Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Ninh Thuận năm 2024

Ngày 16/4/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch 1667/KH-UBND về phát triển thương mại điện tử tỉnh Ninh Thuận năm 2024 như sau:

I. Mục đích, yêu cầu:

1. Mục đích:

- Triển khai các nội dung, giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp và cộng đồng trên địa bàn tỉnh; đưa mua sắm trực tuyến trở thành hình thức mua hàng phổ biến của người tiêu dùng; từng bước thay đổi thói quen mua sắm, hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng theo hướng văn minh, hiện đại, thúc đẩy tăng trưởng khu vực thương mại dịch vụ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh;

- Thúc đẩy chuyển đổi số, tạo môi trường thanh toán lành mạnh, an toàn để người dân trên địa bàn tỉnh được trải nghiệm những hình thức thanh toán hiện đại, tiếp cận nhanh các ứng dụng, tiện ích trong thanh toán không dùng tiền mặt. Thay đổi thói quen mua sắm của người dân từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt;

Siêu thị Coopmart Thanh Hà đẩy mạnh chuyển đổi số để phục vụ cho khách hàng tốt hơn. Ảnh: Văn Nỷ

- Phát triển nguồn nhân lực của tỉnh nhằm giúp cán bộ, công chức, viên chức bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, năng lực quản lý nhà nước về thương mại điện tử.

2. Yêu cầu:

- Phát huy tiềm năng, điều kiện thực tế của tỉnh để phát triển thương mại điện tử phù hợp với yêu cầu, nâng cao khả năng cạnh tranh, thực hiện tốt công tác quảng bá, giới thiệu và mở rộng thị trường cho hàng hóa, sản phẩm của doanh nghiệp tỉnh trong xu thế hội nhập kinh tế số;

- Tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ phát triển thương mại điện tử tỉnh có trọng tâm, trọng điểm, tập trung chủ yếu vào hoạt động hỗ trợ tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến, các sản phẩm OCOP của tỉnh. Huy động, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong tỉnh đầu tư hạ tầng thương mại điện tử, đảm bảo nguồn nhân lực đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử.

II. Nội dung:

1. Đào tạo phát triển nguồn nhân lực về thương mại điện tử:

- Nội dung thực hiện: Tham gia Hội nghị, hội thảo chuyên đề, kết nối thương mại điện tử hoặc bồi dưỡng, tập huấn do Bộ Công Thương, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số hoặc các Bộ, ngành tổ chức.

- Thời gian dự kiến: Năm 2024.

- Đối tượng tham dự: Lãnh đạo, công chức Sở Công Thương và các cơ quan, đơn vị có liên quan (nếu có).

- Kinh phí thực hiện: 19.480.000 đồng (Mười chín triệu bốn trăm tám mươi nghìn đồng).

- Cơ quan chủ trì: Sở Công Thương.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ngành, đơn vị có liên quan.

2. Phát triển các sản phẩm, giải pháp thương mại điện tử:

a) Duy trì, vận hành sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Ninh Thuận (sanphamninhthuan.vn):

- Nội dung thực hiện: Duy trì, vận hành hiệu quả sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Ninh Thuận (sanphamninhthuan.vn). Tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, chủ thể OCOP tham gia đưa sản phẩm quảng bá, tiêu thụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh.

- Thời gian dự kiến: Năm 2024.

- Kinh phí thực hiện: 119.800.000 đồng (Một trăm mười chín triệu tám trăm nghìn đồng) từ nguồn ngân sách tỉnh.

- Cơ quan chủ trì: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: Sở Công Thương; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

b) Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế:

- Nội dung thực hiện: Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia, đưa sản phẩm quảng bá, kết nối tiêu thụ (B2B, B2C), thúc đẩy xuất khẩu thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử quốc tế.

- Thời gian dự kiến: Năm 2024.

- Số lượng dự kiến: 02 đơn vị.

- Kinh phí thực hiện: 161.486.000 đồng (Một trăm sáu mươi mốt triệu bốn trăm tám mươi sáu nghìn đồng), trong đó từ nguồn Ngân sách tỉnh là 80.743.000 đồng và nguồn kinh phí từ doanh nghiệp là 80.743.000 đồng.

- Cơ quan chủ trì: Sở Công Thương.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan.

c) Hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, sử dụng hợp đồng điện tử trong giao dịch:

- Nội dung thực hiện: Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh ứng dụng, sử dụng hợp đồng điện tử trong giao dịch thương mại.

- Thời gian dự kiến: Năm 2024.

- Số lượng dự kiến: Từ 210 đơn vị.

- Kinh phí dự kiến: 276.714.000 đồng (Hai trăm bảy mươi sáu triệu bảy trăm mười bốn nghìn đồng), trong đó từ nguồn Ngân sách tỉnh là 146.997.000 đồng và nguồn kinh phí từ doanh nghiệp/nguồn kinh phí hợp pháp khác là 129.717.000 đồng.

- Cơ quan chủ trì: Sở Công Thương.

- Cơ quan phối hợp: Sở Thông tin và Truyền thông; các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan.

3. Nghiên cứu xây dựng giải pháp thúc đẩy tăng tỷ lệ thanh toán điện tử, giảm tỷ lệ sử dụng tiền mặt tại các chợ:

- Nội dung thực hiện: Tổ chức khảo sát, điều tra thống kê và xây dựng Đề án đẩy nhanh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ.

- Thời gian dự kiến: Năm 2024.

- Kinh phí dự kiến: 28.800.000 đồng (Hai mươi tám triệu tám trăm nghìn đồng) từ nguồn Ngân sách tỉnh.

- Cơ quan chủ trì: Sở Công Thương.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan.

III. Kinh phí thực hiện:

1. Tổng kinh phí thực hiện: 606.280.000 đồng (Sáu trăm linh sáu triệu hai trăm tám mươi nghìn đồng);

- Ngân sách tỉnh: 395.820.000 đồng (Bằng chữ: Ba trăm chín mươi lăm triệu, tám trăm hai mươi nghìn đồng chẵn);

- Doanh nghiệp/nguồn kinh phí hợp pháp khác: 210.460.000 đồng (Bằng chữ: Hai trăm mười triệu, bốn trăm sáu mươi nghìn đồng).

2. Nguồn kinh phí thực hiện:

Kinh phí chi đặc thù đã giao trong dự toán đầu năm 2024 của Sở Công Thương tại phụ biểu chi tiết kèm theo Quyết định số 704/QĐ-UBND ngày 14/12/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc giao dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2024 cho các Sở, ban, ngành, cơ quan Đảng, đoàn thể, các hội đặc thù và các đơn vị dự toán cấp I thuộc tỉnh và kinh phí của các đơn vị (Doanh nghiệp, Hợp tác xã…).

Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch chịu trách nhiệm chi thực hiện các nội dung nêu trên đảm bảo theo đúng nguồn và mức chi theo quy định pháp luật hiện hành.

IV. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Công Thương:

- Là cơ quan đầu mối chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả nội dung Kế hoạch này;

- Kịp thời tham mưu đề xuất các giải pháp, nhiệm vụ có liên quan; tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả triển khai thực hiện.

2. Sở Thông tin và Truyền thông:

- Triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng viễn thông và internet tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển thương mại điện tử; phối hợp triển khai đồng bộ với các Chương trình phát triển công nghệ thông tin, gắn kết sự phát triển của thương mại điện tử với Chính phủ điện tử;

- Chủ trì, hướng dẫn các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, CNTT triển khai các giải pháp đáp ứng yêu cầu phát triển thương mại điện tử; phối hợp thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các giao dịch điện tử; phối hợp triển khai công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến các chủ trương, chính sách và lợi ích của thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh;

- Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh các giải pháp nhằm triển khai hiệu quả việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến người dân và doanh nghiệp góp phần thực hiện tốt và nâng cao hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính.

3. Sở Tài chính phối hợp, hướng dẫn Sở Công Thương thanh quyết toán kinh phí thực hiện Kế hoạch Phát triển Thương mại điện tử năm 2024 theo quy định của pháp luật.

4. Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch

- Duy trì, vận hành sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Ninh Thuận (sanphamninhthuan.vn); nghiên cứu xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của sàn nhằm quảng bá hình ảnh sản phẩm, hàng hóa của tỉnh;

- Tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, cơ sở, các chủ thể OCOP tham gia đưa sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng bá, tiêu thụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Ninh Thuận (sanphamninhthuan.vn); khuyến khích thanh toán điện tử đối với đơn hàng giao dịch qua sàn thương mại điện tử của tỉnh.

5. Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và UBND các huyện, thành phố:

- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ quản lý ngành, phối hợp với Sở Công Thương triển khai thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện các nội dung tại Kế hoạch này;

- Quan tâm, kịp thời phối hợp triển khai thông tin, nội dung hỗ trợ ứng dụng, phát triển thương mại điện tử của tỉnh đến doanh nghiệp, cơ sở thuộc ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý biết, tham gia, góp phần nâng cao hiệu quả phát triển thương mại điện tử của tỉnh;

- Triển khai thực hiện ứng dụng hợp đồng điện tử trong giao dịch để góp phần thúc đẩy tăng tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử đạt trên 80% giai đoạn đến năm 2025 theo mục tiêu Kế hoạch số 4546/KH-UBND ngày 31/10/2023 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Phấn đấu tối thiểu 50% hợp đồng mua sắm, giao dịch của cơ quan, đơn vị sử dụng hợp đồng điện tử;

- Tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị hưởng ứng, tích cực thực hiện tốt thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng, góp phần thúc đẩy tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.

Trên đây là Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Ninh Thuận năm 2024. Các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiêm túc tổ chức thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, phản ánh kịp thời, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Công Thương tổng hợp) xem xét, giải quyết./.