Diễn đàn đối thoại “Lắng nghe tiếng nói của trẻ em”

(NTO) Nằm trong chương trình thực hiện Tháng hành động vì trẻ em năm 2011, ngày 6-7, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức diễn đàn đối thoại “Lắng nghe tiếng nói của trẻ em” với chủ đề “Vì môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh với mọi trẻ em”. Đây là hoạt động thể hiện quyền trẻ em, đồng thời cũng là cơ hội để người lớn được lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của thế hệ tương lai của tỉnh nhà.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các ban ngành nhận thông điệp và
 chụp ảnh lưu niệm cùng các em tham gia diễn đàn.

Tham gia diễn đàn có đồng chí: Đỗ Hữu Nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo HĐND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban ngành và chính quyền 7 huyện thành phố trong tỉnh. 50 trẻ em đến từ các huyện, thành phố trong toàn tỉnh đã cùng thảo luận đưa ra những nội dung, thông điệp xung quanh việc thực hiện quyền trẻ em ở địa phương mình. Đồng thời, trực tiếp nêu câu hỏi và đề xuất ý kiến của mình xung quanh các vấn đề liên quan đến quyền lợi của trẻ em. Diễn đàn thực sự là một cuộc đối thoại cởi mở, thẳng thắn giữa các cấp lãnh đạo trong tỉnh với trẻ em. Những câu hỏi mà các em đặt ra đã thể hiện được ý thức trách nhiệm của những công dân nhỏ tuổi đối với quê hương nói riêng và đất nước nói chung. Phần lớn câu hỏi của các em liên quan đến việc thực hiện quyền phát triển của trẻ em ở các địa phương như: Việc tổ chức sinh hoạt hè, tạo sân chơi cho trẻ em; vấn đề suy dinh dưỡng ở trẻ em; bạo lực học đường; an toàn giao thông, môi trường và nước sạch…

Đại diện trẻ em trình bày thông điệp đến các cấp lãnh đạo

Em Hà Thị Bảo Vân, đại diện nhóm Ninh Sơn – Bác Ái nêu: “Các cô, chú có biện pháp gì để giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em, đặc biệt là trẻ em những vùng nông thôn, miền núi như Ninh Sơn, Bác Ái?” – Về vấn đề này, đại diện Sở Y tế cho rằng không phải tất cả trẻ em trong các gia đình nghèo và ở vùng miền núi, khó khăn mới bị suy dinh dưỡng. Nhiều nguyên nhân dẫn đến suy dinh dưỡng ở trẻ em, trong đó một nguyên nhân khá quan trọng là do cách chế biến thức ăn trong gia đình, do sự hạn chế hiểu biết về chế độ dinh dưỡng của cha mẹ. Chính vì vậy, một trong những biện pháp trọng tâm là tập trung tuyên truyền, tập huấn kiến thức dinh dưỡng đến từng gia đình, từng người dân. Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển kinh tế tại các vùng khó khăn, nâng cao đời sống hộ gia đình để giúp họ cải thiện bữa ăn cũng hết sức quan trọng.

Em Bảo Tiên, đại diện nhóm Ninh Sơn – Bác Ái đặt câu hỏi

Đề cập đến vấn đề bạo lực học đường, em Đỗ Trần Hà My, học sinh lớp 62, Trường THCS Lê Hồng Phong, Tp. Phan Rang – Tháp Chàm mong muốn lãnh đạo Sở Giáo dục & Đào tạo và các ngành chức năng cần có biện pháp trước tình trạng học sinh tụ tập thành nhóm, đánh nhau gây tổn thương về sức khỏe và tinh thần cho trẻ em. Đồng chí Đỗ Hữu Nghị đề nghị Sở Giáo dục&Đào tạo cần đưa ra những biện pháp cụ thể, trong đó lưu ý: Bộ phận giám thị và bảo vệ trong mỗi trường học cần phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc quản lý học sinh; mỗi học sinh cũng có trách nhiệm phát hiện, phản ảnh kịp thời để phối hợp cùng thầy, cô giáo đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường.

Bên cạnh vấn đề về sân chơi, học tập… một số em còn mạnh dạn đề xuất những giải pháp nhằm phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở địa phương: em Kim Thanh, ở xã An Hải (Ninh Hải) đề xuất xây dựng thư viện lưu động để mang sách về các xã khó khăn; nhóm trẻ em ở Ninh Sơn phản ảnh về những công trình giao thông thi công chậm, gây cản trở đi lại; đường sá ở nhiều thôn, xã xuống cấp… khó khăn cho các em trong việc đến trường…

Có thể nhiều câu hỏi các em đặt ra còn hồn nhiên, với góc nhìn trẻ con nhưng những gì mà các em thể hiện qua diễn đàn đã thể hiện ý thức, trách nhiệm rất lớn của những chủ nhân tương lai. Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Đỗ Hữu Nghị ghi nhận những ý kiến và đề xuất của các em. Đồng thời, mong muốn bản thân mỗi em tự mình nỗ lực cố gắng “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, phấn đấu mỗi thiếu nhi đều là con ngoan, trò giỏi. Đồng chí cũng mong muốn Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, các ban, ngành liên quan tham mưu, tổ chức nhiều diễn đàn đối thoại trẻ em hơn nữa, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quyền trẻ em để mọi thành viên trong gia đình, xã hội đều biết lắng nghe trẻ em nói, dành những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em.