Tạo cơ chế để giá tác động tích cực đối với nền kinh tế

Việc xây dựng Luật Giá nhằm tạo ra cơ chế để giá cả phát huy những tác động tích cực đối với nền kinh tế như kích thích sản xuất phát triển, đổi mới công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, đổi mới quản lý, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của đất nước…

Dự thảo Luật Giá - văn bản luật được phát triển từ Pháp lệnh Giá ra đời năm 2002 đã được Chính phủ trình Quốc hội tại phiên họp ở hội trường chiều 3/11.

Ảnh minh họa  

Dự thảo Luật Giá bao gồm 5 chương, 51 điều. Dự thảo Luật Giá được xây dựng xuất phát từ yêu cầu phải tiếp tục đổi mới phương thức quản lý giá, khắc phục những bất cập hiện tại để quản lý giá phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường; bảo đảm khuyến khích cạnh tranh về giá.

Việc xây dựng Luật Giá nhằm tạo ra cơ chế để giá cả phát huy những tác động tích cực của nó đối với nền kinh tế như kích thích sản xuất phát triển, đổi mới công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, đổi mới quản lý, tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực của đất nước… Đồng thời, khắc phục, hạn chế những khuyết tật, tác động bất lợi của nó đến nền kinh tế.

Luật bảo đảm được sự can thiệp của Nhà nước về giá phù hợp với vai trò, chức năng của Nhà nước trong cơ chế kinh tế thị trường. Nhà nước tôn trọng quyền tự định giá của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; thực hiện việc can thiệp vào thị trường chủ yếu bằng các biện pháp kinh tế để tác động vào sự hình thành và vận động của giá cả.

Nhà nước chỉ định giá đối với: hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực độc quyền nhà nước sản xuất kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ thuộc doanh nghiệp có vị thế độc quyền sản xuất kinh doanh; hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường sản xuất kinh doanh; tài nguyên quan trọng; sản phẩm, dịch vụ công ích và dịch vụ sự nghiệp công được cơ quan nhà nước có thẩm quyền đặt hàng, giao kế hoạch để khắc phục những khuyết tật của cơ chế giá thị trường.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính – Ngân sách cho biết so với Pháp lệnh Giá hiện hành và sau khi nhận được ý kiến thẩm tra sơ bộ trước đó, dự thảo Luật Giá đã được hoàn thiện một bước, chi tiết hơn một số nội dung như quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động về giá; về điều tiết giá của Nhà nước, về thẩm định giá.

Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng quy định vai trò quản lý Nhà nước về giá là cần thiết nhằm hạn chế tiêu cực ở thị trường. Tuy nhiên với tính chất là đạo luật về quyền, nghĩa vụ của các doanh nghiệp trong quá trình định giá hàng hóa, dịch vụ thì một số quy định vẫn thể hiện sự can thiệp quá sâu của Nhà nước vào quan hệ cung cầu như Pháp lệnh Giá.

Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị cơ quan soạn thảo hoàn chỉnh các quy định theo hướng: Thứ nhất, Nhà nước chỉ quản lý giá dưới góc độ là cơ quan ban hành chính sách, pháp luật, thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và điều tiết ở mức độ nhất định dựa trên nguyên lý về sự vận động của giá cả theo cơ chế thị trường.

Thứ hai là Nhà nước chỉ can thiệp vào giá bằng các biện pháp kinh tế là chủ yếu khi thị trường có biến động lớn, tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống nhân dân…

Ngày 8/11, các đại biểu sẽ thảo luận dự Luật Giá tại tổ và ngày 18/11 dự luật này sẽ được đại biểu thảo luận tại Hội trường.

Trong chiều 3/11, cùng với dự án Luật Giá, Quốc hội cũng đã nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra các dự án Luật Quảng cáo, Luật Giám định tư pháp, Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Nguồn www.chinhphu.vn