Nâng cao chất lượng đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ

Qua gần 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đề ra.

Qua đó, đã tạo động lực thúc đẩy sự sáng tạo, cống hiến của đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ (KH&CN), góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh nhà phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Nghị quyết số 27-NQ/TW khẳng định: “Trong mọi thời đại, tri thức luôn là nền tảng tiến bộ xã hội, đội ngũ trí thức là lực lượng nòng cốt sáng tạo và truyền bá tri thức. Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”. Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Đảng, những năm qua cấp ủy, chính quyền các cấp đã vào cuộc mạnh mẽ và lãnh đạo một cách toàn diện để phát triển KH&CN, đưa KH&CN vào phục vụ trực tiếp cho phát triển KT-XH của tỉnh. Đây là nhiệm kỳ mà Tỉnh ủy đã ban hành rất nhiều nghị quyết chuyên đề, chương trình hành động để định hướng, lãnh đạo hoạt động KH&CN của tỉnh; HĐND tỉnh lần đầu tiên ban hành nghị quyết về phát triển tổng thể các lĩnh vực hoạt động KH&CN; UBND tỉnh đã ban hành và chỉ đạo thực hiện quyết liệt các quyết định, kế hoạch triển khai hoạt động KH&CN trong tỉnh.

Các kỹ thuật viên Trung tâm Thông tin - Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ)phân tích các mẫu nước phục vụ công tác xử lý môi trường. Ảnh: Văn Miên

Qua thống kê, về nguồn nhân lực KH&CN của tỉnh giai đoạn 2016-2020 có sự giảm dần về số lượng, tăng về chất lượng. Năm 2016, toàn tỉnh có 1.007 cán bộ KH&CN, trong đó có 8 tiến sĩ, 88 thạc sĩ, 729 người có trình độ đại học, cao đẳng và 183 người trình độ tương đương. Đến năm 2021, tổng số cán bộ, công chức người lao động tại các tổ chức KH&CN giảm xuống còn 782 người (giảm 225 người); trong đó có 5 tiến sĩ (giảm 3 người do chuyển công tác và nghỉ hưu), 120 thạc sĩ (tăng 32 người), 606 đại học, cao đẳng và 49 trình độ khác. Ngoài ra, có 714 người tham gia nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN hoặc hoạt động dịch vụ phục vụ lĩnh vực KH&CN. Như vậy, hiện nay số lượng cán bộ KH&CN trong tỉnh đạt hơn 12 người/vạn dân.

Trong công tác nghiên cứu khoa học, đội ngũ trí thức KH&CN tỉnh nhà đã có nhiều cố gắng để chuyển giao và ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống như: Đã nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất nhân tạo các loại giống thủy sản ghẹ xanh, cua xanh, hàu cửa sông, giống nho tươi và tuyển chọn các giống lúa mới phù hợp với điều kiện khô hạn của tỉnh. Ứng dụng, chuyển giao công nghệ về nuôi hàu Thái Bình Dương và cá mú đen chấm đỏ trong ao; về công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cây mía, cây ăn quả, cỏ chăn nuôi và rau màu các loại. Về công nghệ nuôi tôm thương phẩm trên vùng cát; về ứng dụng công nghệ vi sinh trong chế biến thức ăn và xử lý môi trường chăn nuôi (dê, cừu), đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh; ứng dụng công nghệ khai thác thủy sản đã nâng cao năng suất đánh bắt. Thông qua các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, người sản xuất tiếp cận và nắm bắt được tiến bộ kỹ thuật, quy trình công nghệ mới, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, hiện đại.

Ngoài ra, các nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đã có những đóng góp thiết thực trong việc phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi tiên tiến tại các khu vực nông thôn, miền núi trên địa bàn tỉnh. Nhiều tiến bộ kỹ thuật - công nghệ được chuyển giao vào thực tiễn sản xuất, như: Chuyển giao công nghệ tiên tiến với 167 ha đất sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực có giá trị kinh tế cao (sản xuất nho, măng tây xanh, nha đam, kiệu, cây ăn quả, cây dược liệu, bắp, đậu) ; 4000 m2 nhà lưới (sản xuất rau ăn lá, rau ăn quả, nho); 50 ha ao, đìa (hàu Thái Bình Dương, cá Mú đen chấm đỏ, cá chình hoa); tạo ra 350 con bê lai, đã có 610 nông hộ tham gia trong các dự án và được chuyển giao công nghệ, kỹ thuật mới.

Đặc biệt, Trung tâm Giống hải sản cấp I của tỉnh đã nắm bắt và đưa vào sản xuất ổn định bình quân hằng năm đạt 7 triệu con giống hàu Thái Bình Dương. Đã nhân rộng trong tỉnh 5 cơ sở sản xuất giống hàu, 1 cơ sở sản xuất giống cua. Trên địa bàn tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt và mô hình tổng hợp có hiệu quả kinh tế cao: Mô hình nuôi bò thuần hướng thịt bằng thụ tinh nhân tạo; mô hình nuôi bò lai hướng thịt bằng phối giống trực tiếp; mô hình trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến cỏ làm thức ăn cho bò; mô hình trồng thâm canh một số loại cây ăn quả chất lượng cao kết hợp trồng Sa Nhân dưới tán vườn; mô hình quản lý tổng hợp ruồi đục quả và một số sâu bệnh hại chính trên cây táo; mô hình trồng rau an toàn bằng công nghệ thủy canh trong nhà màng; xây dựng mô hình liên kết sản xuất rượu gắn với chế biến vang nho tại Ninh Thuận và Lâm Đồng; mô hình thử nghiệm ứng dụng bentonite và phân bón lá nano để cải tạo đất, nâng cao năng suất cây trồng và tiết kiệm nước tưới. Các mô hình bước đầu cho thấy hiệu quả, được người dân trên địa bàn tỉnh đánh giá cao.

Tuy vậy, trước yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển KT-XH của tỉnh, đội ngũ trí thức KH&CN tỉnh nhà vẫn còn một số hạn chế như: Trí thức có trình độ cao về chuyên môn còn ít, nhìn chung trình độ giao tiếp ngoại ngữ còn hạn chế; một số nghiên cứu khoa học chưa thực sự sát với tình hình thực tế của địa phương. Việc thu hút đội ngũ trí thức có trình độ và tay nghề cao ở lại công tác trong các cơ quan nhà nước còn khó khăn; sinh viên tỉnh nhà sau khi tốt nghiệp đại học hoặc hoàn thành chương trình sau đại học không tìm được việc làm vẫn còn nhiều. Kinh phí ngân sách đã được quan tâm song vẫn chưa đáp ứng cho việc thực hiện các đề tài, đề án.

Để xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức KH&CN tỉnh nhà trong thời gian tới, thiết nghĩ cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp cần có chiến lược đào tạo, tuyển dụng, bố trí cán bộ theo tinh thần trọng dụng người có tài, có đức và bảo đảm phát huy được năng lực chuyên môn, sở trường. Xây dựng và thực hiện tốt các chính sách ưu đãi về tiền lương, điều kiện làm việc, sinh hoạt... đối với trí thức làm việc ở vùng KT-XH khó khăn, trí thức là người dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Huy động các nguồn lực đầu tư kinh phí, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, ứng dụng trong hoạt động KH&CN; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển KH&CN gắn với đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức thường xuyên tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các dự án, đề án phát triển KT-XH, các đề tài nghiên cứu khoa học đối với sự phát triển của tỉnh

Điểm quan trọng cần quan tâm, đó là, cần phát huy vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh trong việc vận động, tập hợp, đoàn kết đội ngũ trí thức trong tỉnh để phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.