Những nông dân điển hình làm giàu cho quê hương

48 năm sau ngày miền Nam giải phóng, cùng với cả nước, tỉnh ta bước vào chặng đường mới, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đạt được những thành tựu khá ấn tượng trên tất cả các lĩnh vực. Trong thành tựu chung ấy, có sự đóng góp không nhỏ của những người nông dân tỉnh nhà.

Về xã Xuân Hải (Ninh Hải), hỏi ông Đạo Thanh Thích không ai không biết. Những năm qua, ông vinh dự đạt được nhiều thành tích trong các phong trào thi đua của Hội Nông dân các cấp cũng như phong trào chung của địa phương. Hiện ông đang là chủ mô hình kinh tế đa ngành bao gồm: Dịch vụ gặt, đập liên hợp, cuốn rơm; trang trại chăn nuôi gồm 50 con bò và 150 con cừu. Cùng với đó là gần 10 ha đất sản xuất, bao gồm 7 ha trồng lúa, gần 3 ha trồng cỏ phục vụ chăn nuôi. Ngoài ra, ông còn có 1 nhà yến, hệ thống điện mặt trời áp mái. Tổng thu nhập hằng năm đạt từ 800-900 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Ông Đạo Thanh Thích.

Trò chuyện với ông, chúng tôi được biết, năm 1982 sau khi tốt nghiệp lớp Quản lý kinh tế nông nghiệp, ông Thích được nhận vào làm tại Sở Nông nghiệp Thuận Hải. Vì gia đình nghèo và điều kiện đi lại khó khăn nên chỉ sau 1 năm làm việc ông đành bỏ về quê quyết tâm làm giàu. Sau thời gian làm lụng vất vả, năm 1990, ông mạnh dạn vay vốn mua chiếc máy cày để làm dịch vụ cho nông dân trong vùng. Nhờ đi đầu trong cơ giới hóa nông nghiệp, ông Thích có cơ hội bứt phá, vươn lên và dần dần tạo dựng được cơ ngơi như hiện nay. Quá trình phát triển kinh tế, ngoài chịu khó tìm hướng đi mới, ông chăm chỉ học hỏi kiến thức, áp dụng các mô hình thâm canh hiệu quả, sử dụng giống lúa mới và tăng cường liên kết với các đơn vị sản xuất để ổn định đầu ra.

Còn ở xã biển Phước Dinh (Thuận Nam) có nông dân Võ Văn Sơn, với hướng đi phát triển nuôi trồng thủy sản, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Hiện ông Sơn đang sở hữu khoảng 20 ha diện tích ao hồ nuôi tôm, thuộc hàng lớn nhất tỉnh, thu nhập hằng năm hơn chục tỷ đồng. Liên tục nhiều năm qua, ông nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen biểu dương từ các cấp bộ, ngành trung ương đến địa phương, trong thực hiện các phong trào thi đua “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, “Nông dân xây dựng nông thôn mới”... và trong các hoạt động an sinh vì cộng đồng tại địa phương. Ông từng vinh dự là một trong 24 gương mặt tiêu biểu trên cả nước nhận được danh hiệu “Nông dân tiêu biểu xuất sắc trong 30 năm đổi mới”.

Ông Võ Văn Sơn.

Tỉnh ta hiện có 48.642 hội viên nông dân. Bên cạnh những thế hệ đầu sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, trưởng thành xây dựng quê hương ngay thời kỳ đầu đổi mới như nông dân Đạo Thanh Thích, Võ Văn Sơn, hiện nay, Hội Nông dân tỉnh còn có sự tham gia của nhiều gương mặt nông dân trẻ tuổi. Với sức trẻ, đam mê, hoài bão và sự nhạy bén, không ngừng nỗ lực làm giàu từ chính mảnh đất quê hương mình với hướng đi và cách làm mới.

Anh Võ Uyên Bác, ở Tp. Phan Rang- Tháp Chàm là một trong số những người như thế. Anh Bác là một trong số những người đi tiên phong trong ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh. Nhiều năm làm việc trong cơ quan nhà nước với thu nhập ổn định, nhưng vì đam mê làm nông nghiệp, năm 2019, người thanh niên thế hệ 8X này đã nghỉ việc, cùng với những người bạn có chung chí hướng tìm đến mảnh đất thôn Nhị Hà 3, đầu tư trang trại trồng dưa lưới công nghệ cao với diện tích trên 1.000 m2. Vườn dưa hữu cơ được trồng hoàn toàn trong nhà lưới, áp dụng công nghệ tưới nước, bón phân nhỏ giọt, đạt năng suất, chất lượng được thị trường ưa chuộng nên thu hoạch bao nhiêu bán hết bấy nhiêu.

Hướng đi, ngành nghề khác nhau nhưng những nông dân như ông Thích, ông Sơn hay anh Bác có đặc điểm chung là không chỉ làm giàu cho bản thân, khi có điều kiện họ thường xuyên giúp đỡ những người dân địa phương bằng nhiều hình thức như: Tạo công ăn việc làm, hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn và trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trong sản xuất; giúp đỡ về vốn, vật tư nông nghiệp; hỗ trợ liên kết trồng trọt và bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, tích cực tham gia các phong trào thi đua; sẵn sàng hỗ trợ các hộ nghèo, hộ neo đơn, trẻ em mồ côi, khuyến học và các nguồn quỹ của địa phương và của hội phát động. Trong tâm thức của nông dân “xứ nắng”, làm giàu cho bản thân cũng là làm giàu cho quê hương và cho đi nghĩa là còn mãi. Góp sức mình xây dựng quê hương là niềm vinh dự, tự hào cũng là động lực để lớp lớp thế hệ nông dân tỉnh nhà không ngừng cố gắng tìm tòi, sáng tạo ra những mô hình hay, cách làm hiệu quả áp dụng vào sản xuất.