NGHỊ QUYẾT CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH KHÓA XII

Về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới đến năm 2020

Ngày 24-5-2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới đến năm 2020. Báo Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết này.

I/ Khái quát tình hình

Địa bàn nông thôn tỉnh Ninh Thuận có 47 xã, chiếm 64% dân số của tỉnh. Sau gần 20 năm tái lập tỉnh, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tiến bộ; các ngành sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng khai thác lợi thế từng vùng, từng địa phương nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích; tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ giúp nông dân ổn định và phát triển sản xuất; các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn tiếp tục đổi mới. Huy động và sử dụng có hiệu quả hơn các nguồn lực đầu tư cho kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu vùng nông thôn, nhất là hệ thống giao thông, công trình thủy lợi, điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo và thiết chế văn hóa cơ sở cũng như các dịch vụ thông tin truyền thông được đầu tư mở rộng, công tác giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn nông thôn được chú trọng. Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố, kiện toàn; dân chủ cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông thôn được giữ vững, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống nông dân từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được còn nổi lên những hạn chế:

- Phát triển kinh tế -xã hội và đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu vực nông thôn còn thiếu quy hoạch đồng bộ; môi trường ngày càng ô nhiễm, một số giá trị văn hóa truyền thống ở nông thôn có xu hướng bị mai một dần.

- Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn còn chậm. Chất lượng lao động còn thấp so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nhất là các xã đặc biệt khó khăn.

- Kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, làng nghề phát triển chậm, hiệu quả thấp, hầu hết các sản phẩm nông nghiệp chưa xây dựng được thương hiệu, giá trị gia tăng thấp.

- Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân nông thôn, nhất là các xã đặc biệt khó khăn còn ở mức thấp; chênh lệch giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn ngày càng lớn, phát sinh nhiều vấn đề xã hội bức xúc nhất là về việc làm, thu nhập.

- Hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở khu vực nông thôn còn nhiều hạn chế. An ninh nông thôn có nơi chưa tốt, còn tiềm ẩn phức tạp; đơn thư khiếu nại, khiếu kiện giải quyết chưa kịp thời.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế, yếu kém nhưng chủ yếu là:

- Cơ chế chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa đồng bộ; nhu cầu đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn lớn song khả năng đáp ứng các nguồn lực còn thấp. Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, chưa đồng bộ và thiếu tập trung nguồn lực.

- Vai trò của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể trong việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn một số nơi còn hạn chế. Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của hệ thống chính trị, nhất là cơ sở nhiều mặt chưa đáp ứng được yêu cầu.

- Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ, khu vực nông thôn còn hạn chế; trình độ dân trí của nông dân nhìn chung còn thấp.

II/ Quan điểm, mục tiêu xây dựng nông thôn mới đến năm 2020

1/ Quan điểm

- Xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng để phát triển kinh tế -xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh, quốc phòng; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái.

- Nông dân là chủ thể trong quá trình phát triển và xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, các cơ sở công nghiệp dịch vụ và làng nghề. Xây dựng nông thôn mới là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư, đồng thời đảm bảo nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân làm và dân được hưởng thụ”.

- Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm trong việc xây dựng, phát triển nông thôn mới. Trong quá trình phát triển, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, bảo vệ môi trường, đảm bảo trật tự xã hội, an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

- Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đa dạng và bền vững kết hợp phát triển công nghiệp tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống.

2/ Mục tiêu chung

Xây dựng nông thôn mới Ninh Thuận có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ và từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức sản xuất hợp lý phù hợp điều kiện thực tiễn của mỗi địa phương, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

3/ Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2015, xây dựng 23% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và đến năm 2020 trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

+ Quy hoạch xây dựng nông thôn mới: Đến hết năm 2011, cơ bản hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới ở tất cả các xã trên địa bàn tỉnh.

+ Về hạ tầng kinh tế - xã hội:

- Đến 2015, có 11 xã (bằng 23%) đạt chuẩn nông thôn mới; 47/47 xã có đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 17 xã có đường liên thôn được cứng hóa, ngõ xóm sạch không lầy lội vào mùa mưa, đường trục chính nội đồng được cứng hóa; 21 xã có hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu và kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa; 21 xã có các công trình phục vụ việc chuẩn hóa giáo dục đạt chuẩn; 14 xã có nhà văn hóa, khu thể dục thể thao của thôn, xã đạt chuẩn; 33 xã có các công trình y tế được chuẩn hóa; xóa 2.946 căn nhà tạm và dột nát.

- Đến 2020, có thêm 13 xã (bằng 27,6% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới, để đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 33 xã có đường liên thôn được cứng hóa, ngõ xóm sạch không lầy lội vào mùa mưa, đường trục chính nội đồng được cứng hóa; 36 xã có hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu và kênh mương do xã quản lý được kiên cố hóa; 36 xã có các công trình phục vụ việc chuẩn hóa giáo dục đạt chuẩn; 35 xã có nhà văn hóa, khu thể dục thể thao của thôn, xã đạt chuẩn; 42 xã có các công trình y tế được chuẩn hóa; chợ nông thôn được nâng cấp, xây dựng phù hợp chuẩn theo quy định.

+ Về kinh tế và tổ chức sản xuất:

- Đến năm 2015, có 20% số xã thu nhập đầu người/năm gấp 1,4 lần so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh dưới 8% ( theo chuẩn mới); 65% số xã có ít nhất 01 hợp tác xã hoạt động hiệu quả; xây dựng các hợp tác xã tiêu thụ nông sản, phát triển làng nghề, ngành nghề mới, xây dựng khu chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, có hệ thống xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.

- Đến năm 2020, có 50% số xã thu nhập nhập đầu người/ năm gấp 1,5 - 2 lần so với năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn tỉnh dưới 5%; có 75% số xã có ít nhất 01 hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

+ Về văn hóa - xã hội - môi trường: năm 2015, duy trì 38 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; có 33 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; có 68.898 số hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Đến năm 2016 có 47 xã xây dựng được nghĩa trang theo quy hoạch; 38 xã có bộ phận dịch vụ thu gom, xử lý rác thải.

+ Về hệ thống chính trị cơ sở: Đến năm 2015, 11 xã thuộc diện xây dựng nông thôn mới có: 100% số cán bộ đạt chuẩn, 100% đảng bộ, chính quyền trong sạch vững mạnh; các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội đạt tiên tiến, vững mạnh. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

III/ Nhiệm vụ chủ yếu

1/ Nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch

Quy hoạch xây dựng nông thôn mới phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, từng vùng và quy hoạch phát triển ngành; gắn liền với định hướng phát triển đô thị, các vùng kinh tế và phù hợp với bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; đảm bảo hiện đại, văn minh nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa, phong tục tập quán; đảm bảo ổn định cuộc sống dân cư và thích ứng với điều kiện địa lý, khí hậu vùng miền.

Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, nhất là về quy hoạch đất đai, quy hoạch khu dân cư; các quy hoạch đã được phê duyệt phải được niêm yết công khai ở nơi công cộng cho nhân dân biết để cùng tham gia tổ chức thực hiện.

2/ Đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn đồng bộ

Tập trung đầu tư hoàn thiện đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, mạng lưới điện, hệ thống trường học, cơ sở vật chất văn hóa, y tế, hệ thống chợ nông thôn; quan tâm đầu tư chỉnh trang các khu, cụm dân cư tạo môi trường sống trong nông thôn khang trang hiện đại, sạch đẹp, giàu bản sắc văn hóa đạt tiêu chí chuẩn quốc gia nông thôn mới cho 11 xã theo mục tiêu đã đề ra.

3/ Tổ chức lại sản xuất để phát triển kinh tế nông thôn

Tổ chức sản xuất nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy lợi thế từng vùng hình thành vùng chuyên canh gắn công nghiệp chế biến và tiếp thị sản phẩm; xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp-công nghiệp làng nghề và dịch vụ gắn nhu cầu thị trường, phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại gắn với đào tạo nghề, giải quyết tình trạng lao động thiếu việc làm, từng bước nâng cao thu thập cho cư dân nông thôn.

4/ Văn hóa - xã hội - môi trường

Tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học, giảm tỷ lệ học sinh bỏ học ở các cấp học, duy trì phổ cập trung học cơ sở, 100% trẻ em 5 tuổi được học mẫu giáo trước khi vào lớp 1. Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khẻo ban đầu và khám chữa bệnh ở nông thôn, thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế, dân số, giảm tỷ lệ sinh ở nông thôn.

Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, gắn với xây dựng nông thôn mới”, xây dựng ý thức tự giác chấp hành pháp luật. Từng bước xây dựng, củng cố, hoàn thiện các thiết chế văn hóa cơ sở. Thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, bài trừ các hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội.

Tổ chức tốt việc thu gom và xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt và chăn nuôi. Quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các xã để không gây ô nhiễm môi trường; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp, vận động người dân cùng thực hiện.

IV/ Các giải pháp

1/ Tăng cường sự lãnh đạo của đảng, quản lý nhà nước, phát huy sức mạnh các đoàn thể chính trị xã hội ở nông thôn nhất là trên địa bàn xã

Các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở xác định chủ trương xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm của hệ thống chính trị cơ sở. Tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Xây dựng nông thôn mới theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư, phát huy tốt dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm” và dân được hưởng thụ; làm rõ những nội dung nhà nước đầu tư, hỗ trợ và nhân dân, cộng đồng, doanh nghiệp đóng góp để thực hiện.

Phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội ở nông thôn. Tạo điều kiện cho Hội Nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh... tham gia thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới, hướng dẫn cho nông dân về chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất. Củng cố phát triển phong trào thanh niên lập nghiệp tạo niềm tin khát vọng cho thanh niên vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới.

2/ Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực xây dựng nông thôn mới

Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đảm bảo đạt chuẩn những chức danh chủ chốt và đầu ngành; quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn về nông nghiệp nông thôn, có chính sách thu hút sinh viên trẻ về công tác tại các xã, nhất địa bàn các xã khó khăn.

Ưu tiên đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn và nông dân bị thu hồi đất theo hướng đa ngành, phù hợp nhu cầu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương nhằm tạo nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động. Tăng cường đầu tư hoàn thiện các trung tâm học tập cộng đồng, giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp dạy nghề cấp huyện, xã.

3/ Tập trung tháo gỡ khó khăn phát triển kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại; khôi phục phát triển làng nghề và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất chế biến các sản phấm nông nghiệp

Củng cố và đổi mới hoạt động của các hợp tác xã, phát triển đa dạng các hình thức kinh tế hợp tác ở nông thôn; tạo cơ chế thuận lợi về đất đai, vay vốn, chuyển giao ứng dụng khoa học, công nghệ cho kinh tế hộ, kinh tế trang trại ở nông thôn phát triển. Tăng cường công tác khuyến công khôi phục phát triển các làng nghề và hình thành các nghề mới trên địa bàn nông thôn. Có cơ chế chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, trong đó ưu tiên các dự án có công nghệ cao, sản xuất sạch, đồng thời chú trọng các dự án sử dụng nhiều lao động.

4/ Tăng cường chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp

Thực hiện có hiệu quả chương trình khuyến nông, lâm, ngư và tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ, nhất là công nghệ sản xuất sạch, công nghệ bảo quản sau thu hoạch cho nông dân nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất gắn bảo vệ môi trường sinh thái.

5/ Về huy động và bố trí nguồn vốn phục vụ xây dựng nông thôn mới

Thực hiện lồng nghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai trên địa bàn nông thôn và vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới cùng với vốn đầu tư của doanh nghiệp, vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước và tín dụng thương mại cùng các khoản đóng góp của nhân dân và huy động từ cộng đồng.

Các ngành, các cấp rà soát các cơ chế chính sách hiện có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn của tỉnh; sửa đổi bổ sung, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp với chính sách hiện hành, lồng ghép các nguồn vốn của các cấp ngân sách. Ban chỉ đạo các cấp có trách nhiệm điều phối, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn để thực thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

V/ Tổ chức thực hiện

1/ Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND hoàn chỉnh và phê duyệt Đề án xây dựng nông thôn mới tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 để triển khai thực hiện. Đề án phải đảm bảo khả thi trên cơ sở khảo sát đúng thực trạng, xác định công việc ưu tiên, lộ trình, bước đi cụ thể cho từng giai đoạn 5 năm và từng năm; xác định rõ các giải pháp, nhất là về huy động, lồng ghép các nguồn lực; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển ngành nghề, khai thác tiềm năng lợi thế vùng, miền...

Thành lập Ban chỉ đạo và Văn phòng điều phối chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh, xây dựng nguyên tắc lựa chọn các xã tham gia chương trình nông thôn mới của tỉnh giai đoạn 2011-2015 có trọng tâm, trọng điểm và xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức triển khai thực hiện đạt hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong nghị quyết cho giai đoạn 2011-2015; định kỳ hàng năm chỉ đạo sơ kết, 5 năm tiến hành tổng kết một lần để rút kinh nghiệm triển khai giai đoạn tiếp theo.

Chỉ đạo các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng và nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng; kịp thời phát hiện, phản ánh những mô hình hiệu quả, những tập thể, cá nhân, đơn vị có thành tích tốt, cách làm hay trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh để nhân rộng.

2/ Căn cứ Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh có trách nhiệm lãnh đạo xây dựng các nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới làm cơ sở cho các cấp, các ngành và các địa phương xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và tổ chức giám sát thực hiện Nghị quyết.

3/ Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, các ban Đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp để tổ chức quán triệt, học tập đến cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và tạo sự đồng thuận, hăng hái tham gia thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới; đồng thời xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND và Đề án, kế hoạch của UBND tỉnh về xây dựng nông thôn mới trên từng địa bàn xã.

4/ Văn phòng Tỉnh ủy phối hợp với các Ban của tỉnh ủy, ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Văn phòng điều phối Ban chỉ đạo và sở, ban, ngành liên quan thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết; định kỳ hàng năm, 5 năm tham mưu ban thường vụ, ban chấp hành đánh giá kết quả thực hiện và có các giải pháp chỉ đạo phù hợp nhằm thực hiện thắng lợi toàn diện các nội dung nghị quyết đề ra.

Nghị quyết này được phổ biến, quán triệt đến chi bộ.