Ủy ban Thường vụ Quốc hội bế mạc phiên họp thứ 7

Chiều 20/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã kết thúc buổi làm việc cuối cùng của phiên họp thứ 7. Những con số về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và xuất siêu trong quí I/2012 nêu trong báo cáo của Chính phủ được các thành viên UBTVQH quan tâm thảo luận.

Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TTXVN

Phát biểu bế mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: UBTVQH đã làm việc khẩn trương trong 11 ngày liên tục và đã hoàn thành 6 công việc lớn. Cụ thể: UBTVQH đã cho ý kiến 13 dự án luật trình kỳ họp 3; thông qua 2 Báo cáo giám sát (gồm: Báo cáo việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với cách mạng); cho ý kiến về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013; thông qua dự án Pháp lệnh pháp điển hệ thống pháp luật, cho ý kiến về Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; cho ý kiến Báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 của Chính phủ; thảo luận kỹ về Đề án tái cơ cấu tổng thể kinh tế.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan khẩn trương hoàn tất những công việc chuẩn bị cho Phiên họp thứ 8 của UBTVQH và Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội diễn ra vào tháng 5.

Trước đó, UBTVQH tiếp tục thảo luận về báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2011 và triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 của Chính phủ.

Báo cáo Chính phủ khẳng định, tăng trưởng kinh tế quý I chỉ đạt 4%, thấp hơn so với cùng kỳ và quý IV/2011. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng nhìn nhận GDP quý I tăng trưởng ở mức 4% thấp nhất trong vòng hai năm trở lại đây (quý I/2010 tăng 5,84%, quý I/2011 tăng 5,57%), thấp hơn dự kiến của Chính phủ là 5%-6% và khó đạt mục tiêu tăng trưởng 6%-6,5% của cả năm 2012.

Bên cạnh đó, báo cáo Chính phủ cho thấy lạm phát tiếp tục được kiềm chế, CPI 3 tháng là 2,55%, thấp nhất trong vào 3 năm qua. Đặc biệt, trong tháng 3 giá xăng được điều chỉnh tăng 10% nhưng do giá lương thực và thực phẩm chững lại nên lạm phát tháng 3 chỉ ở mức 0,16% thấp hơn nhiều so với dự báo của các cơ quan và các chuyên gia kinh tế. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, trong tháng 4 này, thậm chí con số này có thể chỉ là 0,06%. Tuy nhiên, tăng CPI ở mức thấp không khiến nhiều đại biểu mừng mà một số ý kiến cho rằng điều này cũng thể hiện những hậu quả khó khăn từ năm 2011, đặc biệt là suy giảm tổng cầu đang tác động mạnh mẽ đến kinh tế nước ta trong quý I/2012. Có ý kiến cho rằng, từ quý II năm 2012, nền kinh tế sẽ đứng trước sức ép ngày càng tăng về tăng giá một số hàng hóa và có thể lặp lại tình trạng lương tăng - giá tăng của những năm trước đây.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, quí I năm nay chúng ta xuất siêu là 220 triệu USD, bằng 0,9% tổng kim ngạch xuất khẩu, là kết quả tốt nhất so với cùng kỳ nhiều năm gần đây (cùng kỳ năm 2011, nhập siêu 3 tỷ USD). Báo cáo Chính phủ chỉ ra rằng, xuất siêu ngoài nguyên nhân do xuất khẩu tăng cao, tốc độ tăng nhập khẩu giảm còn có nguyên nhân quan trọng là do đầu tư và sản xuất công nghiệp chế biến suy giảm dẫn đến nhu cầu nhập khẩu nguyên, vật liệu và máy móc, thiết bị giảm sút.

Đây cũng là vấn đề khiến Ủy ban Kinh tế lo ngại, bởi mặc dù quý I/2012 xuất siêu đạt 220 triệu USD có tác động tích cực đến cán cân thanh toán quốc tế và tỷ giá. Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu quý I chỉ tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2011, giảm mạnh so với mức tăng cùng kỳ năm trước (23,8%) là chỉ báo đáng lo ngại về sự suy giảm năng lực sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho hay, dự báo về lạm phát hiện đang có nhiều ý kiến khác nhau. Một nhóm cho rằng, lạm phát cả năm nên kiềm xuống 6%, nhóm khác nêu chỉ số lạm phát nên từ 7-9% trong khi Chính phủ đề nghị là 8-9%. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, nếu Chính phủ muốn đặt mục tiêu lạm phát ở mức 8-9% thì mục tiêu GDP 6% rất khó đạt. Trong khi, nếu GDP không đạt 6% thì sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Thảo luận tại phiên họp, nhiều thành viên UBTVQH cũng bày tỏ lo ngại rằng lạm phát thấp sẽ ảnh hưởng làm tăng trưởng kinh tế giảm.

Nghiên cứu kỹ báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị làm rõ chỉ số CPI thấp cho thấy sức mua của dân giảm, ảnh hưởng đến sản xuất của doanh nghiệp thì có áp lực gì với các lĩnh vực khác từ giải quyết việc làm đến an sinh xã hội không?

Lạm phát bao nhiêu là đủ và tăng trưởng thế nào là hợp lý là vấn đề được Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng quan tâm. “So sánh giữa lạm phát với tăng trưởng trì trệ thì không biết cái nào nguy hại hơn?” – bà lo ngại.

Làm rõ vấn đề Phó Chủ tịch Tòng Thị Phóng nêu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định: Về mặt tổng thể, trong quí I năm 2012, tình hình thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô là rất tốt. CPI giảm rất mạnh, trong tháng 3 chỉ tăng 2,55% là mức tăng rất thấp trong nhiều năm qua. Như vậy, mục tiêu cuối năm 2012 CPI là dưới 10% là hoàn toàn có thể đạt được và đây là thắng lợi trong chính sách vĩ mô của chúng ta.

Với chỉ số xuất siêu, Bộ trưởng đồng tình với nhiều đại biểu rằng chỉ số này “nghe thì mừng nhưng ngẫm thì lo”. Bởi nó cho thấy vấn đề là có biểu hiện khó khăn trong sản xuất và trong đời sống.

Về chỉ số GDP quí I, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho rằng, chỉ số này cũng rất tốt so với nhiều năm, mặc dù thấp nhưng nhiều chuyên gia nhận định không lo ngại lắm vì thông thường quí I là thấp, sau đó tăng dần. Theo Bộ trưởng, đây cũng mới chỉ là con số ban đầu, nếu kết luận kinh tế tăng trưởng trì trệ là vội vã, phải chờ đến tháng 5 sẽ thấy xu hướng rõ hơn. “Cần bình tĩnh xem xét, Chính phủ chưa có đủ căn cứ để nhận định rằng kinh tế đang suy giảm, nhưng bản thân Chính phủ đã có biện pháp rồi chứ không phải ngồi ung dung.” – Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển so sánh: Năm 2009, bảy tháng liên tục, ta tăng trưởng âm, đến tháng 12 mới bắt đầu đi lên. GDP quý I năm nay là 4% thì chưa phải là tăng trưởng âm. Đánh giá là kinh tế có suy thoái hay không thì phải cân nhắc thêm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng ý không lấy chỉ số quí I để đánh giá cho cả năm được, nhưng không thể bỏ qua việc đánh giá, phân tích quí I mà phải so sánh với cùng kỳ của các năm trước.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, mục tiêu năm nay GDP 6% là rất khó khăn. Đó là lý do Chính phủ tiếp tục thắt chặt chính sách như hiện nay. Nếu tiếp tục sản xuất đình đốn, tồn kho, hàng không bán được thì rõ ràng, doanh nghiệp rất khó khăn, ảnh hưởng an sinh xã hội, thất nghiệp sẽ tăng…Tuy nhiên, theo ông, Chính phủ sẽ không điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và các chỉ tiêu khác. Ông cho rằng, cần có biện pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp, như lãi suất cho vay hạ, chính sách thuế.../. 

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam