Sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư sau 5 năm thi hành

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư vừa được Bộ Tư pháp hoàn chỉnh dự thảo, đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân qua Cổng TTĐT Chính phủ nhằm tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện.

Tính đến nay, Luật Luật sư đã được thi hành 5 năm, số lượng luật sư ở nước ta đã và đang phát triển nhanh với hơn 7.200 luật sư, tăng 250,8% so với trước khi Luật Luật sư có hiệu lực và gần 3.500 người tập sự hành nghề luật sư hoạt động trong hơn 2.900 tổ chức hành nghề luật sư.

 
Nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư Việt Nam. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, thực tế cũng bộc lộ thời gian qua số lượng luật sư nước ta phát triển khá nhanh, nhưng chất lượng của đội ngũ này còn chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý ngày càng cao của xã hội, đặc biệt là trong điều kiện cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Luật sư còn chưa phù hợp với thực tế hoạt động luật sư. Do vậy, để nâng cao chất lượng luật sư, một số quy định đã được đề xuất sửa đổi trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.

Thời gian đào tạo nghề luật sư tăng lên 12 tháng

Trước hết, về thời gian đào tạo, Luật Luật sư quy định thời gian đào tạo nghề luật sư là 6 tháng. Trên thực tế, hiện nay thời gian đào tạo thẩm phán, kiểm sát viên là 12 tháng. Để tăng cường tranh tụng tại Tòa theo yêu cầu của cải cách tư pháp thì cần tính toán đến việc đào tạo liên thông các chức danh tư pháp (thẩm phán, kiểm sát và luật sư), đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo nghề luật sư. Do vậy, dự thảo Luật sửa đổi theo hướng tăng thời gian đào tạo nghề từ 6 tháng lên 12 tháng.

Trong thời gian 12 tháng đào tạo nghề, học viên sẽ được học một số kỹ năng cơ bản chung cho cả 3 chức danh, được đi thực hành tại các cơ quan tư pháp (Tòa án, kiểm sát, điều tra,...), các tổ chức hành nghề luật sư. Đồng thời chương trình đào tạo sẽ dành thời gian để đào tạo kỹ năng nghề nghiệp chuyên sâu của luật sư.

Người tập sự hành nghề luật sư được tăng cường cọ xát với vụ việc thực tế

Trong 5 năm (2007 - 2011) đội ngũ luật sư đã tham gia hơn 425.700 vụ việc, trong đó có 64.000 vụ án hình sự; 211.000 vụ việc về tư vấn pháp luật; 63.000 vụ, việc trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách.

Hiện nay, người tập sự hành nghề luật sư ít được cọ xát vụ việc thực tế. Để tạo điều kiện cho người tập sự được rèn luyện về kỹ năng hành nghề của luật sư, dự thảo cho phép người tập sự được thực hiện một số công việc nhưng dưới sự giám sát của luật sư hướng dẫn và được khách hàng đồng ý. Tuy nhiên, người tập sự không được bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích của đương sự, đại diện cho khách hàng trước tòa và ký văn bản tư vấn pháp luật.

Ngoài ra, để tiếp tục phát triển hợp lý về số lượng luật sư phù hợp với mục tiêu của Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020, Dự thảo Luật mở rộng đối tượng được trở thành luật sư cho các viên chức đang làm công tác giảng dạy pháp luật.

Luật sư phải tham gia các khóa bồi dưỡng bắt buộc hàng năm

Về quyền và nghĩa vụ của luật sư, dự thảo bổ sung quy định luật sư được pháp luật bảo đảm quyền hành nghề theo quy định, đồng thời được đại diện cho khách hàng trước cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, do Luật Luật sư chưa quy định về việc bồi dưỡng bắt buộc hàng năm của luật sư trong khi nghề luật sư đòi hỏi phải thường xuyên cập nhật kiến thức, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp. Để nâng cao chất lượng hành nghề luật sư, phù hợp với thông lệ quốc tế, dự thảo Luật quy định nghĩa vụ tham gia các khóa bồi dưỡng bắt buộc đối với luật sư.

Đồng thời, để xây dựng hình ảnh luật sư trong xã hội, nâng cao vị thế của luật sư, dự thảo Luật quy định luật sư có nghĩa vụ giữ gìn phẩm giá và uy tín nghề nghiệp của luật sư.

Miễn đào tạo nghề luật sư cho một số đối tượng

Về đối tượng được miễn đào tạo nghề, miễn, giảm tập sự hành nghề luật sư, hiện nay quy định của Luật Luật sư còn thiếu chặt chẽ và chưa phù hợp với một nghề đòi hỏi phải có kỹ năng hành nghề trong thực tế như nghề luật sư. Thêm vào đó, hiện nay Luật Luật sư cũng quy định chưa đầy đủ việc miễn đào tạo cho một số chức danh tư pháp trong xã hội đã có bằng cử nhân luật và được đào tạo nghề gần với luật sư như công chứng viên, chấp hành viên, thừa phát lại.

Để khắc phục những hạn chế này, Dự thảo Luật quy định một số trường hợp vừa được miễn đào tạo, vừa được miễn tập sự hành nghề luật sư, bao gồm: Giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật; người đã là thẩm phán, kiểm sát viên từ 5 năm trở lên; người đã là điều tra viên cao cấp, chấp hành viên cao cấp, thẩm tra viên cao cấp ngành Toà án, kiểm tra viên cao cấp ngành Kiểm sát hoặc chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật....

Đồng thời, để nâng cao chất lượng của luật sư, Dự thảo Luật quy định chặt chẽ hơn việc miễn đào tạo nghề luật sư, cụ thể các đối tượng trên (trừ giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật) chỉ được xem xét miễn đào tạo nghề luật sư trong thời hạn tối đa là 2 năm, kể từ ngày thôi đảm nhiệm các chức danh đó.

Nguồn www.chinhphu.vn