Các chuyên gia Việt Nam và Mỹ trao đổi kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu

Ngày 25/8, tại Hà Nội, các chuyên gia đến từ Việt Nam và Mỹ đã gặp nhau và cùng trao đổi kinh nghiệm về ứng phó với biến đổi khí hậu trong hội thảo “Các tổ chức xã hội dân sự chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực tài nguyên nước”.

Hội thảo nhằm mục đích chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, áp dụng cách tiếp cận quản lý tổng hợp tài nguyên nước tại Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu.

Các hướng tiếp cận của hội thảo nhằm nâng cao hiểu biết về biến đổi khí hậu thông qua việc phối hợp với các nhà quản lý tài nguyên nước và các cộng đồng địa phương; nâng cao vai trò của xã hội dân sự trong quản lý tài nguyên nước nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp cộng đồng.

Các chuyên gia Việt Nam và Mỹ cùng trao đổi kinh nghiệm ứng phó với
biến đổi khí hậu trong lĩnh vực tài nguyên nước (Ảnh: KPG)

Tại hội thảo, theo chuyên gia về tài nguyên nước Nguyễn Ty Niên, thiên tai và biến đổi khí hậu có xu hướng ngày càng cực đoan, tài nguyên nước biến động không theo quy luật có xu hướng dễ dẫn đến thảm họa. Ông cho biết, ở Việt Nam, sự khai thác cạn kiệt tài nguyên nước đến mức báo động. Chẳng hạn, lưu vực sông Hồng (năm 2010), lượng nước mùa khô sử dụng đến 83,5% lưu lượng đến. Trong khi đó, ngưỡng an toàn là 30%.

Đến tham dự hội thảo, bà Shana Udvardy, Giám đốc Chương trình Khôi phục Sông ngòi thuộc tổ chức Sông ngòi Hoa Kỳ (American Rivers) cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm từ chương trình phục hồi các dòng sông ở Mỹ, kinh nghiệm quản lý tổng hợp tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu ở Mỹ và lưu vực sông Mississippi. Bên cạnh đó, bà cũng mang đến những kinh nghiệm và thực tiễn ở Mỹ trong truyền thông biến đổi khí hậu cho cộng đồng và thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng trong quản lý tổng hợp tài nguyên nước.

Những kinh nghiệm của Mỹ trong quản lý sông ngòi và quản lý
tài nguyên nước được Thạc sỹ Shana Udvardy giới thiệu tại hội thảo (Ảnh: KPG)

Trong những thập kỷ gần đây, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc khai thác tài nguyên nước và ngăn ngừa những tổn hại do nước gây ra. Tuy nhiên, Việt Nam không phải là quốc gia được đảm bảo về tài nguyên nước. Hơn 60% lượng nước ở Việt Nam bắt nguồn từ các nước khác, tình trạng thiếu nước đang xảy ra ở nhiều sông suối trong những mùa khô kéo dài. Ô nhiễm nước ngày càng nghiêm trọng hơn ở nhiều lưu vực sông. Nguồn tài nguyên nước đang bị đe dọa và suy thoái nghiêm trọng do tác động và sức ép của quá trình tăng trưởng kinh tế trong vài thập niên gần đây.

Biến đổi khí hậu là một thách thức mới diễn biến phức tạp, làm gia tăng thêm những thách thức vốn đã rất nghiêm trọng đối với tài nguyên nước và các cộng đồng phụ thuộc vào nguồn tài nguyên này. Biến đổi khí hậu khiến chế độ mưa thay đổi có thể gây lũ lụt nghiêm trọng vào mùa mưa, hạn hán vào mùa khô, gây khó khăn cho việc cấp nước và gia tăng mâu thuẫn trong sử dụng nước.

Trên các sông lớn như sông Hồng và sông Cửu Long, dòng chảy năm và dòng chảy kiệt có xu hướng giảm nhiều hơn và dòng chảy lũ có xu thế tăng nhiều hơn. Các cộng đồng cư dân ven sông đang và sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức do sự gia tăng của các hiện tượng thời tiết bất thường (mưa lớn, lũ quét, lụt lội,...).

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước ngày càng gia tăng, đảm bảo an ninh lương thực trong tương lai và các lợi ích cho cuộc sống, sức khỏe của con người cũng như môi trường cần có những cách tiếp cận mới. Quản lý tổng hợp tài nguyên nước là cách tiếp cận phù hợp đã được nhiều quốc gia áp dụng để thích ứng với biến đổi khí hậu và đảm bảo sử dụng hiệu quả hơn nguồn tài nguyên này trong bối cảnh mới.

Tiếp tục chuỗi hội thảo ứng phó với biến đổi khí hậu, ngày 26/8, hội thảo “Các tổ chức xã hội dân sự - Kinh nghiệm ứng phó với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực nông nghiệp” sẽ diễn ra tại Hà Nội với sự tham gia của các cơ quan, chuyên gia của hai nước Việt – Mỹ.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam