Giao thừa muộn

Giao thừa là giây phút thiêng liêng với mỗi gia đình, là thời khắc mọi người cùng ngồi bên nhau trong ngôi nhà được chuẩn bị gọn gàng sạch sẽ, hay cùng nhau ra đường đón không khí rộn ràng, ấp áp của mùa xuân. Nhưng cũng còn đó những con người vì công việc niềm vui của “mọi nhà, mọi người” mà hy sinh cái giây phút thiêng liêng- thời khắc đặc biệt này.

(NTO) Gắn kết những yêu thương

Những cán bộ, nhân viên ngành Bưu chính viễn thông coi mỗi cánh thư, mỗi cuộc điện thoại của khách hàng như là thông điệp mang niềm vui, hạnh phúc đến cho bản thân mình. Để nối liền khoảng cách đó, trong dịp lễ, tết, những người làm nhiệm vụ này càng trở nên bận rộn, vất vả hơn.

Nhân viên Đài 108 Ninh Thuận bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ nhân dân trong dịp Tết.
Ảnh: Sơn Ngọc

Đã thành thông lệ, năm nào cũng vậy, các anh, chị ở bộ phận trực sóng của Trung tâm Viễn thông tỉnh cũng phải đón giao thừa muộn hơn đồng nghiệp, bởi trong khoảnh khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, ai cũng muốn dành những lời chúc tốt đẹp đến người thân, bạn bè. Để những thông điệp đó được truyền đi không bị gián đoạn và nhanh nhất, các anh, chị đã quên đi cảm giác đón giao thừa cùng gia đình để chung niềm vui, hạnh phúc trong đêm giao thừa với tất cả mọi người. 

“Alô, dạ - danh số máy xin nghe!” là câu nói truyền cảm, ngọt ngào của các cô điện thoại viên trực đài 1080 tỉnh khi giải đáp thắc mắc của khách hàng. Nhưng ít ai biết, phía sau giọng nói truyền cảm, những ứng xử đẹp đó, dịp Tết này, họ đã tạm gác việc gia đình sang một bên và làm công việc “làm dâu trăm họ”, chấp nhận ăn Tết muộn. Đối với họ, kỷ niệm đẹp nhất của khoảnh khắc đón giao thừa tại cơ quan, chắc hẳn là từ đầu dây bên kia, một khách hàng nào đó gọi tới tổng đài và nói câu đầu tiên, bắt đầu cho một năm làm việc vất vả của họ với lời chúc chân thành: “Chúc mừng năm mới!”.

Chị Cao Thị Ngọc Trinh, điện thoại viên trực Đài 1080 của Trung tâm Viễn thông tỉnh đã công tác được 6 năm, thì đã 3 năm chị trực đêm 30 Tết, chia sẻ: “Đêm giao thừa thì ai cũng muốn được sum họp với gia đình, nhưng mang lại niềm vui cho người khác mình cũng cảm giác hạnh phúc lắm. Nhận được lời chúc mừng năm mới từ khách hàng, những lúc đó cảm giác yêu nghề đến kỳ lạ và thấy như mình cũng đang được đón giao thừa cùng mọi người.”.

Niềm vui bắt đầu từ sự sống

Với những người khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, món quà ý nghĩa nhất cho một năm mới bắt đầu chính là chữa được bệnh cho nhiều người, để họ được khỏe mạnh sớm đoàn tụ với gia đình.

Khoa hồi sức cấp cứu-Bệnh viện tỉnh hiện những ngày cuối năm số ca nằm điều trị có giảm đôi chút, nhưng các trường hợp vào cấp cứu với những tổn thương nặng hơn, tỷ lệ bệnh nhân ở tình trạng nguy kịch lại nhiều hơn so với những ngày bình thường.

Theo Bác sĩ Lê Huy Thạch, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu: Trực cấp cứu trong những ngày Tết vất vả hơn rất nhiều, số ca bệnh cấp cứu nặng thường có chiều hướng tăng lên nhiều hơn so với ngày thường. Khi đó, kíp trực sẽ phải làm việc rất vất vả. Những bác sĩ trực luôn phải chịu những áp lực rất lớn về chuyên môn, từ phía người thân của bệnh nhân.

Hơn 20 năm công tác tại bệnh viện, kỷ niệm mà Bác sĩ Thạch nhớ nhất trong những lần đón giao thừa tại cơ quan là có một bệnh nhân ở Bác Ái bị nhiễm độc, nhưng do nhà nghèo không có tiền nên cứ đòi về trong đêm. Anh và các đồng nghiệp đã quyên góp tiền hỗ trợ cho gia đình để bệnh nhân có thể yên tâm ở lại điều trị. Tuy số tiền nhỏ, nhưng các thầy thuốc cũng cảm thấy vui vì đã chia sẻ, mang hơi ấm mùa xuân đến cho bệnh nhân đêm giao thừa.

Những người làm đẹp đường phố

Chiều 30 Tết, ai cũng hối hả để chuẩn bị đón thời khắc giao thừa cùng gia đình. Trên nhiều con đường, góc phố chúng ta vẫn bắt gặp những công nhân vệ sinh vẫn lặng thầm, cần mẫn với công việc.

Làm đẹp phố phường. Ảnh: Văn Miên

Nhiều năm đón giao thừa trên đường phố, nhưng chị Nguyễn Thị Ngần, công nhân Công ty TNHH-XD-TM&SX Nam Thành vẫn cảm thấy vui vì đã góp sức mình cho thành phố sạch-đẹp hơn trong những ngày đầu xuân. Đã thành thông lệ, biết tính chất công việc của chị như thế nên năm nào cũng vậy, cả nhà cùng thức chờ chị về rồi mới đón giao thừa. Các con còn nhỏ nên chỉ mỗi ông xã cặm cụi dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị mọi thứ đón Tết và trông ngóng chị về cùng đón giao thừa muộn… Chị Ngần nói: “Tuy công việc vất vả nhưng cứ mỗi lần nhìn đường phố sạch-đẹp, sáng bừng trong ngày đầu năm mới, lòng mình lại rộn ràng một niềm vui mới.”

Chị Ái là đồng nghiệp, làm cùng khu vực với chị Ngần, tâm sự: “Công việc ngày thường đã vất vả, Tết lại càng cực hơn, nhất là khu vực tôi đảm nhận là chợ Phan Rang, nơi người dân đến mua sắm Tết đông nhất thành phố vì thế lượng rác nhiều hơn. Chúng tôi phải đợi các hộ kinh doanh ra về thì mới quét dọn nên thường về nhà khi đã sang năm mới”.

Trong những ngày cận Tết, lượng rác thải phải thu gom tăng gấp 10 lần so với ngày thường nên năm nào cũng vậy công nhân của Công ty Công ty TNHH-XD-TM&SX Nam Thành luôn phải đón giao thừa trên đường phố. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo công ty, những năm gần đây mức thu nhập của người lao động được nâng lên, nhất trong dịp Tết, điều này tạo thêm nguồn động viên để họ phấn khởi và có trách nhiệm hơn trong công việc.

Ảnh: Trung Hoàng

Với những người làm công việc trong đêm giao thừa, dường như khái niệm Tết của họ luôn gắn liền với công việc bận rộn. Thầm lặng nhưng đầy ý nghĩa. Với những người như chị Ngần, chị Trinh và tầt cả những con người ấy, sau những ồn ào, náo nhiệt của dòng người đi đón giao thừa, khoảnh khắc lặng lẽ cùng đồng nghiệp chứng kiến thời khắc giao mùa là những giây phút xúc động nhất, dù họ không có được không khí đầm ấm sum họp gia đình đêm 30 Tết như bao người khác…