Bảo hiểm y tế học đường cần sự nỗ lực từ nhiều phía

Theo quy định của Luật Bảo hiểm Y tế, từ ngày 1-1-2010, học sinh, sinh viên (HSSV) là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT và được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, riêng HSSV thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 50%. Tuy nhiên thực tế số lượng HSSV tỉnh ta tham gia BHYT còn rất hạn chế. Để năm học mới này có 90% học sinh tham gia BHYT theo yêu cầu đặt ra, rất cần sự nỗ lực từ nhiều phía.

(NTO) Còn nhiều vướng mắc

Mặc dù Luật BHYT quy định HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, nhưng sau hai năm thực hiện, tỉnh ta vẫn có đến gần 45% HSSV chưa tham gia. Cụ thể, năm học vừa qua, toàn tỉnh có 98.443 HSSV thuộc diện tham gia BHYT, nhưng chỉ có 53.817 người tham gia, bằng 54,7% (trong khi đó tỷ lệ này của cả nước là 75%). Theo ông Đoàn Phú Nho, Phó Giám đốc BHXH tỉnh, hiện nay có một số nguyên nhân cả về cơ chế lẫn công tác tổ chức thực hiện Luật BHYT quy định HSSV là nhóm đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, nhưng lại chưa cho chế tài bắt buộc tham gia nên quá trình tổ chức thực hiện gặp không ít khó khăn. Bên cạnh đó, mức phí đóng BHYT học sinh hiện nay tương đối cao (209.000 đồng/năm), đây là khó khăn đối với những gia đình ở nông thôn, miền núi, các hộ cận nghèo có nhiều con đi học. Ngoài ra tỷ lệ chi “hoa hồng” cho công tác thu BHYT học sinh hiện nay chưa thật sự khuyến khích các trường thực hiện, trong khi vai trò của nhà trường, đội ngũ giáo viên trong việc tuyên truyền, vận động HSSV tham gia là rất quan trọng. Công tác tuyên truyền về pháp luật BHYT chưa thực sự đi vào chiều sâu, theo từng chủ đề, từng đối tượng để phụ huynh, HSSV hiểu rõ hơn về quyền lợi và trách nhiệm tham gia BHYT theo luật định.

Cần sự hợp tác từ nhiều phía

Chính sách BHYT đối với HSSV trước mắt là nguồn hỗ trợ tài chính khi HSSV bị ốm đau, bệnh tật, nhưng sâu xa hơn đó là công tác chăm sóc sức khỏe cho nguồn nhân lực tương lai, do đó cần phải hết sức quan tâm. Để làm được như vậy cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, từ chính quyền địa phương đến các đoàn thể. Trong đó ngành BHXH chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức thực hiện; ngành GD&ĐT đóng vai trò quan trọng trong thành công của chính sách. Cũng theo ông Đoàn Phú Nho, thực tế ở địa phương nào, lãnh đạo ngành GD&ĐT, ban giám hiệu nhà trường quan tâm chỉ đạo sát sao thì ở nơi đó tỷ lệ học sinh tham gia nhiều hơn. Mặt khác, y tế học đường hoạt động hiệu quả cũng là cách tuyên truyền thúc đẩy HSSV cũng như phụ huynh tích cực tham gia BHYT.

Năm học mới 2011 – 2012, BHXH tỉnh quyết tâm nâng tỷ lệ HSSV tham gia BHYT lên 90%, tăng thêm gần 2/3 so với năm học trước. Để đạt được mục tiêu đề ra, BHXH tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho HSSV tham gia BHYT tại bất cứ thời điểm nào trong năm, đồng thời tăng cường sự phối hợp với ngành GD&ĐT cũng như các cấp, các ngành có liên quan.

Để triển khai tốt chính sách BHYT trong HSSV, ngoài công tác chỉ đạo và chủ động phối hợp, ngành BHXH cũng cần phải chú trọng công tác tổ chức, cần bố trí cán bộ xuống các trường để hướng dẫn việc thu nộp BHYT, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại nhà trường và thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Các bậc phụ huynh có con em trong diện tham gia BHYT học đường cũng cần phải nhận thức được rằng, con em mình không được tham gia BHYT là một thiệt thòi lớn về quyền lợi, cũng như gánh nặng cho gia đình nếu trong trường hợp xảy ra những rủi ro không mong muốn. Có như vậy thì chính sách BHYT mới thực sự mang lại hiệu quả thiết thực.