Tăng cường phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch trên tôm giống

Trong những năm qua, nghề sản xuất tôm giống của tỉnh đã hình thành và phát triển, trở thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia và có sự đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Toàn tỉnh hiện có 450 cơ sở với hơn 1.200 trại sản xuất tôm giống, tổng công suất bể ương giống hơn 145.639 m3. Năng lực sản xuất hằng năm đạt từ 40-50 tỷ con tôm giống, có thể đáp ứng 30-40% nhu cầu của cả nước, chủ yếu cung cấp cho các tỉnh khu vực phía Nam, chiếm 80% sản lượng toàn tỉnh. Xác định chất lượng giống thủy sản là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của nghề sản xuất tôm giống và nuôi thương phẩm, trong đó quản lý dịch bệnh là then chốt; do đó tỉnh luôn quan tâm, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho các cơ sở xét nghiệm, nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan; đồng thời, nâng cao ý thức của người nuôi trong việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, giám sát chủ động mầm bệnh xảy ra trên tôm.

Tôm giống sạch bệnh của Công ty Cổ phần Đầu tư S6 được thị trường tin tưởng, đánh giá cao về chất lượng.

Hiện nay, với 3 cơ sở xét nghiệm bệnh thủy sản đều được trang bị các thiết bị hiện đại như máy cắt lát phân tích mô tế bào, máy PCR, máy quang phổ phân tích chất lượng nước, phòng cấy vi khuẩn có thể thực hiện kiểm tra các bệnh do vi khuẩn, nấm, nguyên sinh động vật, chẩn đoán nhanh và chính xác hầu hết các tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên tôm giống. Riêng Trạm chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh động vật trực thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y được được trang bị thiết bị Realtime PCR xét nghiệm định tính, định lượng đã phục vụ kịp thời cho công tác quản lý, kiểm dịch giống thủy sản, với năng lực xét nghiệm 300 mẫu/ngày/9 chỉ tiêu, đáp ứng được yêu cầu xét nghiệm kiểm dịch tôm giống toàn tỉnh. Cùng với đó, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm phục vụ kiểm dịch theo các quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản, các kiểm dịch viên tại địa bàn nắm chắc nhật ký sản xuất của từng trại ương dưỡng trong từng cơ sở sản xuất, để thực hiện lấy mẫu và xét nghiệm an toàn dịch bệnh trong mỗi đợt sản xuất. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hằng năm, đơn vị đều tổ chức thực hiện kiểm dịch và xét nghiệm khoảng 6.000 mẫu gộp tôm giống, các mẫu bị nhiễm bệnh được cơ quan thú y thông báo đến từng cơ sở sản xuất để chủ động triển khai các biện pháp xử lý kịp thời. Ngoài các chỉ tiêu bệnh đã được giám sát trong công tác kiểm dịch, hằng năm cơ quan Thú y còn triển khai các đợt thu mẫu tôm giống, mẫu tôm post, mẫu thức ăn tươi sống cho tôm bố mẹ để xét nghiệm các chỉ tiêu YHV, IMNV, TSV, EHP, DIV1..., đảm bảo mang lại tôm giống chất lượng tốt cho các cơ sở nuôi.

Đặc biệt, ngay khi Thông tư số 14/2016/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) quy định về vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB) động vật được ban hành, ngành chức năng nhanh chóng rà soát đánh giá, kiểm soát điều kiện an toàn sinh học, xây dựng hệ thống cảnh báo, phát hiện sớm mầm bệnh. Đến nay, toàn tỉnh đã công nhận đối với 12 cơ sở sản xuất tôm giống ATDB cho 3 loại bệnh nguy hiểm như đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, hoại tử cơ quan tạo máu và biểu mô, chiếm tỷ lệ 57,14% trong tổng số 21 cơ sở tôm giống ATDB đã được công nhận trên toàn quốc. Với việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATDB, giúp các cơ sở nâng cao uy tín trên thị trường, năng lực sản xuất tăng lên đáng kể. Hiện nay, đang tiếp tục hướng dẫn, giám sát ATDB đối với 3 cơ sở sản xuất giống thủy sản; đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở tôm giống có quy mô sản xuất trên 1 tỷ con giống/năm để đăng ký thực hiện cơ sở ATDB.

Đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, sản lượng tôm giống toàn tỉnh đạt trên 50 tỷ con, có 100% cơ sở đủ điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản và được giám sát ATDB. Nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, ngành đề ra các giải pháp khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ xét nghiệm, ứng dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật, hệ thống kiểm soát đạt chất lượng trong sản xuất, ương dưỡng tôm giống; đẩy mạnh hoạt động giám sát, cảnh báo các nhãn hiệu, xuất xứ tôm giống không rõ nguồn gốc. Cùng với đó, đề xuất Bộ NN&PTNT quan tâm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng tại các vùng sản xuất trên địa bàn tỉnh.