Các nhà kinh tế Mỹ cảnh báo các máy in tiền ở Mỹ đang hoạt động hết công suất

Theo phóng viên TTXVN tại Niu Yoóc, các nhà kinh tế Mỹ cảnh báo việc Mỹ đổ một lượng tiền kỷ lục mà không có đảm bảo vào nền kinh tế để cứu nước Mỹ khỏi khủng hoảng.

Nhà nghiên cứu và phân tích kinh tế Mỹ Mai-cơ Lác-xơn (Mike Larson) cho rằng Oasinhtơn đã tuyên bố "chiến tranh" về đồng đôla Mỹ. Trong nhiều năm qua, Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) hoàn toàn không bị quyền kiểm soát trong in tiền. Năm 1999, để ngăn chặn con rệp máy tính Y2K phá hoại khu vực ngân hàng, FED đã in thêm 73 tỷ USD. Sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, FED in thêm 40 tỷ USD. Khi Ngân hàng Lehman Brothers (Mỹ) phá sản năm 2008 đẩy Mỹ và thế giới vào khủng hoảng kinh tế toàn cầu, FED in thêm 1,6 nghìn tỷ USD, gấp 22 lần lượng tiền in thêm trong những ngày chống Y2K và 44 lần so với lượng tiền in thêm sau ngày 11/9/2001. FED còn tung vào thị trường thêm 1,7 nghìn tỷ USD trong gói kích thích kinh tế lần 1 năm 2009 và 600 tỷ USD nữa trong gói kích thích kinh tế lần 2 vào mùa thu năm 2010.

Tuy nhiên, sau mỗi lần in thêm tiền, mỗi đồng USD lại mất đi một phần giá trị và sức mua của đồng USD càng suy giảm buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải tiếp tục cho Mỹ vay nợ không chỉ qua mua trái phiếu kho bạc của Mỹ mà cả bằng những đồng USD mà chính họ cũng phải đi vay.

Trên tạp chí trực tuyến “Tiền tệ và Thị trường”, nhà kinh tế Mai-cơ Lác-xơn cảnh báo Mỹ đang đi những bước giống châu Âu vốn đã làm châu lục này suy thoái kinh tế và phụ thuộc vào Mỹ trước đây. Chính sách tiền tệ hiện nay của FED đã làm cho đồng đô-la Mỹ giảm giá xuống mức thấp nhất trong lịch sử so với đồng phrăng (franc) Thuỵ Sỹ và đang giảm mạnh so với đồng yên Nhật Bản và đô-la Xinh-ga-po.