Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam tại cuộc họp Ban Điều hành chuyển đổi số tháng 9 năm 2022

Ngày 9-9-2022, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Thông báo số 281/TB-VPUB Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam tại cuộc họp Ban Điều hành chuyển đổi số tháng 9 năm 2022

Nội dung Thông báo nêu rõ: Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Nam-Trưởng ban Điều ban Điều hành chuyển đổi số tỉnh chủ trì cuộc họp Ban Điều hành chuyển đổi số nhằm phân tích, đánh giá kết quả Chỉ số chuyển đổi số (DTT) năm 2021, đề ra nhiệm vụ, giải pháp nâng cao Chỉ số DTI năm 2022; lựa chọn Ngày chuyển đổi số của Tỉnh và đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số năm 2022 từ đầu năm đến nay của Ban Điều hành chuyển đổi số; tham dự có Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông-Phó Trưởng ban điều hành chuyển đổi số và lãnh đạo các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố là thành viên Ban điều hành chuyển đổi số tỉnh theo Quyết định số 01-QĐ/BCĐCĐS ngày 12/7/2021 của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025.

Sau khi nghe Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trình bày báo cáo kết quả thực hiện Chỉ số DTI năm 2020 và ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Điều hành chuyển đổi số, Chủ tịch UBND tỉnh-Trưởng ban Điều hành chuyển đổi số tỉnh kết luận như sau:

Về đánh giá chung:

Theo Quyết định số 922/QĐ-BTTTT ngày 20/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Đề án “Xác định Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia” thì Chỉ số DTI cấp tỉnh được cấu trúc theo 03 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, được đánh giá thông qua 09 chỉ số chính với 98 chỉ số thành phần. Giá trị trung bình DTI 2021 cấp tỉnh là 0,4014, tăng 32,7% so với năm 2020 (0,3026); giá trị cao nhất là 0,6419, giá trị thấp nhất là 0,2489.

Cán bộ, công chức Sở Thông tin và Truyền thông ứng dụng công nghệ số phục vụ trong công việc. Ảnh: Văn Nỷ

Năm 2021, Chỉ số DTT tỉnh Ninh Thuận đạt 0,3048, tăng 44,6% so với năm 2020, xếp thứ 53/63 tỉnh, thành phố, tăng 10 bậc so với năm 2020. Cụ thể: Chính quyền số đạt 0,3512, tăng 52,2% so với năm 2020, xếp thứ 47/63 tỉnh, thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2020; Kinh tế số đạt 0,3393, tăng 76,8% so với năm 2020, xếp thứ 47/63 tỉnh, thành phố, tăng 12 bậc so với năm 2020; Xã hội số đạt 0,3220, tăng 58,7% so với năm 2020, xếp thứ 49/63 tỉnh, thành phố, tăng 08 bậc so với năm 2020.

Kết quả Chỉ số DTI năm 2021 của Tỉnh thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có giá trị thấp, có 04 nhóm nguyên nhân chủ yếu cả khách quan và chủ quan;

một là, nguồn lực (kinh phí và nguồn nhân lực) dành cho ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số của tỉnh còn hạn chế; hai là, nhiều vấn đề, nội hàm của Chỉ số DTI nhiều cơ quan, đơn vị còn chưa biết, chưa rõ, chưa kịp thời phân công để thực hiện; ba là, một số vấn đề của chỉ số DTI đã rõ, có thể làm nhưng không cập nhật kịp thời; bốn là, nhiều nội dung đã làm, đã thực hiện nhưng cung cấp thông tin cho Bộ Thông tin và Truyền thông để đánh giá Chỉ số DTI không đầy đủ và không kịp thời. Do đó, đã ảnh hưởng đến kết quả Chỉ số DTI năm 2021 của Tỉnh.

Về nhiệm vụ trong thời gian đến:

Ban Điều hành chuyển đổi số tỉnh đánh giá Chỉ số chuyển đổi số là vấn đề mới, khó và rất nhiều nội dung thực hiện, cần nhiều nguồn lực đầu tư cả kinh phí và nhân lực, cần sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và nhân dân, cùng vượt khó, vươn lên trong công cuộc chuyển đổi số của Tỉnh; phấn đấu Chỉ số DTI năm 2022 thuộc nhóm khác của cả nước. Để đạt được các mục tiêu đề ra theo kế hoạch và nghị quyết của Tỉnh ủy, yêu cầu các sở, ngành, địa phương và các doanh nghiệp có liên quan:

1. Năm 2021, Sở Thông tin và Truyền thông đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong triển khai công tác chuyển đổi số; tuy nhiên, đây là công việc mới, được tiến hành đánh giá trong 02 năm 2020 và 2021) nên còn gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện.

- Trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường công tác phối hợp, cung cấp thông tin kịp thời liên quan đến chuyển đổi số; bố trí nguồn lực hợp lý, xác định những công việc cấp bách, thiết yếu để tập trung ưu tiên thực hiện trước; quan tâm đúng mức” đến cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin; xác định việc hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đề án 06 có ý nghĩa hết sức quan trọng góp phần trong việc nâng cao Chỉ số DTI của Tỉnh.

2. Sở Thông tin và Truyền thông: trước hết rút kinh nghiệm sâu sắc (năm 2020, 2021) việc cung cấp thông tin, số liệu cho Bộ Thông tin và Truyền thông để đánh giá Chỉ số DTI phải kịp thời, đầy đủ để Bộ có đánh giá khách quan, toàn diện, phản ánh được những kết quả của Tỉnh đã thực hiện. Tuyệt đối không để lặp lại trường hợp trên; nếu để xảy ra, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy và tập thể Lãnh đạo UBND tỉnh.

Trên cơ sở dự thảo văn bản phân công các ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ nâng cao Chỉ số DTI, khẩn trương tham mưu UBND tỉnh Kế hoạch nâng cao Chỉ số DTI năm 2022, trình UBND tỉnh trước ngày 17/9/2022. Lưu ý Kế hoạch phải bảo đảm cụ thể từng nội dung công việc, có giải pháp thực hiện; phân công cơ quan, đơn vị thực hiện; lộ trình và thời gian hoàn thành...

Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các sở, ngành, địa phương triển khai Quyết định số 852/QĐ-UBND ngày 08/7/2022 của UBND tỉnh về Ban hành Bộ Chỉ số đánh giá chuyển đổi số tỉnh Ninh Thuận trong tháng 9/2022 để có phương pháp

và cách thức báo cáo, phân tích đánh giá các nội hàm, nội dung bên trong của Chỉ số DTI thật đầy đủ, toàn diện.

Nghiên cứu thành lập nhóm giúp việc chỉ số DTI (khoảng 5-7 thành viên) từ các thành viên trong Tổ Giúp việc của Ban Điều hành để theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, báo cáo, tham mưu cũng như cung cấp thông tin, các số liệu của Chỉ số DTI. Tin học hóa quy chế cung cấp thông tin, theo dõi tình hình kết quả thực hiện nhiệm vụ, cũng như thông tin báo cáo của các sở, ngành, địa phương về chuyển đổi số.

Căn cứ nguồn kinh phí đầu tư trung hạn cho chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025, xây dựng đề án triển khai theo hướng ưu tiên cân đối, bố trí nguồn ngân sách dành cho chuyển đổi số kết hợp với việc triển khai Đề án 06 theo phân kỳ từng năm, từng giai đoạn một cách hợp lý, với tinh thần ưu tiên công việc cấp bách, thiết yếu, có trọng tâm, trọng điểm.

Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh tham mưu trình xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy quyết định “Ngày chuyển đổi số của tỉnh”.

3. Sở Nội vụ nghiên cứu đề án vị trí việc làm của các sở, ngành, địa phương, tham mưu các quy định, xem xét tiêu chí tuyển dụng công chức, viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin một cách phù hợp để đáp ứng nguồn nhân lực công nghệ thông tin cho các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh trong quá trình thực hiện chuyển đổi số của Tỉnh.

4. Sở Tài chính nghiên cứu, tham mưu bổ sung kinh phí hàng năm cho công tác chuyển đổi số theo khả năng cân đối ngân sách của tỉnh.

5. Công an tỉnh chủ động triển khai và phối hợp thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và hoàn thành các chỉ tiêu của Đề án 06 theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Thông báo số 274/TB-VPUB ngày 03/9/2022 của Văn phòng UBND tỉnh.

Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh-Trưởng ban Điều hành chuyển đổi số đến các cơ quan, đơn vị, địa phương và thành viên Ban điều hành biết, thực hiện.