Tháo gỡ khó khăn để doanh nghiệp phát triển

Ngày 22-9, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị Giải quyết các vướng mắc, khó khăn để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển.

(NTO) Tham dự có các đồng chí: Đỗ Hữu Nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Lưu Xuân Vĩnh, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy-Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; lãnh đạo của các sở, ngành, huyện, thị; Hội Doanh nghiệp tỉnh và một số DN đóng trên địa bàn tỉnh.

Từ đầu năm đến nay, cùng với việc triển khai kịp thời các giải pháp thực hiện quyết liệt Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tháo gỡ những khó khăn, giúp các DN ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tỉnh đã tạo điều kiện cho 2 DN được vay vốn 10 tỷ đồng, với lãi suất 0% để dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu; gia hạn, giãn nộp thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng cho 702 lượt DN, với số thuế trên 21,5 tỷ đồng. Thực hiện chính sách quản lý chặt chẽ tiền tệ, hệ thống các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã điều chỉnh cơ cấu tín dụng, ưu tiên vốn vay phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu…Về phía DN, với những hỗ trợ kịp thời của tỉnh và nỗ lực vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào việc ổn định tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh. Trong 8 tháng, đã có 188 DN thành lập mới, tăng 13,4% so với cùng kỳ, quy mô vốn đăng ký bình quân 5,2 tỷ/ DN, nâng tổng số DN, chi nhánh đang hoạt động trên địa bàn tỉnh ta là 1.547 đơn vị. Nhiều DN tiếp tục đầu tư công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm mang lại hiệu quả kinh doanh cao. Một số dự án mới đầu tư phát huy được năng lực sản xuất, góp phần tạo sự tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh. Các DN đã nộp thuế 247 tỷ đồng tiền thuế, tăng 50% so với cùng kỳ; giải quyết việc làm mới cho gần 6.900 lao động.

Từ đầu năm đến nay, Xí nghiệp Thạch Cao Mỹ Đức sản xuất được 90.000 sản phẩm các loại,
đạt doanh thu trên 4,5 tỷ đồng, bằng 80% kế hoạch năm. Trong ảnh: Công nhân
sản xuất tấm trần thạch cao. Ảnh: Văn Miên

Tại hội nghị, các DN cũng thẳng thắn đối thoại với lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành chức năng về những khó khăn, bức xúc xung quanh những vướng mắc trong hoạt động kinh doanh, sản xuất như: Vốn vay ngân hàng, vốn giải ngân từ ngân sách nhà nước cho các công trình đầu tư phát triển của tỉnh, quản lý khai thác khoáng sản, môi trường…. Do chính sách quản lý chặt chẽ tín dụng theo Nghị quyết 11 của Chính phủ nên rất nhiều DN khó tiếp cận được với nguồn vốn vay ngân hàng; vốn được vay lãi suất cao nên dẫn đến chi phí cao, hiệu quả kinh doanh thấp. Vốn các công trình đầu tư phát triển chậm giải ngân ảnh hưởng đến tiến độ thi công, việc làm và thu nhập của người lao động.

Sau khi nghe các ý kiến kiến nghị của các DN, giải trình của các ngành chức năng, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự nỗ lực của các DN thời gian qua. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế đã tác động không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh nhưng các DN đã năng động, vươn lên tiếp tục phát triển và đóng góp đáng kể vào ngân sách, cùng tỉnh thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Đồng chí khẳng định, tỉnh sẵn sàng lắng nghe kiến nghị, vướng mắc của các DN để cùng có tiếng nói chung trên tinh thần chia sẻ, khó đến đâu tháo gỡ tới đó để tạo điều kiện cho DN phát triển. Đối với các kiến nghị của DN, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cần có sự chỉ đạo tích cực để các ngân hàng đóng trên địa bàn thực hiện tốt chính sách hỗ trợ DN, đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ nhằm tạo thuận lợi hơn trong tiếp cận nguồn vốn, giảm lãi suất vốn vay. Ưu tiên vốn cho các ngành, lĩnh vực nằm trong danh mục ưu tiên đầu tư của tỉnh. Đối với các cơ quan quản lý Nhà nước, tập trung tháo gỡ khó khăn, giải ngân vốn cho các công trình đầu tư phát triển, xác định thời gian thanh toán, nhất là các công trình trọng tâm, trọng điểm trong năm. Quản lý tốt công tác cấp giấy phép khai thác tài nguyên, khoáng sản, nhất là khai thác mỏ đá, đảm bảo phát huy hiệu quả kinh tế, đảm bảo môi trường và không phá vỡ quy hoạch chung. Đồng chí cũng chỉ ra những hạn chế của nhiều DN trong tỉnh, đó là chưa tích cực điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp để tránh áp lực lãi suất ngân hàng và tình hình lạm phát gia tăng như hiện nay. Không ít DN chưa quan tâm đến củng cố năng lực của mình để tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng, làm hạn chế hiệu quả kinh doanh.

Bà Từ Thị Thanh Trúc, Giám đốc Công ty TNHH TM&SX Tân Sơn Hoa Cương:

Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, nhưng cộng đồng các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh đã nỗ lực cố gắng duy trì sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn mà các DN đang gặp phải hiện nay đó là lãi suất ngân hàng đang ở mức cao, trong khi đó hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các DN còn chưa đủ mạnh. DN muốn vay được nguồn vốn từ ngân hàng để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất là điều rất khó. Đơn cử như Công ty chúng tôi, muốn nâng công suất nhà máy từ 60.000 m2/năm lên 100.000 m2/năm và công suất mỏ khai thác từ 300 m3/tháng lên 500 m3/tháng, nhưng nhiều lần làm hồ sơ vay vẫn chưa được, do đó chưa thể đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất. Rất mong tỉnh có sự định hướng nhằm giúp các DN tháo gỡ những khó khăn hiện nay để phát triển sản xuất, kinh doanh.


 
Ông Vũ Đình Trọng, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh:

Trong năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 21/2011/QĐ-TTg; Quốc hội ban hành Nghị quyết số 08/2011/QH 13 một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và ngành thuế đã tập trung triển khai có hiệu quả. Để tiếp tục hỗ trợ DN trong lĩnh vực thuế, ngành sẽ tăng cường tập huấn, hướng dẫn chi tiết các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn về thuế; biên soạn tài liệu hướng dẫn gửi các DN, đăng tải các quy định Nhà nước, các tài liệu hướng dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng để các DN, cá nhân nghiên cứu thực hiện.

Tuy nhiên, để chính sách thuế góp phần giải quyết khó khăn cho DN, về phía các DN cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát với điều kiện của đơn vị để chủ động xác định số thuế được miễn giảm, gia hạn nộp cho cả năm, đặc biệt là những tháng cuối năm 2011. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, thì liên hệ cơ quan thuế các cấp để được giải đáp cụ thể. Ngành thuế luôn lắng nghe nhiều hơn những ý kiến của DN để điều chỉnh, phục vụ DN được tốt hơn.
Ông Lê Văn Cương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Ninh Thuận:

Năm 2011 là năm Luật Các tổ chức tín dụng mới bắt đầu có hiệu lực. Luật quy định những thay đổi quan trọng liên quan đến nhiều hoạt động ngân hàng, trong đó có quy định về xét duyệt cấp tín dụng, kiểm tra sử dụng tiền vay, giới hạn cấp tín dụng, hoạt động đầu tư... một cách chặt chẽ. Để thực hiện tốt các quy định này, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp theo tín hiệu thị trường, đảm bảo tăng trưởng tín dụng dưới 20% (khoảng 15-18%), trong đó tập trung ưu tiên cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và một số chính sách ưu đãi cho DN như: Chính sách cho vay hỗ trợ tổn thất sau thu hoạch đối với nông thủy sản; chương trình cho vay trung, dài hạn, ngắn hạn đối với các DN xuất khẩu hàng hóa... Để thuận lợi trong việc vay vốn, các DN phải công khai minh bạch hồ sơ, các báo cáo tài chính để ngân hàng có cơ sở xem xét giải quyết.

 
Ông Vũ Hữu Tuân, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp tỉnh:

Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, bên cạnh những ưu điểm đã thấy rõ, cũng có những ảnh hưởng không nhỏ đến DN, nhất là những DN vệ tinh trong lĩnh vực xây lắp. Ðiều đáng quan tâm là do thời gian rà soát kéo dài nên khá nhiều dự án không nằm trong diện cắt giảm cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến tiến độ thanh toán chậm, làm tăng nợ tồn đọng, luân chuyển nguồn vốn bị trì trệ. Nhiều DN có tỷ trọng chi phí trên tổng doanh thu tăng so cùng kỳ 2010, đặc biệt là khoản trả lãi vốn vay (tăng từ 20 - 30%). Thực tế này dẫn đến tình trạng tài chính của hầu hết các DN ngày càng khó khăn, trong khi vốn đang là vấn đề bức xúc đối với các DN, nhưng hiện tại lại khó tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng. Một số vấn đề bất cập nữa mà DN đang vướng như: cần có những cơ chế giữa các ngành nhằm tạo sự thông thoáng hơn cho DN và nhà đầu tư; những khó khăn vướng mắc về GPMB; đơn giá đền bù xây dựng trong GPMB; thời gian đầu tư khai thác khoáng sản; thời hạn đóng thuế đất, vấn đề về môi trường... vấn đề “nợ công” cũng đang làm khổ DN. Nếu tỉnh giải quyết được các vấn đề trên tức là tỉnh đã tháo gỡ khó khăn cho DN.