Anh Phú Hữu Minh Thuần: Nặng lòng với gốm Bàu Trúc

Phát triển một nghề truyền thống tìm một người thợ giỏi đã khó, tìm một người có đủ đam mê, tâm huyết, am hiểu và vốn liếng thị trường để đưa các sản phẩm làng nghề trở nên phổ biến lại càng khó hơn. Có một người con làng Chăm, ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) hội tụ đủ các yếu tố ấy và đang từng ngày đưa gốm Chăm vươn xa.

Anh là Phú Hữu Minh Thuần (ảnh), sinh năm 1976, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) gốm Chăm Bàu Trúc, vốn là một người con làng dệt Mỹ Nghiệp. Từ nhỏ, anh có niềm đam mê với nghệ thuật, nhất là hội họa và điêu khắc. Lớn lên, anh theo học ngành Tiếng Anh, ra trường đi làm hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Có cơ hội đến với nhiều quốc gia, vùng miền, anh luôn mang bên mình những sản phẩm gốm truyền thống của quê nhà để giới thiệu với bạn bè và du khách.

Từ làng dệt, anh theo vợ về làm rể làng gốm Bàu Trúc và ngày càng bị những tác phẩm gốm mê hoặc. Bởi vậy, dù đam mê nghề hướng dẫn viên du lịch quốc tế, nhưng năm 2014, khi được bầu giữ chức Giám đốc HTX gốm Chăm Bàu Trúc, anh sẵn sàng từ bỏ để toàn tâm toàn ý với làng gốm. Tôi yêu gốm Bàu Trúc như yêu du lịch, yêu những chuyến bay vậy. Mỗi ngày không thấy gốm lại cồn cào, khó chịu, như thiếu một thứ gì đó vô cùng gần gũi và thân quen, đó là những dòng nhật ký anh viết để nói về tình yêu của mình với gốm Bàu Trúc.

Yêu nghề gốm anh tìm hiểu rất nhiều về gốm. Anh bỏ thời gian đến nhiều làng nghề gốm truyền thống trong nước và nước ngoài, từ Bát Tràng, Bình Dương đến Thái Lan, Ấn Độ để tìm nét khác biệt giữa gốm Bàu Trúc với các làng gốm khác để phát huy lợi thế. Anh Thuần cho rằng, gốm Bàu Trúc kế thừa bí kíp nung truyền thống thời Sa Huỳnh nên tạo ra sự khác biệt không gốm nào có được. Đó là nung lộ thiên, cách làm màu bằng rễ cây rừng đến cách tạo màu hun khói bằng vỏ trấu. Đặc biệt, nhờ cách làm tỉ mỉ bằng tay, bằng tâm nên mỗi tác phẩm gốm Bàu Trúc có hồn rất riêng, bộc lộ rõ tâm trạng của người thợ tạo hình. Mỗi tác phẩm gốm là duy nhất, chỉ na ná chứ không cái nào giống cái nào.

Hiểu được thế mạnh của gốm Bàu Trúc và văn hóa, nghệ thuật của nhiều quốc gia, vùng miền, anh Thuần đem sản phẩm phù hợp đến với từng thị trường, góp phần đưa gốm Bàu Trúc vươn xa, nhất là gốm trang trí và gốm nghệ thuật. Các sản phẩm gốm Bàu Trúc ngày nay rất đa dạng, đáp ứng được hầu hết mọi nhu cầu của khách hàng, không chỉ có mặt tại các khu biệt thự, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch 4 sao, 5 sao trong nước mà còn xâm nhập được vào thị trường Nga, Mỹ, Ý và Nhật Bản. Nhờ hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, HTX gốm Bàu Trúc trở thành 1 trong 4 HTX trên địa bàn tỉnh được phê duyệt tham gia Đề án Lựa chọn, hoàn thiện, nhân rộng mô hình HTX kiểu mới hiệu quả tại các địa phương trên cả nước, giai đoạn 2021-2025.

Gốm Bàu Trúc không chỉ là sản phẩm kinh doanh, ở đó còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa gắn liền với đời sống sinh hoạt thường ngày của đồng bào Chăm. Thay đổi để phát triển nhưng không bao giờ lãng quên giá trị truyền thống nên bên cạnh những sản phẩm gốm mang tính trang trí, nghệ thuật phù hợp với xu thế hiện đại, gốm Bàu Trúc hiện vẫn còn giữ lại những cái lu, cái thạp, những khuôn bánh căn, bánh xèo... Cần phải tạo một sức sống mới để các sản phẩm gốm luôn tồn tại mãi với thời gian - anh Thuần tâm niệm về giữ gìn và phát triển gốm Bàu Trúc trong thời hội nhập.

Với vai trò là Giám đốc HTX, anh Thuần tự nhận mình không phải là người thợ giỏi, nhưng anh hy vọng bằng tình yêu với gốm cộng với những kiến thức có được trong kinh doanh, anh sẽ nỗ lực không ngừng để gốm Bàu Trúc tiếp tục phát triển và có chỗ đứng tốt trên thị trường. Mong muốn lớn nhất của anh là bà con làng nghề có công ăn việc làm ổn định, giá trị văn hóa của dân tộc được giữ gìn và phát huy, làng nghề gốm Bàu Trúc trở thành làng du lịch nổi tiếng tại địa phương.