TRAO ĐỔI

Nghĩ từ một cách xưng hô

Tiếng Việt vốn giàu và đẹp được gìn giữ và lưu truyền qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất để thông tin, chuyền tải tư tưởng, tình cảm, cảm xúc giữa người nói và người nghe.

(NTO) Trong quá trình phát triển, có những từ ngữ bị mất đi, song đồng thời cũng có nhiều từ ngữ mới ra đời do sự va chạm, tiếp xúc văn hóa giữa các dân tộc, các quốc gia khác nhau trên thế giới. Chính điều đó càng làm cho tiếng Việt thêm phong phú đa dạng và giàu sắc thái biểu cảm hơn.

Sự giàu và đẹp của ngôn ngữ tiếng Việt được biểu hiện trên nhiều lĩnh vực, phương diện trong đó có cách xưng hô của người Việt. Nếu như trong tiếng Anh, đại từ nhân xưng ngôi thứ 2 là you thì với tiếng Việt lại vô cùng phong phú, đa dạng. Tùy vào từng đối tượng mối quan hệ cụ thể mà đại từ nhân xưng ngôi thứ 2 được sử dụng hết sức linh hoạt. Chẳng hạn: Tôi với bạn; con với cha, mẹ; cháu với ông, bà, cậu, dì, chú, bác…những từ in nghiêng được dùng là đại từ nhân xưng ngôi thứ 2 nhưng có khi chính nó được dùng ở ngôi thứ nhất khi người phát ngôn tự xưng mình để nói với đối tượng khác. Chẳng hạn: Ba khuyên con nên học hành chăm chỉ.

Cũng là đại từ nhân xưng ngôi thứ 2 ấy nhưng ở mỗi vùng miền có những cách xưng hô khác nhau. Từ Bắc Trung Bộ trở ra con cháu gọi ông bà, chú bác, cậu dì…thường kèm theo thứ của họ để phân biệt. Ví dụ như chú 5, mợ 7… không được gọi tên của họ. Gọi tên bị cho là cấm kị, xúc phạm, vô lễ, không kính trọng người lớn tuổi trong gia đình. Điều đó tạo nên “lễ”, những quy phạm, chuẩn mực về tôn ti trật tự của gia đình mà mọi thành viên đều phải chấp hành. Cách xưng hô như vậy tạo nên sự tôn nghiêm, kính trọng của con cháu đối với người thân trong gia đình, dòng họ.

Tuy nhiên khi di chuyển vào Nam, cách xưng hô ấy đã bị thay đổi đi rất nhiều. Cũng vẫn là chú bác, dượng dì… nhưng không gọi theo thứ mà gọi theo tên của họ. Ví dụ như chú Tài, mợ Loan… Ngay cả con cái gọi ba mẹ cũng na ná như thế là ông ba, bà má hoặc ba Tuấn, mẹ Hiền…cách xưng hô như vậy tạo nên sự thân mật, tình cảm rất phù hợp với tính cách của con người Nam bộ nhưng lại quá suồng sả làm mất đi sự tôn kính, trang trọng, thứ bậc của các thành viên trong gia đình. Có thể chấp nhận được chăng khi một đứa trẻ năm ba tuổi gọi anh ruột của ba mình là bác Quang hay bác Tuấn.

Thay đổi là một quy luật tất yếu của quá trình phát triển. Và ngôn ngữ tiếng Việt cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Nhưng với sự thay đổi trên, ngôn ngữ tiếng Việt có thể giàu song liệu có thực sự đẹp chăng.