Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022

Ngày 25/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số (CĐS) chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 1 năm thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư (DLDC), định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về CĐS.

Đồng chủ trì có các đồng chí: Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Tại điểm cầu tỉnh ta các đồng chí: Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Long Biên, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.

Trong năm 2022, công tác chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án 06 nói riêng, chương trình CĐS quốc gia nói chung được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương, các địa phương thực hiện quyết liệt và đạt được những kết quả nhất định. Có 9/12 chỉ tiêu đặt ra tại Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về CĐS năm 2022 và 105/107 nhiệm vụ tại Quyết định số 27/QĐ-UBQGCĐS ngày 15/3/2022 của Ủy ban Quốc gia về CĐS hoàn thành. Nổi bật, 30/30 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã lựa chọn ngày CĐS, trong đó 3 bộ, ngành và 5 địa phương chọn ngày CĐS riêng. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổng hợp, công bố 72 bài toán CĐS và 21 câu chuyện CĐS Việt Nam từ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) để lan tỏa những sáng kiến, cách làm, kinh nghiệm, bài học, mô hình tham khảo về CĐS. Các bộ, ngành chỉ đạo phát triển, đánh giá và công bố 50 nền tảng số, trong đó có 18 nền tảng phục vụ Chính phủ số, 16 nền tảng phục vụ kinh tế số và 16 nền tảng phục vụ xã hội số. Có 63/63 tỉnh, thành phố đã triển khai 68.933 Tổ Công nghệ số cộng đồng đến tận thôn, xóm với hơn 320.000 thành viên tham gia. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) tiếp tục phát huy hiệu quả để kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP trong năm 2022 đạt khoảng 860 triệu giao dịch, gấp hơn 4,8 lần so với cả năm 2021; trung bình hằng ngày có khoảng 2,36 triệu giao dịch thông qua NDXP.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta. Ảnh: D.My

Hội nghị cũng đã nghe phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, ý kiến phát biểu của Bộ trưởng Bộ Công an và tham luận của 9 bộ, ngành, địa phương, DN làm rõ thêm kết quả, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, phân tích nguyên nhân, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc triển khai Đề án 06 và công cuộc CĐS quốc gia thời gian tới.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Năm 2023 là năm bản lề, đánh dấu nửa chặng đường thực hiện chương trình CĐS quốc gia. Do đó, các bộ, ngành địa phương cần tăng cường chỉ đạo thống nhất và tập trung xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ CĐS năm 2023. Thủ tướng cho rằng phải xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, lấy người dân là trung tâm, chủ thể; công tác CĐS phải thực sự thúc đẩy tăng trưởng, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), xa hơn là phục vụ xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Chú trọng triển khai quản trị dữ liệu, xây dựng hạ tầng dữ liệu bền vững làm nền tảng cho CĐS; phát triển tài nguyên dữ liệu và các nền tảng số để các cơ quan nhà nước quản lý, điều hành nghiệp vụ chuyên ngành dựa trên dữ liệu, đồng bộ, thông suốt từ trung ương đến địa phương; bảo đảm việc kết nối, chia sẻ dữ liệu tuân thủ theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam và đảm bảo an toàn, an ninh mạng.

Về thực hiện Đề án 06, ngoài việc tập trung hoàn thành dứt điểm những nhiệm vụ còn chậm tiến độ năm 2022, trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương tập trung nâng cao hiệu quả thực hiện các dịch vụ công trực tuyến tạo thuận lợi nhất cho người dân, DN tham gia thực hiện. Tập trung xây dựng, hoàn thiện CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành, kết nối dùng chung, phục vụ phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai thực hiện Đề án 06, nhất là những nội dung chưa có tiền lệ. Đồng thời có cơ chế kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, giải đáp vướng mắc cho cấp cơ sở nhằm đẩy mạnh triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án 06 nói riêng và CĐS trong năm 2023 và những năm tiếp theo.