Hiệu quả mô hình trồng rau ở An Hải

Xã An Hải, huyện Ninh Phước là địa phương nằm cuối hạ lưu sông Dinh, đa số diện tích tự nhiên là đất cát, khả năng giữ nước kém, nên trong sản xuất nông nghiệp hàng năm người dân thường xuyên phải đối mặt với hạn hán, lũ lụt.

(NTO) Để giúp người dân vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, vài năm trở lại đây, cấp ủy, chính quyền xã An Hải đã vận động bà con, nhất là 2 thôn Tuấn Tú và Nam Cương chuyển sang trồng các loại cây rau màu theo thời vụ như: cà rốt, cải xanh, hành lá, ớt... và đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao.

Gia đình anh Kiều Việt Hùng ở thôn Tuấn Tú, trước đây, trên 3 sào đất vườn, vợ chồng anh đã đầu tư trồng nhiều loại cây khác nhau, nhưng do địa hình của thôn chủ yếu là đất cát nên đa số các loại cây trồng đều không thuận lợi, thu nhập không đáng kể. Năm 2009, được Hội Nông dân xã vận động, gia đình anh mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích trên sang trồng các loại rau như: hành lá, cà rốt, ớt... Kết quả cho thấy các loại cây trồng này rất phù hợp với vùng đất cát Tuấn Tú, năng suất mang lại cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác. Theo tính toán của anh Hùng, với 3 sào vườn của mình, mỗi năm trồng 2 vụ hành lá và một vụ ớt, gia đình anh thu về gần 80 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, mỗi vụ anh lãi khoảng 16 triệu đồng.

Anh Kiều Việt Hùng ở thôn Tuấn Tú (phải) với mô hình trồng rau an toàn.

Từ thành công của một số hộ dân ban đầu, đến nay toàn xã An Hải có khoảng 120 hộ đang thực hiện mô hình trồng rau, với diện tích gần 50 ha, tập trung chủ yếu ở 2 thôn Tuấn Tú và Nam Cương. Nét mới trong sản xuất của bà con ở đây là để chủ động được đầu ra và có nguồn rau xanh đảm bảo vệ sinh cung cấp cho thị trường, ngoài việc liên kết lại với nhau thành lập 1 hợp tác xã và các tổ sản xuất nhỏ ở các thôn, trước mỗi vụ người trồng rau ở 2 thôn Tuấn Tú và Nam Cương còn tìm hiểu rõ nhu cầu của thị trường rồi chọn giống rau thích hợp để gieo trồng nên rau xanh ở đây luôn được thị trường chấp nhận và bán được giá.

Thấy được hiệu quả của mô hình này, năm 2007, Chi cục Bảo vệ Thực vật đã phối hợp với xã An Hải tổ chức tập huấn và triển khai trình diễn mô hình trồng rau an toàn cho bà con trên diện tích 5 ha, của 25 hộ dân, sau đó nhân rộng cho tất cả bà con hai thôn Tuấn Tú và Nam Cương. Qua hơn 4 năm áp dụng quy trình sản xuất rau an toàn, cho thấy việc tuân thủ quy tắc trồng rau an toàn được người dân thực hiện rất tốt, đã hạn chế sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu nên sản phẩm rau xanh luôn non, màu xanh tươi, giữ được vị ngọt tự nhiên và đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật trồng, cách chăm sóc của Chi cục Bảo vệ Thực vật, mới đây dự án IDE của tổ chức Phi chính phủ còn hỗ trợ cho các hộ trồng rau ở 2 thôn Tuấn Tú và Nam Cương lắp đặt hệ thống nước tưới phun và tưới nhỏ giọt, giúp người dân giảm được rất nhiều chi phí.

Đồng chí Trần Khánh Ninh, Chủ tịch UBND xã An Hải khẳng định: “Hiệu quả mang lại từ mô hình trồng rau an toàn của bà con nông dân 2 thôn Tuấn Tú, Nam Cương thời gian qua là rất đáng kể, nó không chỉ mang lại thu nhập khá mà còn trở thành nghề chính, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho người nông dân. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ thị trường khan hiếm rau thì nơi đây vẫn có rau cung ứng nhờ trồng trên những cồn cát cao".

Hiệu quả của mô hình trồng rau an toàn ở xã An Hải thì đã rõ, tuy nhiên qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết vấn đề mà người trồng rau ở xã An Hải nói riêng và các hộ trồng rau trong tỉnh nói chung đang hết sức quan tâm đó là hiệu quả kinh tế. Mặc dù rau an toàn được đầu tư, chăm sóc cao hơn nhiều so với các loại rau bình thường bởi những quy định nghiêm ngặt về kỹ thuật như trong quá trình sản xuất nhưng do không có nhãn mác, không có điểm bán hàng tập trung mà chủ yếu dựa vào tư thương đến tận vườn thu mua, cung cấp cho thị trường, do đó người tiêu dùng không thể phân biệt được sản phẩm nào là sạch, vì vậy giá thành cũng chỉ bằng các loại rau khác.

Trước thực tế trên, để đảm bảo quyền lợi cho người sản xuất, ngoài việc công nhận vùng rau An Hải là vùng rau an toàn, các cấp chính quyền và các đơn vị chức năng quan tâm hỗ trợ để xã An Hải xây dựng thương hiệu riêng cho mình và lập đề án cạnh tranh nông nghiệp. Bên cạnh đó địa phương cũng cần năng động trong việc liên doanh, liên kết với các trung tâm đầu mối, Siêu thị Co.opMart Thanh Hà để các đơn vị, doanh nghiệp này ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm lâu dài cho người dân trồng rau, có như vậy nghề trồng rau của bà con mới phát triển bền vững.