trợ cơ sở, DN trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, phân phối hàng hóa trên các sàn giao dịch TMĐT. Đồng thời, xây dựng hệ thống thông tin giao dịch điện tử ngành Công Thương (Sàn TMĐT). Có thể thấy, việc phát triển sản phẩm qua kênh TMĐT đã tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động kinh doanh, giúp người bán tiếp cận với nhiều khách hàng hơn nhưng cũng tăng tính cạnh tranh của các sản phẩm vì người mua có nhiều lựa chọn hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế để các sản phẩm địa phương có thể quảng bá thông qua kênh bán hàng này.

Theo ông Trần Quốc Sanh, thực tế hiện nay, các DN, CSKD của tỉnh đa số là nhỏ và vừa, khả năng tài chính hạn hẹp, việc đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động TMĐT tại các cơ sở, DN còn thiếu và yếu. Một số CSKD, DN đã đầu tư hoặc được hỗ trợ xây dựng Website nhưng chưa phát huy tác dụng, phần lớn chỉ để quảng bá hình ảnh sản phẩm, trong khi đó các hoạt động bán hàng trực tuyến, nguồn nhân lực ứng dụng TMĐT của cơ sở, DN còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, nguồn nhân lực TMĐT là yếu tố then chốt quyết định sự tăng trưởng nhanh và bền vững của hoạt động TMĐT hiện nay. Tuy nhiên, với khả năng ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ sở, DN tỉnh còn hạn chế nên việc phát triển các sản phẩm qua TMĐT còn nhiều khó khăn.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động TMĐT trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2351/KH-UBND ngày 14-5-2021 về phát triển TMĐT giai đoạn 2021-2025. Theo đó, các chính sách hỗ trợ để phát triển TMĐT sẽ tập trung vào 6 nội dung bao gồm: Hỗ trợ tổ chức khóa đào tạo, tập huấn ngắn hạn phù hợp về chuyển đổi số trong hoạt động TMĐT cho DN, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh. Xây dựng, triển khai vận hành sàn giao dịch TMĐT tỉnh Ninh Thuận nhằm quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa của các DN, cơ sở kinh doanh trong tỉnh. Hỗ trợ DN nhỏ và vừa triển khai ứng dụng TMĐT để kinh doanh trực tuyến; tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên Sàn giao dịch TMĐT tỉnh và các sàn TMĐT uy tín trên cả nước. Hỗ trợ các DN chưa có hoặc đã có website đang hoạt động, nâng cấp thành website TMĐT. Hỗ trợ DN áp dụng các giải pháp công nghệ (công nghệ mã vạch, QR code, chip NFC, công nghệ blockchain...) để truy xuất nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Hỗ trợ các DN có sản phẩm đặc trưng của tỉnh tham gia ngày hội triển lãm trực tuyến trên sàn TMĐT; tham gia liên kết, kết nối cung cầu sản phẩm hàng hóa dịch vụ.