Kho bạc Nhà nước Ninh Thuận: Điều hành và quản lý tốt quỹ ngân sách nhà nước

Năm 2022, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị với mục tiêu “Hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy trình nghiệp vụ theo Chiến lược phát triển KBNN giai đoạn 2021-2030; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số vào các hoạt động nghiệp vụ và quản trị nội bộ; tiếp tục tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng dịch vụ của hệ thống KBNN; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị”. Đơn vị kiểm soát tốt công tác thu, chi, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

Trong công tác kiểm soát chi NSNN, KBNN tỉnh đã bám sát và triển khai kịp thời các Nghị quyết, Thông tư, Kế hoạch của Chính phủ, Bộ Tài chính, UBND tỉnh về việc ban hành Quy định một số điểm về điều hành dự toán NSNN tỉnh năm 2022 và các văn bản của các cơ quan có thẩm quyền khác. Cùng với đó, đơn vị đã chủ động phối hợp với cơ quan tài chính và đơn vị sử dụng ngân sách triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tích cực để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, đặc biệt ưu tiên giải ngân nhanh chóng, kịp thời kinh phí cho các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, song vẫn đảm bảo quản lý chặt chẽ, đúng chế độ và trong phạm vi dự toán được giao đối với các khoản chi của NSNN. Trong kiểm soát chi đầu tư công tuân thủ nghiêm hình thức “thanh toán trước, kiểm soát sau” tiếp nhận và giải quyết trong vòng 1 ngày làm việc; lãnh đạo thường xuyên kiểm tra, giám sát thời hạn tiếp nhận và xử lý hồ sơ, hạn chế hướng dẫn khách hàng quá 2 lần/1 bộ hồ sơ… nghiêm cấm hành vi gây phiền hà, khó khăn cho đơn vị. Chủ động phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh, hàng tháng công khai kết quả giải ngân theo từng chủ đầu tư trên trang điện tử tỉnh, đôn đốc đẩy nhanh giải ngân các dự án được giao kế hoạch vốn năm 2022 ngay từ những tháng đầu năm, đôn đốc thu hồi nợ tạm ứng và báo cáo tình hình nợ tạm ứng khó thu hồi đến cấp thẩm quyền.

Dự án đường nối từ thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) đi ngã tư Tà Năng huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Ảnh: V.Nỷ

Kết quả, tổng số chi NSNN đến ngày 31/10 trên địa bàn toàn tỉnh được 6.196 tỷ đồng, trong đó chi ngân sách địa phương 5.373 tỷ đồng; chi đầu tư xây dựng cơ bản, tổng số giải ngân các nguồn vốn kế hoạch năm 2022 được 1.528 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch, dự kiến đến hết ngày 31/1/2023 giải ngân 100% kế hoạch; tổng số giải ngân kế hoạch vốn năm trước được phép kéo dài sang năm 2022 được 57 tỷ đồng, đạt 20,8% kế hoạch kéo dài; thu hồi tạm ứng từ các năm trước chuyển sang năm 2022 được 408 tỷ đồng, giảm 48% dư nợ, ước đến cuối năm thu hồi 470 tỷ đồng, giảm 55% dư nợ.

Về công tác thu NSNN, đơn vị phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thu và 8 ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh trong công tác thu ngân sách, điều tiết các khoản thu NSNN cho các cấp, truyền nhận thông tin thu và hoàn trả thu NSNN điện tử giữa cơ quan thuế và kho bạc nhà nước đúng quy định, thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp nộp tiền vào ngân sách qua ngân hàng. Đến nay, tỷ lệ phối hợp thu đạt 98,11% tổng số thu NSNN, đảm bảo an toàn tiền và tài sản Nhà nước giao Kho bạc quản lý. Tổng số thu NSNN tính đến ngày 31/10 được 3.328,5 tỷ đồng (không bao gồm khoản vay, thu chuyển giao, thu chuyển nguồn, thu kết dư), đạt 95% dự toán năm HĐND giao. Ước đến 31/12/2022 thu NSNN được 3.650 tỷ đồng, đạt 105% dự toán năm.

Bên cạnh đó, đơn vị đẩy mạnh công tác thanh toán không dùng tiền mặt; đôn đốc các đơn vị giao dịch thực hiện công tác đối chiếu số dư tài khoản tiền gửi hằng tháng, tài khoản dự toán hằng quý với KBNN nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch; kiên quyết từ chối thanh toán các khoản chi không có trong dự toán được duyệt, không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức của cơ quan có thẩm quyền.

Phát huy các kết quả đạt được, thời gian đến, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong quản lý điều hành ngân sách, quản lý đầu tư công để tổ chức thực hiện công tác kiểm soát chi NSNN đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật. Triển khai dịch vụ số về thu NSNN, mở rộng sự tham gia của các ngân hàng thương mại. KBNN tỉnh tiếp tục phối kết hợp chặt chẽ với cơ quan thu và các ngân hàng thương mại trên địa bàn tập trung đầy đủ, kịp thời các khoản thu NSNN. Hạch toán và điều tiết các cấp đúng tỷ lệ quy định. Điện tử hóa công tác kiểm soát chi NSNN qua KBNN trên cơ sở liên thông giữa các hệ thống công nghệ thông tin KBNN với đơn vị liên quan. Gắn công tác kiểm soát chi với thực hành tiết kiệm chống tham nhũng, lãng phí. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực hoạt động thu, chi NSNN. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ. Tăng cường phối hợp các cơ quan liên quan trên địa bàn để đề xuất, tham mưu với UBND tỉnh kịp thời tháo gỡ các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đặc biệt đề xuất biện pháp thu hồi dứt điểm các khoản tạm ứng vốn đầu tư tồn đọng kéo dài. Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý tài khoản thanh toán, tài khoản tiền gửi của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại. Đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thời gian thanh toán, thống nhất, minh bạch và nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân, doanh nghiệp; rà soát, cập nhật, niêm yết công khai những thủ tục hành chính mới, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tốt việc học tập và làm theo tư tương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn thể công chức của đơn vị gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.