Chàng trai tí hon vượt trên nỗi đau da cam

Thân hình nhỏ thó, cao chưa đầy một mét nhưng Đỗ Văn Viện (24 tuổi) vượt qua mặc cảm để thi đỗ vào đại học. Anh được tuyển dụng vào Trung tâm lưu trữ Quảng Ngãi và đang đặc cách xét vào biên chế nhà nước.

"Hạnh phúc nào đo bằng tình thương mẹ?/ Được sống trên đời đẹp lắm mọi người ơi!". Để có được cảm xúc sáng tác những vần thơ reo vui, đầy lạc quan này, chàng trai trẻ đã đánh đổi không biết bao nhiêu buồn đau, nước mắt và mặc cảm tật nguyền do di chứng chiến tranh để lại.

Mang bệnh tật vì chất độc da cam ngay từ trong bụng mẹ, Viện lớn lên trong gia đình đông anh em, nghèo khó ở thôn Lệ Thủy, xã Tịnh Châu, huyện Sơn Tịnh. Bố của Viện là ông Đỗ Văn Công, thương binh 1/4, tham gia bộ đội vào năm 1969, thời kháng chiến chống Mỹ khốc liệt ở vùng Đông Bình Sơn. Đất nước giải phóng, trở về cuộc sống hòa bình, ông Công lập gia đình rồi lần lượt sinh ra 5 đứa con đứa nào cũng lành lặn, dễ thương, chỉ có Viện - người con trai kế út là phải chịu cảnh bất hạnh.

Đỗ Văn Viện đang làm việc tại Trung tâm lưu trữ Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín

Ngay từ nhỏ, Viện đã sớm ý thức được khiếm khuyết cuộc đời mình nên lúc nào anh cũng thầm nhủ nỗ lực, dốc sức hết mình tìm niềm vui trong học tập. Thuở học tiểu học, cậu học sinh nhỏ thó, lùn tịt, đi lại khó nhọc, hôm nào đến lớp cũng bị bạn bè cứ trêu chọc đủ điều.

"Lúc ấy buồn tủi lắm, tôi lủi thủi về nhà xấu hổ nằng nặc không chịu đến lớp nữa. Thời gian rồi cũng qua, nghĩ than thân trách phận cũng chẳng giải quyết được điều gì, chỉ thiệt cho thân mình. Bạn bè càng trêu chọc, tôi càng dồn sức học hành năm nào cũng đạt kết quả cao trong học tập. Dần dà tôi xóa dần khoảng cách, mọi người gần gũi, giúp đỡ, thương tôi nhiều hơn", Viện tâm sự.

Lên trung học rồi đến THPT, bước vào môi trường mới, Viện càng gặp nhiều khó khăn hơn với đường đến trường quá xa, ngồi vào bàn học phải cố rướn người mới có thể viết bài được. Anh nhớ mãi những năm học cấp 3, mỗi ngày hai lượt đi về, mưa cũng như nắng, hì hục đạp chiếc xe cà tàng vượt quãng đường xa tổng cộng 14 km. Ròng rã 12 năm đèn sách cơ cực là vậy thế mà đến kỳ thi đại học, cú sốc đầu đời thi trượt khiến anh choáng váng.

"Chưa bao giờ cảm giác tuyệt vọng ám ảnh cuộc đời mình lớn đến như vậy. Nghĩ thế là hết, suốt ngày chán nản nằm vùi trên giường, không còn thiết ăn uống gì nữa. Trong tình cảnh bi đát, chính chương trình truyền hình Ước mơ xanh giành riêng cho người tàn tật đã gieo mầm khát vọng mới trong tôi".

Chương trình truyền hình ấy đã thôi thúc Viện xin tiền bố mẹ, đánh liều đón xe đò vào TP HCM đi tìm nơi học nghề. Loay hoay giữa nơi thành phố xa lạ, nghe các anh chị ở Trung tâm đào tạo nghề tư vấn, một lần nữa chàng trai trẻ khăn gói về quê quyết chí ôn thi đại học. Mùa hè năm 2006, anh thi đỗ điểm cao vào hai trường Đại học văn hóa TP HCM và Cao đẳng sư phạm Quảng Ngãi. Sau nhiều đêm nghĩ suy, lựa chọn, Viện đã "hành phương Nam" chọn theo học ngành Thư viện thông tin, trường Đại học văn hóa.

Thương bố mẹ nghèo, trong những tháng năm học đại học, Viện đã tất bật đi làm thêm, lúc rửa bát thuê ở nhà hàng khi thì đi dạy kèm cho con em những gia đình giàu có. Làm ra tiền tự nuôi sống bản thân, lo chi phí học tập cho mình, anh cảm nhận giá trị cuộc sống biết bao điều ý nghĩa, thú vị. Viện lạc quan nói: " Ai sinh ra trong cuộc sống này cũng có điểm mạnh, điểm yếu, khó ai mà hoàn hảo cả. Vấn đề là mình nắm bắt được ưu thế của mình để thích nghi với vòng xoay của xã hội mà thôi".

Hàng ngày Viện đạp chiếc xe cũ kỹ này vượt hơn 10 km từ nhà đến cơ quan làm việc. Ảnh: Trí Tín

Tốt nghiệp đại học ra trường, Viện đạp xe đi xin việc khắp nơi, cuối cùng cũng may mắn được Sở Nội Vụ tiếp nhận vào làm việc ở Trung tâm lưu trữ tỉnh Quảng Ngãi. Trong phòng máy đầy ắp hồ sơ, chàng trai tí hon đưa đôi bàn tay bé nhỏ đánh nhanh thoăn thoắt trên bàn phím nhập dữ liệu hồ sơ công chức, khi cặm cụi lục tìm tài liệu trên các giá đỡ khiến ai nấy đều khâm phục.

Bà Võ Thị Thanh Châu, Giám đốc Trung tâm lưu trữ tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận: "Mới đầu về làm việc ở đây Viện lo lắng nhiều nhưng giờ đây cậu ấy tỏ ra hòa đồng, gần gũi với anh em cơ quan, tự tin, không ngừng nỗ lực vươn lên hoàn thành tốt công việc của mình".

Tiếp xúc với chàng trai trẻ này, lúc nào cũng dễ dàng bắt gặp nụ cười luôn nở trên môi lạc quan, yêu đời. Với anh, thơ là "liều thuốc" tinh thần xoa dịu đi những nhọc nhằn, giúp mình vững tin trong cuộc sống. Tật nguyền do di chứng ca cam là vậy nhưng Viện ấp ủ nhiều ước mơ giản dị: Mong sao trả hiếu được ơn sinh thành của mẹ cha, mơ về cuộc sống tốt đẹp hơn. Khát khao mái ấm gia đình hạnh phúc như bao người đàn ông khác...

"Anh muốn làm mưa em tắm mát ngày hè/ Muốn làm lửa em sưởi ấm đêm đông/ Muốn làm cói cho em trải chiếu nằm/ Và anh muốn, anh muốn làm tất cả/ Dâng cho em hết cả cuộc đời". Với cảm xúc mãnh liệt trong bài thơ "Dành cho em" này, Viện hi vọng duyên tình yêu như là quả ngọt cuộc sống một ngày nào đó sẽ mỉm cười với mình.

Trao đổi với VnExpress.net sáng nay, ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Nội Vụ Quảng Ngãi chia sẻ: " Hiện tại, chúng tôi đã quyết định đặc cách, bố trí biên chế nhà nước tạo điều kiện công tác ổn định, lâu dài cho anh Viện".

Nguồn VnExpress.net