Những người làm nên “mùa xuân”

Giao thừa, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới! Thời khắc mà dù ở đâu, làm gì mỗi chúng ta đều muốn đoàn viên bên gia đình. Tuy vậy, vẫn có những người “tạm gác nỗi niềm riêng” vì công việc và năm mới chỉ đến thực sự khi họ đã hoàn thành nhiệm vụ.

Đón giao thừa trên đường phố

Đêm 30 Tết, khi mọi người sum vầy bên gia đình, thì những công nhân vệ sinh môi trường vẫn miệt mài làm việc. Đặc biệt, sau buổi biểu diễn chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa đêm giao thừa của tỉnh, lượng rác nhiều gấp 3-4 lần ngày thường. Giữa màn đêm lạnh ngày cuối năm, tiếng chổi tre đều đặn hơn, những thùng rác đầy ắp cứ lần lượt được cẩu lên xe trong sự tất bật, hối hả… để rồi sáng đầu tiên năm mới, đường phố sẽ được “khoác” lên mình chiếc áo mới-sạch sẽ, tinh tươm hơn.

Công nhân Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Sản xuất Nam Thành thu gom rác thải để đường phố sạch, đẹp. Ảnh: Kim Thùy

Có “thâm niên” đón giao thừa ngoài đường, chị Nguyễn Thị Kim Qúy, công nhân vệ sinh môi trường Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại và Sản xuất Nam Thành, chia sẻ: Tối 30 tết cho đến tận phút giao thừa đã qua, tôi và đồng nghiệp phải làm việc liên tục để “trả lại” không gian xanh, sạch, đẹp cho thành phố vào ngày đầu năm mới. Vì đặc thù công việc, nhiều năm đón giao thừa ngoài đường, không được quây quần, sum họp bên người thân đôi khi tôi cũng thấy “chạnh lòng”, nhưng lâu dần cũng thành quen. Đổi lại, niềm vui của tôi và đồng nghiệp chính là nhìn thấy những con đường sạch sẽ, thoáng đãng khi ngày mới bắt đầu, vì vậy mà tôi càng yêu nghề, quyết tâm gắn bó và hoàn thành công việc. Bước vào năm mới, tôi mong người dân có ý thức hơn trong việc xả rác ra môi trường, tập kết đúng nơi để tôi và đồng nghiệp thu gom thuận lợi, sớm về chung vui tết với gia đình.

Đến khi công nhân vệ sinh môi trường giao ca cũng là lúc thành phố thức giấc rộn ràng chào đón ngày đầu xuân mới. Đằng sau những con đường, góc phố sạch, đẹp là những giọt mồ hôi mặn đắng và cả những “tủi hờn” trong đêm 30 tết của những công nhân vệ sinh môi trường. Vì vậy, sự hưởng ứng, chung tay của cộng đồng trong việc nâng cao ý thức bỏ rác đúng nơi quy định sẽ vơi đi nỗi vất vả của người công nhân rất nhiều và còn là động lực để các anh, chị công nhân hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn vệ sinh môi trường, giúp thành phố ngày càng xanh – sạch – đẹp hơn.

Đảm bảo an ninh trật tự cho người dân đón Tết

Đêm giao thừa, khi mọi người nô nức ra đường du xuân thì cũng là lúc các chiến sĩ Phòng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh căng mình với trách nhiệm bảo đảm an ninh trật tự cho Nhân dân vui xuân, đón tết. Dịp Tết được coi là đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự mang đến một cái Tết yên bình đến với Nhân dân. Năm nay, tỉnh ta tổ chức bắn pháo hoa sau 2 năm ảnh hưởng do dịch COVID-19 do vậy đường phố đông hẳn lên, người người đổ dồn về khu vực Quãng trường 16 Tháng 4 xem bắn pháo hoa, xem ca nhạc. Vì vậy nhiệm vụ của các cán bộ, chiến sỹ cũng nặng nề hơn. Gần 7 năm vào nghề thì cũng chừng đó năm Trung úy Phạm Thế Cường, cán bộ phòng Cảnh sát Cơ động, Công an tỉnh đón giao thừa ở ngoài đường. Anh chia sẻ: “Với nhiệm vụ bảo đảm an toàn, trật tự cho người dân an tâm xem pháo hoa và đón giao thừa, tôi vào ca trực từ 5 giờ chiều 30 Tết đến 2 giờ sáng ngày mồng 1. Với chúng tôi, đón tết muộn đã trở nên quen thuộc. Đến nay đã 7 năm, tuy chưa một lần được đón giao thừa cùng gia đình, nhưng tôi thấy lòng rất vui vì năm nào cũng được xuống đường giữ gìn an ninh trật tự cho bà con vui xuân đón Tết.

Phút giao thừa lặng lẽ

Lực lượng Cảnh sát cơ động, Công an tỉnh ra quân tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự Tết Qúy Mão. Ảnh: M.Dung

Đã chọn nghề y thì hiếm có y, bác sĩ nào không một lần đón tết trong bệnh viện. Thời khắc đầu tiên của năm mới khi người người sum vầy bên gia đình thì các y, bác sĩ vẫn hết mình với công việc. Điều dưỡng Nguyễn Văn Hùng, công tác tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa tỉnh tâm sự: “Đã làm nghề y thì ngày tết cũng như ngày thường. Đặc biệt, ở Khoa cấp cứu nơi tiếp nhận bệnh đầu tiên nên lượng bệnh nhân đến đông hơn các khoa khác. Dù biết rằng, phút giây đón giao thừa bên gia đình là quý giá nhất nhưng chọn nghề này thì phải làm việc hết trách nhiệm, đúng với đạo đức nghề nghiệp của mình. Những ngày này, chúng tôi phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách từng khâu trong khám và điều trị bệnh, không để xảy ra sai sót trong chuyên môn. Vất vả là thế nhưng niềm vui lớn nhất của thầy thuốc chính là cấp cứu thành công, “giành giật” được sự sống cho bệnh nhân từ bàn tay tử thần. Để có không khí tết, hàng năm, Ban Giám đốc đều tổ chức họp mặt đón giao thừa trong bệnh viện. Y, bác sĩ trong các khoa chia nhau xuống dự họp mặt để có thêm niềm vui, giảm bớt áp lực trong công việc”.

Những năm qua, năm nay và cả sau này nữa, những chiến sĩ cảnh sát cơ động, công nhân vệ sinh môi trường, các y, bác sĩ... vẫn phải đón tết muộn. Cái tết đến với họ muộn hơn so với mọi người nhưng luôn tràn đầy ý nghĩa vì họ đã và đang góp phần dệt nên những mùa xuân bình yên và trọn vẹn.