Giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội

Đó là chủ đề buổi toạ đàm do Tạp chí Cộng sản tổ chức sáng 23/6/2011, tại Hà Nội. Tại buổi toạ đàm, nhiều ý kiến của các nhà lý luận, khoa học đã phân tích về các mối quan hệ và làm rõ hơn những nội hàm trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng.

PGS, TS Vũ Văn Phúc phát biểu đề dẫn toạ đàm

Phát biểu đề dẫn toạ đàm, PGS, TS Vũ Văn Phúc, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản khẳng định: Đảng ta luôn coi trọng gắn kết phát triển kinh tế với xây dựng văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Đại hội VIII của Đảng đã xác định “Lấy việc phát huy nguồn lực của con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững”.

Đại hội X của Đảng đã đề ra nhiệm vụ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức, yêu cầu phát triển kinh tế phải gắn bó chặt chẽ và đồng bộ với phát triển văn hóa. Khi bàn về văn hóa, Đảng ta luôn khẳng định “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.

Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII đã xác lập một hệ thống chính sách để xây dựng và phát triển văn hóa, trong đó đáng chú ý là 2 chính sách: “Kinh tế trong văn hóa” và “Văn hóa trong kinh tế”. Nghị quyết Đại hội X nhấn mạnh “Tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền Văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn kết chặt chẽ và đồng bộ hơn với phát triển kinh tế xã hội, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội”. Đại hội XI yêu cầu “Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế”.

Trong đường lối chiến lược và chính sách phát triển, Đảng ta cũng xác định rõ tầm quan trọng của mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội. Văn kiện Đại hội VII của Đảng đã nêu rõ “Tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường”. Văn kiện Đại hội VIII của Đảng nhấn mạnh “Tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái”. Văn kiện Đại hội X của Đảng xác định “Phải gắn tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, phát triển toàn diện con người, thực hiện dân chủ, tiến bộ và công bằng xã hội”. Đại hội XI tiếp tục khẳng định quan điểm nhất quán “Phải coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội”.

Những năm qua, các chính sách phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội đã tạo cơ sở để huy động nguồn lực đa dạng của xã hội cho phát triển đất nước, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Đến nay, Việt Nam đã hoàn thành cơ bản các Mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm nghèo và gần đây, được đánh giá là đã thoát nghèo. Tuy vậy, chúng ta cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức như sự chênh lệch giữa các vùng miền, sự phân hóa giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư; tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm còn cao; nạn tham nhũng; tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên; ô nhiễm môi trường; các giá trị văn hóa truyền thống đang có những biến đổi nhất định và đặt ra nhiều vấn đề bức xúc cho xã hội… Giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội cũng cần giải quyết cả những hạn chế này.

Tại buổi toạ đàm, các nhà khoa học đã tập trungthảo luận vào các chủ đề: Những phát triển, những điểm mới trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng về giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; Một số thành công cũng như những hạn chế, bất cập của Việt Nam trong việc giải quyết mối quan hệ này trong 25 năm đổi mới vừa qua; Những giải pháp chủ yếu để giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội hiện nay và trong những năm sắp tới.

Theo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam