Rừng trồng Tân Tiến mùa khô hạn

(NTO) Sau đợt mưa đầu tháng tư, chúng tôi trở lại lâm phần (gồm địa bàn các xã: Phước Tân, Phước Tiến, Phước Hòa và Phước Thắng) thuộc thẩm quyền quản lý và khai thác của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến (Bác Ái). Trước mắt chúng tôi, những cánh rừng dọc đường lên hồ Trà Co, hồ Sông Sắt, đặc biệt là rừng trồng, vẫn xanh mơn mởn bất chấp cái nóng hun đốt.

Trong năm qua, ngoài một phần diện tích rừng tự nhiên gần 5.254 ha giao khoán quản cho cộng đồng dân cư các thôn (thực hiện theo Nghị quyết 30a của Chính phủ), Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến đã đầu tư phát triển rừng trồng trên lâm phần của mình. Cụ thể đơn vị đã tiến hành trồng rừng tập trung ở vùng đất trống trên đồi núi cao nhằm nâng cao hiệu quả phòng hộ của rừng với diện tích trồng 57,15 ha (13 ha điều, 43,15 ha thông 2 lá) và trồng 1 ha cà phê theo mô hình thực nghiệm nông lâm kết hợp.

 
Lực lượng bảo vệ rừng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến
tuần tra bắt giữ 1 vụ khai thác và vận chuyển gỗ trái phép trên lâm phần.

Các cây trồng đã phát triển tốt, có mật độ sống đạt 87-89%. Cách đây 2 năm, trên vùng đất trống thuộc diện rừng sản xuất nằm trong khu vực nóng về lấn chiếm đất trái phép thuộc thôn Trà Co 1 (Phước Tiến), công ty đã thực hiện liên kết với hộ dân đầu tư trồng 15 ha keo lai (rừng kinh tế), đến nay cây phát triển tốt có chiều cao trung bình trên 2m, tỷ lệ sống trên 95%. Trước đó nhận thấy cây keo lai rất phù hợp trồng trên các vùng đất dốc, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến đã tự trồng 11 ha tại vùng Suối Rua Cao và Ma Lâm (Phước Tân), hiện vẫn đang sinh trưởng mạnh. Song nói đến rừng trồng, đáng chú ý hơn cả là cây cao su. Khởi động từ năm 2010, cây cao su đã được chọn là cây trồng chủ lực thực hiện dự án cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt. Bên cạnh liên doanh với Công ty Đại Phú Quý trồng 148 ha trong 2 năm (2010, 2011), từ năm 2008 đến nay Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến đã tự đầu tư trồng 50,3 ha cao su tại khu vực Suối Đá (Phước Tiến).

Không kể rừng trồng cao su, keo lai, trong năm nay Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến đang chăm sóc rừng trồng và mô hình hình khuyến lâm năm thứ 3, thứ 4 với tổng diện tích trên 280 ha gồm các loại cây trồng như điều, mít, thông 2 lá. Anh Nguyễn Văn Quang, cán bộ công ty cho biết: “Công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) đã được chú trọng triển khai từ đầu mùa khô. Tuy rừng xanh tươi như vậy nhưng dưới ánh nắng gay gắt hiện nay, chỉ sơ suất một chút cũng dễ dẫn đến nguy cơ cháy”. Chúng tôi được biết vào khoảng đầu tháng trước, do sự bất cẩn của những người đốt rẫy, đã có hơn 1 ha rừng trồng cao su ( khoảng gần 100 cây) bị cháy lan, rất may nhờ cứu chữa kịp thời, sau đó bón tưới nên đến nay các cây đã có dấu hiệu đâm chồi tái sinh. Để PCCCR cao su, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến và đơn vị liên doanh đang tập trung chăm sóc, quét vôi thân cây và phát dọn các đường băng cản lửa.

Một trong những cây trồng gắn liền “tên tuổi” với Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến là tre điền trúc cũng đang được chăm sóc tốt. Anh Trần Anh Vũ, Giám đốc công ty chia sẻ: “Trong những năm qua, đơn vị đã thực hiện công tác trồng rừng trên lâm phần mình quản lý nhằm nâng độ che phủ, chống xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái. Ngoài những cây trồng rừng phòng hộ truyền thống như điều, thông 2 lá, đơn vị đã mạnh dạn đề xuất thực hiện trồng mô hình thực nghiệm cây tre điền trúc”. Bắt đầu trồng từ năm 2006 và nhân rộng trong năm 2007 với tổng diện tích 7 ha tại các thôn Suối Rua (Phước Tiến) và Ma Lâm (Phước Tân), trong đó có 3 ha mô hình thực nghiệm và 4 ha nhân rộng, đến nay tre điền trúc đã mang lại hiệu quả nhất định trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngoài mục đích tăng độ che phủ của rừng còn mang lại giá trị kinh tế qua khai thác măng, thân cây, góp phần cải thiện đời sống cho người dân trong vùng dự án và doanh thu cho đơn vị. Hiện nay do thị trường tiêu thụ bão hòa, tuy có giảm về hiệu quả kinh tế nhưng tre điền trúc đã chứng minh là loài cây trồng rừng phòng hộ rất hiệu quả để chống xói mòn trên đất dốc, ven sông suối, làm tăng độ che phủ của rừng và bảo vệ môi trường sinh thái. Vì vậy theo chúng tôi, trong giai đoạn tới tỉnh nên có kế hoạch hỗ trợ người dân địa phương cây giống và chi phí trồng để mở rộng diện tích tre điền trúc.

Về mặt đầu tư lâm sinh, tính chung cả rừng phòng hộ trồng tập trung và rừng trồng mô hình thực nghiệm nông lâm kết hợp, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tân Tiến hiện có trên 431 ha rừng đang được cán bộ, công nhân công ty chăm sóc, bảo vệ nghiêm ngặt. Theo anh Trần Anh Vũ, các vùng trọng điểm phá rừng và cháy rừng được xác định đều nằm ngoài khu vực rừng trồng. Tuy nhiên trước nguy cơ tiềm ẩn của thời tiết nắng nóng và rút kinh nghiệm từ vụ cháy rừng cao su vừa qua, công tác PCCCR đang được công ty tích cực triển khai, có sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền và nhân dân địa phương trên lâm phần.