"Mái nhà ấm áp" cho bệnh nhân tâm thần

Bằng tình yêu thương và trách nhiệm, thời gian qua Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (cơ sở 2) trở thành “mái nhà chung” của những bệnh nhân tâm thần (TT).

Tận tình chăm sóc

Tạm gác những ồn ào, náo nhiệt, Trung tâm Công tác xã hội (Trung tâm) nằm ở thôn Tân Mỹ, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) có không gian thoáng đãng, yên tĩnh, giúp người bệnh TT có thể tìm thấy sự thoải mái và yên tâm điều trị. Hiện nay, Trung tâm chăm sóc, nuôi dưỡng 200 người TT, trong đó có 87 đối tượng TT đặc biệt nặng; 74 đối tượng TT nặng và 39 đối tượng TT phục hồi, thuyên giảm. Các đối tượng được chăm sóc theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Theo đó, tiền ăn đối tượng từ 46.000-48.000 đồng/ngày/người, còn thấp so với tình hình vật giá hiện nay. Để cải thiện bữa ăn cho đối tượng, ngoài việc trồng thêm các loại rau xanh, Trung tâm thường xuyên vận động các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh hỗ trợ. Đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng theo thể trạng và bệnh lý từng đối tượng, hằng ngày nhân viên cấp dưỡng lựa chọn thực phẩm tươi ngon, xây dựng thực đơn hợp lý, chế biến đảm bảo vệ sinh.

Nhân viên y tế Trịnh Quốc Cường thăm, khám cho bệnh nhân.

Bệnh nhân TT thường có biểu hiện rối loạn về tâm lý, thờ ơ, lạnh nhạt với mọi giao tiếp của người khác. Với người bệnh nặng, các chức năng TT và thể lực đều sa sút lại có những cơn kích động. Do vậy, trong quá trình nuôi dưỡng, không ít lần nhân viên chăm sóc bị đối tượng tấn công. Đối với những bệnh nhân sức khỏe yếu, nhân viên chăm sóc kiêm luôn việc vệ sinh cá nhân. Bên cạnh các bệnh lý về TT, nhiều đối tượng còn mắc bệnh khác như: Lao phổi, da liễu, tim mạch... nên việc chăm sóc và điều trị rất khó khăn, vất vả. Có đối tượng cấp cứu gấp trong đêm, cán bộ, nhân viên chỉ kịp mang theo vài bộ quần áo, thay nhau đến viện trực chăm sóc đến khi đối tượng khỏi bệnh. Gần 7 năm gắn bó với công việc chăm sóc bệnh nhân TT, anh Ngô Bảo Chánh chia sẻ: Những ngày đầu vào thấy cảnh người bệnh la hét, chửi bới làm tôi sợ mình không chịu được áp lực. Nhưng dần dần hiểu và cảm thông, tận tâm chăm sóc. Nhìn lại suốt chặng đường gắn bó với Trung tâm niềm vui của tôi là được chứng kiến các đối tượng sức khỏe cải thiện trở về gia đình, tái hòa nhập với cộng đồng.

Tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng

Không chỉ là “mái nhà chung” chăm sóc, nuôi dưỡng bệnh nhân, Trung tâm còn tạo nhiều điều kiện giúp bệnh nhân TT sớm phục hồi sức khỏe, tái hòa nhập cộng đồng. Để giúp người TT vận động, thể dục, thể thao, vừa có thêm kỹ năng sống, ngoài điều trị bằng thuốc, Trung tâm còn tổ chức nhiều phương pháp điều trị hỗ trợ khác như tập thể dục buổi sáng, tập vật lý trị liệu, lao động trị liệu và phục hồi chức năng... Hằng ngày, điều dưỡng viên hướng dẫn bệnh nhân tập thể dục giúp họ có tinh thần thoải mái, tăng khả năng tương tác với môi trường bên ngoài, cải thiện sức khỏe. Với những người mắc bệnh ở thể nhẹ hơn, còn tỉnh táo được tham gia lao động như trồng rau, chăm sóc cây xanh... Qua đó người bệnh TT dần phục hồi chức năng, kỹ năng làm việc, tư duy vận động. Đồng thời, tổ chức cho bệnh nhân tham gia các hoạt động giao lưu thể dục, thể thao... tạo môi trường vui vẻ, thân thiện, hòa đồng, góp phần nâng cao sức khỏe cho người bệnh. Nhờ vậy, bình quân mỗi năm, Trung tâm có khoảng 10% người bệnh TT khỏi bệnh, trở về với gia đình. Riêng trong năm 2022, có 18 đối tượng được trở về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng. Trong số đó có nhiều đối tượng tìm được việc làm, xây dựng gia đình, ổn định cuộc sống. Đơn cử như anh Khu Văn Tình, phường Đông Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) sau thời gian điều trị ở Trung tâm nay sức khỏe ổn định, trở về gia đình sinh sống bằng nghề bảo vệ. Đặc biệt, Trung tâm còn là nơi nuôi dưỡng tình yêu của chị Đinh Thị Hòa và anh Nguyễn Hoàng Chính, xã Hòa Sơn (Ninh Sơn). Sau khi khỏi bệnh, tình yêu ấy đã đơm hoa bằng mái ấm hạnh phúc. Trở về địa phương, anh chị cùng bảo ban nhau làm ăn, phát triển kinh tế và thường xuyên đến thăm hỏi các cán bộ, nhân viên ở Trung tâm.

Ông Nguyễn Ngọc Định, Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh bày tỏ: Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân đã khó, đối với những bệnh nhân TT lại càng khó khăn và vất vả hơn nhiều; tuy vậy, chế độ đãi ngộ của nhân viên chưa xứng đáng. Mong rằng, thời gian tới có thêm nhiều chính sách đãi ngộ nghề công tác xã hội nhằm thu hút nguồn nhân lực. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng với tinh thần trách nhiệm, tập thể cán bộ, nhân viên đã và đang nỗ lực xây dựng nơi đây trở thành “mái nhà chung”, giúp người bệnh ổn định sức khỏe, sớm hòa nhập cộng đồng.