Thực hiện tăng trưởng tín dụng gắn với huy động tiền gửi

Là đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý nguồn vốn, cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; trong những năm qua, chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động mà còn thực hiện có hiệu quả việc tăng trưởng tín dụng gắn với các giải pháp huy động tiền gửi, nhằm tạo nguồn vốn bổ sung, mở rộng các chương trình cho vay.

Bám sát mục tiêu, định hướng chỉ đạo của Ngân hàng CSXH Việt Nam, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH các cấp đã quan tâm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp ban hành kịp thời nhiều văn bản, kế hoạch để triển khai thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Đặc biệt, từ khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, các tổ chức chính trị- xã hội trong việc phối hợp triển khai thực hiện. Quá trình lập kế hoạch, giao chỉ tiêu nguồn vốn, xác nhận đối tượng thụ hưởng, rút ngắn thủ tục, hồ sơ cho vay được đẩy nhanh, thúc đẩy hoạt động tín dụng CSXH ngày càng tăng trưởng và phát triển bền vững cả về quy mô, chất lượng; đảm bảo đúng theo tinh thần, chủ trương của Đảng, Chính phủ là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thuận Bắc giải ngân vốn vay
cho người dân xã Bắc Sơn (Thuận Bắc).

Trong suốt quá trình hoạt động từ năm 2002 đến nay, vốn tín dụng chính sách tăng trưởng đều qua các năm, từ đó đã chuyển tải một khối lượng vốn lớn đến người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Hiện nay với 20 chương trình tín dụng chính sách theo chỉ định của Chính phủ, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã giải ngân đạt trên 3.600 tỷ đồng, với trên 81.400 khách hàng còn dư nợ. Bên cạnh đó, nguồn vốn vay được ưu tiên vào hoạt động chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, giải quyết việc làm kết hợp chuyển giao khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giúp hộ vay đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đã phát huy đúng mục đích. Ông Lê Minh Lộc, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, nhìn nhận: Thông qua việc tổ chức thực hiện có hiệu quả tín dụng CSXH đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng từng thời kỳ của tỉnh, đẩy nhanh tỷ lệ giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Song song đó, xác định công tác huy động tiền gửi tiết kiệm là hết sức quan trọng, ngoài ngân sách phân bổ từ trung ương, hằng năm, chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh còn tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh huy động vốn theo lãi suất thị trường, tổ chức hoạt động “gửi tiền chung tay vì người nghèo”, vận động các hội, đoàn thể nhận ủy thác, hội đặc thù, MTTQ Việt Nam các cấp gửi các nguồn quỹ ngoài ngân sách tạm thời chưa sử dụng và tham mưu cho UBND cùng cấp quan tâm một phần ngân sách để ủy thác sang Ngân hàng CSXH. Tăng cường vận động các tổ chức hội cơ sở, Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) tích cực tuyên truyền người dân, hộ vay tham gia gửi tiền tiết kiệm. Chị Võ Thị Ngọc, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Kiền Kiền 1, xã Lợi Hải (Thuận Bắc), chia sẻ: Tôi hiện đang quản lý dư nợ khoảng 3,2 tỷ đồng, với 55 hộ vay, hầu hết là hộ nghèo, cận nghèo thuộc đồng bào dân tộc thiểu số, để giúp hộ vay giảm bớt gánh nặng khi đến hạn trả nợ gốc, tôi thường xuyên phổ biến các chính sách, quy định mới về tín dụng ưu đãi cũng như vận động các thành viên trong tổ cân đối hợp lý chi tiêu, dành khoản tiền nhất định để gửi tiết kiệm. Nhờ đó, có 100% hộ vay tham gia, bình quân mỗi tháng huy động gửi tiết kiệm khoảng 15 triệu đồng.

Tính đến nay, tổng nguồn vốn huy động của Ngân hàng CSXH tỉnh đạt hơn 400,4 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân 212,1 tỷ đồng, tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV 188,3 tỷ đồng và nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương 129,6 tỷ đồng. Nguồn vốn trên được chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh trích để thu hồi dần nợ gốc, lãi và bổ sung, tạo lập vốn để thực hiện mở rộng các chương trình cho vay đến đối tượng thụ hưởng.

Thực hiện chiến lược phát triển Ngân hàng CSXH đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đó Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục đề ra các giải pháp nâng cao hơn nữa quy trình nghiệp vụ, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động; phối hợp chính quyền địa phương, hội, đoàn thể nhận ủy thác củng cố hoạt động của các điểm giao dịch xã, Tổ TK&VV; nâng cao kỹ năng, chất lượng phục vụ khách hàng. Đa dạng hóa hình thức huy động vốn, đảm bảo 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn và tiếp cận đầy đủ các sản phẩm, dịch vụ do ngân hàng cung cấp.