WB nhận định về kinh tế khu vực Đông Á và Thái Bình Dương

Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Indonesia năm 2022 từ mức 5,2% xuống còn 5,1% do ảnh hưởng của cuộc xung đột hiện nay tại Ukraine, đồng thời lưu ý rằng mức tăng trưởng này cao hơn so với mức trung bình 5% của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu họp báo ngày 5/4 tại Jakarta, ông Aaditya Mattoo, nhà kinh tế trưởng của WB khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nhận định nhiều cú sốc bắt nguồn từ xung đột tại Ukraine, trong đó các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga có thể tác động rõ nhất đến khu vực Đông Á và Thái Bình Dương dưới dạng gián đoạn nguồn cung hàng hóa cũng như sự gia tăng áp lực đối với khu vực tài chính và sự suy giảm niềm tin toàn cầu.

Sự phụ thuộc trực tiếp của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương vào Nga và Ukraine thông qua xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ và đầu tư vẫn hạn chế, song xung đột và các lệnh trừng phạt có khả năng làm tăng giá thực phẩm và nhiên liệu trên quy mô toàn cầu, gây thiệt hại đối với người tiêu dùng và tăng trưởng.

Một tuyến phố ở thủ đô Jakarta, Indonesia ngày 1/4/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, ông Aaditya cho rằng một số quốc gia ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có khả năng chống chịu tốt hơn so với các nước khác trong việc đối phó với các cú sốc. Các nước xuất khẩu hàng hóa, chẳng hạn như Indonesia và Malaysia, có thể ứng phó với sự gia tăng giá cả toàn cầu dễ dàng hơn so với các nước nhập khẩu hàng hóa trong khu vực như Fiji và Thái Lan.

Hiện Trung Quốc, Indonesia và Việt Nam đã vượt mức sản lượng trước đại dịch, trong khi Campuchia, Malaysia, Mông Cổ, Philippines và Thái Lan dự kiến sẽ đạt kết quả này trong năm nay. Ông Aaditya đề xuất chính phủ các nước Đông Á và Thái Bình Dương có thể dung hòa giữa nhu cầu chi tiêu và siết chặt kỷ luật tài khóa. Ví dụ, Indonesia đã lên kế hoạch đưa thâm hụt ngân sách xuống dưới ngưỡng 3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2023. Ngoài ra, các chính phủ trong khu vực cũng cần tiến hành cải cách tài khóa thông qua việc ban hành các đạo luật và quy định nhằm thúc đẩy quá trình phục hồi khách quan. Ví dụ, luật cải cách thuế mới ở Indonesia dự kiến giúp tăng 1,2% tỷ lệ thu ngân sách so với GDP trong trung hạn.

Theo TTXVN/Báo Tin tức