Doanh nghiệp "khổ" với lãi suất ngân hàng !

Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị số 01 và Thông tư số 02 về quy định mức lãi suất huy động tối đa bằng Việt Nam đồng, theo đó lãi suất mà các ngân hàng huy động không được vượt quá 14%/năm.

(NTO) Quy định là vậy, nhưng trong thời gian qua, việc lãi suất cho vay trên thị trường liên tục bị “lách”, có khi lên đến 27%/năm đã khiến nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa lao đao.

Thực hiện Nghị quyết 11, dư nợ tập trung cho sản xuất, kinh doanh trong tỉnh đạt 4.321 tỷ đồng,
chiếm tỷ trọng 84,18% dư nợ cho vay.

Ông Vũ Hữu Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: “Lãi suất ngân hàng cao đã làm cho các doanh nghiệp trong tỉnh lao đao. Doanh nghiệp muốn đầu tư sản xuất, kinh doanh thì đa phần đều phụ thuộc vào lượng vốn vay ở các ngân hàng. Lượng tiền trở thành “nguyên liệu” để doanh nghiệp sản xuất tạo ra lợi nhuận. Nhưng thời gian qua, việc các ngân hàng đua nhau huy động lãi suất vượt trần (hơn con số 14% của NHNN) đã đẩy lãi suất ấn định cho vay lên đến 20-22% năm, cộng với nhiều loại phí mà các ngân hàng tự đặt ra thì lãi suất thực tế mà các doanh nghiệp phải trả lên đến 25-27% đã khiến rất nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải “chới với”.

Theo khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ có 1/3 doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng. Tuy nhiên, khi đã có được số vốn này, các doanh nghiệp lại phải đau đầu với bài toán trả nợ. Thử làm một phép tính đơn giản, khi đã cầm trên tay số vốn vay là 10 tỷ đồng với mức lãi suất trung bình khoảng 20%/năm, thì một doanh nghiệp, chỉ tính riêng tiền lãi, sau 5 năm trả lãi cho ngân hàng đúng con số 10 tỷ đồng. Theo ông Vũ Hữu Tuân, số tiền doanh nghiệp phải trả lãi cho ngân hàng còn nhiều hơn nộp ngân sách Nhà nước.

Một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn tỉnh cho hay, thực hiện Nghị quyết 11, một số công trình bị cắt giảm, giãn tiến độ làm cho doanh nghiệp gặp khó khăn một thì việc lãi suất ngân hàng tăng chóng mặt như hiện nay làm họ phải đau đầu mười. Với đặc thù của ngành, hầu hết vốn đầu tư của các doanh nghiệp đều “chôn” vào các công trình. Vừa phải đối phó với tình trạng giá nguyên- vật liệu tăng cao, các doanh nghiệp này còn phải gồng gánh món nợ ngân hàng khi lãi suất đang ở mức quá cao. Ấy vậy mà khi hoàn thành công trình, việc nghiệm thu, thanh toán hợp đồng lại bị đối tác thực hiện quá chậm. Doanh nghiệp lâm vào thế bị động, việc xoay vòng vốn bị hạn chế, tính toán để trả lãi vay đã khó, nói gì đến việc trả vốn cho ngân hàng. Cũng theo ông Vũ Hữu Tuân, hiện toàn tỉnh có khoảng 300 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, chiếm tỷ trọng khá lớn trong cơ cấu ngành kinh tế tỉnh nhà.

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, dưới tác động của lạm phát, sức tiêu thụ hàng hóa trên thị trường tỉnh ta đã giảm 30% so với trước đây. Tuy nhiên, khó khăn không dừng lại ở đó. Hiện nay, khối doanh nghiệp sản xuất đang gần như trong trạng thái không dám vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Chi phí đầu tư tăng theo giá thị trường, nhưng hiệu quả sản xuất không cao đã khiến nhiều doanh nghiệp chỉ sản xuất cầm chừng, chờ qua cơn khó khăn này. Giảm nhu cầu tiêu dùng còn tác động mạnh tới những doanh nghiệp kinh doanh. Một mặt, họ phải chịu phần chênh lệch do giá cả đầu vào tăng liên tục, mặt khác sức tiêu thụ sản phẩm của thị trường giảm đáng kể khiến doanh thu bị giảm sút. Với doanh nghiệp, họ phải đứng trước ngã ba đường, hoặc là “nín thở” vay vốn ngân hàng và tiếp tục gồng mình với lãi suất, hoặc là sản xuất, kinh doanh kiểu “cầm cự” với nguy cơ suy thoái là khá cao.

Tuy nhiên, những ngày gần đây, thông tin từ thị trường cho thấy đã có những tín hiệu khá lạc quan. Hiện lãi suất cho vay thấp nhất trên thị trường là 17%/năm. NHNN cũng đã có nhiều giải pháp nhằm ổn định thị trường tín dụng trong nước. Mới đây, việc các ngân hàng đồng loạt hạ lãi suất cho vay đối với đồng Việt Nam đã mang lại hiệu ứng tích cực đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Theo đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại phải cam kết thực hiện trần lãi suất huy động 14%, còn NHNN sẽ điều tiết nguồn vốn thông qua tái cấp vốn với lãi suất hợp lý, đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng để đưa lãi suất về mức 17-19%. Thế nhưng, ông Vũ Hữu Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, cho rằng: Những động thái trên của ngành ngân hàng xem ra vẫn chưa phát huy được tác dụng đối với các doanh nghiệp vì chưa chắc doanh nghiệp đã tiếp cận được vốn và đặc thù của từng ngành sản xuất với những khó khăn trong thời buổi lạm phát cao như hiện nay là khó mà xoay trở một cách riêng rẽ. Nói chung, theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát ở đây do chi phí đầu vào tăng, mức lãi suất cao duy trì trong thời gian dài khiến nhiều doanh nghiệp phải tất tả xoay trở, có doanh nghiệp đã phải chấp nhận phá sản. Vấn đề ở đây là làm sao giảm được lãi suất trong bối cảnh lạm phát cao như hiện nay. Nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng cần được khơi thông.