Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại

Ngày đầu tái lập tỉnh (1/4/1992), ngành Nông nghiệp (NN) còn những tồn tại nhất định, hình thức tổ chức sản xuất nhỏ lẻ, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa; chất lượng sản phẩm thấp, chế biến còn hạn chế. Sau 32 năm phát triển, ngành NN có bước chuyển biến vượt bật nhờ vào chú trọng sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực.

Từ vận dụng sáng tạo, linh hoạt các cơ chế, chính sách phát triển NN, nông dân, nông thôn của trung ương vào điều kiện cụ thể của tỉnh, cùng với việc Tỉnh ủy kịp thời ban hành các nghị quyết chuyên đề, chỉ đạo nhân rộng mô hình mới ứng dụng công nghệ cao (CNC), ngành NN tạo bứt phá trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Dấu ấn nổi bật là giai đoạn 2015-2020 sản xuất NN chuyển biến mạnh mẽ. Trong giai đoạn này, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11/11/2016 về cơ cấu lại ngành NN gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Quá trình thực hiện cơ cấu lại sản xuất NN đã có tác động rất lớn, làm thay đổi phương thức sản xuất theo quy mô tập trung, ứng dụng mạnh khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng cho mặt hàng nông sản. Lĩnh vực NN đã thu hút được nhiều thành phần kinh tế đầu tư, từng bước khắc phục hạn chế và khó khăn trong sản xuất, tạo đà tăng trưởng. Thực hiện cơ cấu lại sản xuất đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lựa chọn được những sản phẩm phù hợp nhằm khai thác tốt lợi thế về đất đai, thị trường. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa được thực hiện, tạo thuận lợi cho nông dân mở rộng sản xuất cây ăn quả. Cơ chế, chính sách của tỉnh đã thúc đẩy thu hút doanh nghiệp đầu tư vào NN.

Trang trại hoa lan xã Phước Tiến (Bác Ái) . Ảnh: Thanh Xuân

Cũng trong giai đoạn này, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 10/10/2016 về nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ trong NN đã tạo đột phá mới. Thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, các địa phương triển mô hình ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất các sản phẩm đặc thù, lợi thế của tỉnh. Nhờ có chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhiều hộ gia đình, hợp tác xã đã ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước phục vụ sản xuất ở những vùng khô hạn, ứng dụng công nghệ thâm canh sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, công nghệ nhà lưới, nhà màng trong trồng trọt. Một số sản phẩm đặc thù của tỉnh như nho, táo, măng tây xanh... đã khẳng định được lợi thế cạnh tranh, thương hiệu và thị trường ngày càng được mở rộng. Một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư đổi mới đồng bộ thiết bị công nghệ tạo sản phẩm chất lượng cao như dây chuyền sản xuất các sản phẩm rau câu, nha đam. Công nghệ bảo quản nho, chế biến vang nho; công nghệ sấy lạnh, ly trích hoạt chất, sấy phun trong chế biến tạo nhiều sản phẩm giá trị cao cũng dược các doanh nghiệp quan tâm đầu tư.

Cán bộ Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố theo dõi quy trình phát triển của cây nho. Ảnh: Phan Bình

Trong từng giai đoạn, ngành NN luôn đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm 2020-2025 đề ra nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành NN gắn với chương trình thích ứng biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới; tăng nhanh tỷ trọng ngành chăn nuôi để từng bước trở thành ngành sản xuất chính, từng bước hình thành các vùng NN đặc thù ứng dụng CNC gắn với chế biến, xuất khẩu và phát triển du lịch. Nghị quyết của Đảng được các ngành, các địa phương tập trung triển khai đạt kết quả tích cực. Ngành NN đã có bước phát triển ổn định và khá toàn diện, luôn là bệ đỡ của nền kinh tế khi gặp khó khăn. Giá trị sản xuất toàn ngành đến cuối năm 2023 đạt hơn 13.576 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,12%/năm, giá trị tăng thêm đạt 5,3%/năm.

Nông dân Ninh Phước thu hoạch lúa. Ảnh: T.Mạnh

Từ triển khai cơ chế chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư NN ứng dụng CNC có chuyển biến tích cực, đến nay đã phát triển 515,5ha/1.000ha diện tích sản xuất NN ứng dụng CNC, đã hình thành 15 vùng chuyên canh hướng đến xuất khẩu, 4 doanh nghiệp NN CNC trên địa bàn tỉnh; thu hút đầu tư 37 dự án NN ứng dụng CNC đi vào hoạt động; trong đó, 18 dự án trồng trọt, 3 dự án chăn nuôi, 8 dự án thủy sản, 2 dự án chế biến nông sản. Một số sản phẩm đặc thù khẳng định được lợi thế cạnh tranh, có thương hiệu như: Bưởi da xanh, dưa lưới, măng tây xanh, nho, táo, heo bản địa, dê, cừu, bò vàng... Giá trị sản xuất NN CNC đạt 938 triệu đồng/ha/năm, tăng bình quân 32,31%/năm, tăng 7,16% so với năm 2020. Các mô hình sản xuất tiên tiến, ứng dụng khoa học - công nghệ được nhân rộng; năng suất và chất lượng một số cây trồng chính được nâng lên, nhất là cây ăn quả đặc thù. Hiện nay, diện tích cây nho 1.043ha, cây táo 978ha; diện tích đất sản xuất chủ động tưới đạt 62,4%; giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác đạt 143,8 triệu đồng, bằng 95,8% mục tiêu đề ra.

Chủ trương phát triển chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính được tập trung triển khai, nhất là chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, trang trại tập trung, hiệu quả cao gắn với phòng chống, kiểm soát dịch bệnh đạt kết quả, dần đi vào chiều sâu; các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm tiếp tục mở rộng. Toàn tỉnh hiện có 105 trang trại ứng dụng CNC; quy mô đàn phát triển ổn định, tăng bình quân 4,5%/năm; chất lượng đàn gia súc được nâng cao, duy trì tỷ lệ đàn dê, cừu lai 90% và tỷ lệ đàn bò lai tăng lên 51%. Giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng bình quân 6,34%/năm, chiếm tỷ trọng 12,2% toàn ngành NN, tăng 0,4% so với năm 2020.

Trang trại trồng dưa lưới công nghệ cao của Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp và Thương mại Samaul thôn Tân Lập 2, xã Lương Sơn (Ninh Sơn). Ảnh: Lê Thi

Nhìn lại chặng đường phát triển để thấy, ngành NN đã khẳng định được vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là từ năm 2020 đến nay có bước phát triển ổn định và khá toàn diện. Giá trị sản xuất toàn ngành đến cuối năm 2023 đạt hơn 13.576 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 5,12%/năm, giá trị tăng thêm đạt 5,3%/năm, vượt mục tiêu đề ra 1,3%. Đồng chí Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Những kết quả đạt được trong phát triển sản xuất NN thời gian qua là cơ sở cho ngành NN định hướng, xác định rõ mục tiêu và giải pháp để đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất trong những năm tới. Để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra về lĩnh vực NN, từ nay đến hết nhiệm kỳ, ngành NN tập trung cho công tác thu hút đầu tư để phát triển hạ tầng NN, nông thôn; hoàn thiện quy hoạch phân khu các khu, vùng NN CNC để thu hút các đoanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực NN. Phát triển kinh tế NN theo hướng tích hợp đa giá trị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nông sản gắn với du lịch NN.