Vấn đề hôm nay:

Giá thấp do không có… thương hiệu !

(NTO) Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh hiện có gần 700 ha táo đang cho trái, tập trung nhiều nhất ở huyện Ninh Phước và thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Trái táo tuy chưa được “xếp hạng” là trái đặc sản như “nữ hoàng” nho vốn đã trở thành “thương hiệu” được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến, nhưng trước đà suy thoái của cây nho, cây táo được xem là giống cây thay thế và chất lượng của trái táo Ninh Thuận cũng được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh chấp nhận…

Chỉ tính trong năm 2011, người trồng táo trong tỉnh đã cung cấp cho thị trường trong nước nói chung trên 19.000 tấn và nếu tính bình quân 8.000 đồng/kg thì tổng doanh thu đã đạt trên 150 tỷ đồng. Theo nhiều nông dân trồng táo cho biết, so với cây nho việc đầu tư cho cây táo “nhẹ” hơn cả phân bón và công chăm sóc.

Mùa thu hoạch táo của nông dân thôn Phước Thiện 1, xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước.
Ảnh: Sơn Ngọc

Mặt khác, sản lượng cũng cao hơn nho, nếu làm đúng kỹ thuật, đất tốt thì bình quân đạt từ 90 - 100 tấn/ha/năm với thu nhập từ 700- 800 triệu đồng/ha. Một số bà con trồng táo ở Phước Hậu (Ninh Phước) cho biết thêm, nếu tính giá thấp nhất 5.000 đồng/kg thì chí ít trừ hết chi phí cũng lãi không dưới 30% ! Còn ở thời điểm giá cao từ 13.000 đến 15.000 đồng/kg bán tại vườn thì lợi nhuận cao gấp nhiều lần.

Vấn đề mà người trồng táo luôn băn khoăn đó là ổn định đầu ra, ổn định giá sản phẩm. Thực tế hiện nay giá cả đều do thương lái quyết định mà bà con không thể “can thiệp”. Còn theo thương lái thì giá cả đều do thị trường điều chỉnh và họ chỉ là “trung gian” cung cấp hàng, còn việc “nắm giữ” đầu ra đích thực mới là các đầu nậu nơi tiêu thụ !. Có dịp đến một số siêu thị ngoài tỉnh, giá táo được bán không dưới 30.000 đồng/kg, thậm chí có nơi còn để giá bán đến trên 60.000 đồng/kg. Điều đáng quan tâm là hầu hết các nơi bán táo của Ninh Thuận lại không đề rõ nguồn gốc, xuất xứ do… chưa xác lập thương hiệu!.

Như vậy, từ “gốc” sản xuất đến nơi tiêu thụ chỉ qua một số khâu trung gian giá táo đã chênh lệch rất cao từ 5 đến 7 lần, tất nhiên là phần “thua” thuộc về người sản xuất. Trước thực tế nêu trên, để trái táo của tỉnh được “vinh danh” và đem lại thu nhập cao, góp phần làm cho đời sống nông dân khá giả hơn, thiết nghĩ một trong những giải pháp là sớm xây dựng thương hiệu cho trái táo của tỉnh.