Tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới vào Việt Nam

Ngày 29/2/2024, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 875/UBND-KTTH về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới vào Việt Nam.

Văn bản nêu rõ: Thực hiện Công điện số 12/CĐ-TTg ngày 31/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới vào Việt Nam; Thông báo số 1016/TB-BNN-VP ngày 05/02/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến tại Hội nghị ngăn chặn, phát hiện và xử lý buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.

Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận mặc dù không có cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới, nhưng việc buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và thủy sản vẫn thường xuyên ra, vào hoặc quá cảnh qua địa bàn tỉnh. Để chủ động ngăn chặn nguy cơ mầm bệnh xâm nhiễm, lây lan dịch bệnh nguy hiểm trên động vật và thủy sản, ảnh hưởng đến chăn nuôi và sức khỏe của người dân cả nước nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có ý kiến như sau:

1. Giao các Sở, ban, ngành, địa phương và đơn vị liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, có hiệu quả việc ngăn chăn buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới vào Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật về thú y, các văn bản chỉ đạo của Trung ương, nhất là Công điện số 12/CĐ-TTg ngày 31/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ; Thông báo số 1016/TB-BNN-VP ngày 05/02/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh trong thời gian qua.

2. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản trên địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới vào địa bàn tỉnh. Trường hợp phát hiện nhập lậu trái phép phải thực hiện tái xuất hoặc tiêu hủy ngay; đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo các Chi cục trực thuộc:

+ Phối hợp, tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, đặt biệt là vận chuyển động vật, sản phẩm động vật và thủy sản vào tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

+ Tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch bệnh tuyền nhiễm nguy hiểm như: Lở mồm long móng, Viêm da nổi cục, Dịch tả lợn Châu Phi, Cúm gia cầm, các bệnh trên tôm nuôi có nguy cơ xâm nhiễm vào tỉnh.

+ Tăng cường công tác tuyên truyền nguy cơ về các bệnh truyền nhiễm nguy hiệm xâm nhập từ nước ngoài thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản trái phép vào địa bàn tỉnh.

+ Phân công cán bộ duy trì trực trạm Kiểm dịch động vật đầu mối giao thông Thuận Bắc 24/24 giờ; tăng cường kiểm soát chặt chẽ và thực hiện tiêu độc, khử trùng tất cả các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua trạm. Kiên quyết xử lý nghiêm khi phát hiện các trường hợp vi phạm kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật theo đúng quy định hiện hành.

3. Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường, Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương chỉ đạo các lực lượng tăng cường biện pháp kiểm soát lưu thông, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản trái phép trên địa bàn tỉnh; phối hợp với chính quyền địa phương bắt giữ kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

4. Giao Cục Quản lý thị trường - Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh tham mưu, chỉ đạo các đơn vị thành viên tăng cường các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản trái phép, không rõ nguồn gốc vào địa bàn tỉnh.

5. Giao Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận, các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại, ảnh hưởng của việc buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản qua biên giới và nguy cơ về các dịch bệnh bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản trái phép.

6. Giao Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Chỉ đạo các phòng ban, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, truy xuất nguồn gốc đối với động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép, tiêu thụ trên địa bàn; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.

- Tổ chức tuyên tuyền cho người dân về sự nguy hiểm, tác hại của việc nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật và thủy sản không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc; vận động người dân không tham gia tiêu thụ và tiếp tay cho việc nhập lậu, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản trái phép vào Ninh Thuận.

- Thành lập các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc công tác kiểm soát, ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản trái phép vào địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Yêu cầu các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện; báo cáo kết quả và các vấn đề phát sinh cho Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để theo dõi, chỉ đạo xử lý kịp thời./.