Nguồn cảm hứng từ Điện Biên Phủ

Là một trong những sự kiện nổi bật nhất trong lịch sử hiện đại của dân tộc, chiến thắng Điện Biên Phủ luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật ra đời. Nhân dịp kỷ niệm 58 năm chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” này, cần nhìn lại những tác phẩm văn học đã gây ấn tượng mạnh ở trong và ngoài nước.

Hồi ức không quên

Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử là tập hồi ký thứ 3 trong bộ 3 tập hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với cương vị tổng chỉ huy cao nhất của quân đội Việt Nam trong trận đánh lịch sử, những tư liệu và góc nhìn của đại tướng được bạn đọc, từ người dân bình thường đến các nhà nghiên cứu lịch sử, quân sự quan tâm đặc biệt. Tác phẩm ghi lại từ những ngày tháng chuẩn bị cho trận đánh đến những thời khắc thoi thóp cuối cùng của quân đội viễn chinh Pháp ở Điện Biên Phủ.

Bạn đọc chọn mua sách về chiến dịch Điện Biên Phủ.

Tuy được nhìn dưới góc độ một vị tướng trận mạc nhưng tác phẩm còn chuyển tải nhiều vấn đề khác ngoài quân sự như tình cảm của những người chỉ huy, giây phút căng thẳng trước cuộc tấn công, lúc vỡ òa niềm vui chiến thắng…

Ngoài cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, trận Điện Biên Phủ còn được tái hiện qua hồi ký của những người lính trực tiếp chiến đấu mà nổi bật nhất là tác phẩm Chuyện những người làm nên lịch sử - Hồi ức Điện Biên Phủ (NXB Chính trị Quốc gia). Cuốn sách này tập trung đến hơn 160 nhân vật là nhân chứng của trận đánh lịch sử năm xưa với nhiều vị trí khác nhau như chiến sĩ, cán bộ, bác sĩ, y tá, dân công, phóng viên, văn công… Mỗi người đã kể lại những kỷ niệm sâu sắc nhất, các câu chuyện được sắp xếp theo trình tự thời gian và không gian, từ đó góp phần giúp người đọc có cái nhìn đa chiều, toàn cảnh về một chiến dịch Điện Biên Phủ.

Điện Biên Phủ còn để lại một dấu ấn không thể phai mờ trong thơ ca Việt Nam hiện đại. Một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất có thể kể đến là bài thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu mà hai câu thơ trong đó biểu hiện cảm xúc đẹp đến mê hồn: Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng.

Có một chi tiết khá lý thú là ngay sau khi chiến dịch kết thúc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại rằng trong phút nghỉ ngơi đã thầm nghĩ là chắc giờ này anh Lành (bí danh của Tố Hữu) đang bắt đầu làm một bài thơ… Và đúng vậy, bài thơ trên ra đời đúng vào lúc người lính đang nghỉ ngơi sau giờ phút chiến thắng.

Nếu bài thơ của Tố Hữu thể hiện chất hào hùng, mạnh mẽ, niềm hứng khởi của chiến thắng thì nhà thơ Chính Hữu lại thể hiện một góc đẹp khác của người chiến sĩ cách mạng, tình yêu quê hương ngọt ngào và trữ tình qua bài thơ Thư nhà ấm áp với những câu thơ dạt dào xúc cảm: Một lá thư nhà/Hôm nay ta đọc/Trong chiến hào chuẩn bị tiến công/Chưa bao giờ hiểu hết/Ta mới biết/Chiều cao ngọn núi, chiều rộng con sông/Hai tiếng quê hương bỗng sao thắm thiết… Cả hai bài thơ trên đều được xem là những tác phẩm thơ tiêu biểu lấy cảm hứng từ chiến thắng Điện Biên Phủ.

Trong âm nhạc, hẳn quảng đại quần chúng không thể nào quên được bài hát Chiến thắng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận với những ca từ mở đầu đầy hào hùng: Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về/Giữa mùa này hoa nở, miền Tây Bắc tưng bừng vui… và rất nhiều tác phẩm thơ - văn - nhạc - họa khác đã tạo nên một bức tranh tổng thể vô cùng hoành tráng, ghi đậm dấu ấn lịch sử của cách mạng Việt Nam.

Cái nhìn từ phía bên kia

Ở hướng ngược lại, bên phía những người thua trận cũng có rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật về Điện Biên Phủ, một số đã được dịch và phát hành trong nước. Nổi bật nhất có thể kể đến những cuốn hồi ký như Điện Biên Phủ 170 ngày đêm bị vây hãm của tác giả Erwan Bergot, một nhà văn Pháp, nguyên là cựu binh Pháp từng có mặt trong trận đánh Điện Biên Phủ; Điện Biên Phủ - Một góc địa ngục của Bernard B.Fall, một giáo sư sử học Pháp, cuốn sách của ông được đánh giá là một trong những tác phẩm tương đối khách quan và đầy đủ nhất từ phía bên kia về chiến dịch Điện Biên Phủ.

Trong những lời khuyên cho việc tìm đọc sách về Điện Biên Phủ, cuốn sách của B.Fall luôn được xếp hàng đầu cạnh cuốn hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Một cuốn hồi ký khác của Pháp cũng được chú ý là tác phẩm Đông Dương hấp hối và thời điểm của những sự thật của tác giả Henri Navarre, nguyên Tổng tư lệnh quân đội Pháp tại Đông Dương, người chịu trách nhiệm trực tiếp đề ra kế hoạch lấy Điện Biên Phủ làm nơi quyết chiến với Việt Minh và cũng là người bị quy trách nhiệm chính cho việc thất bại của quân đội Pháp tại đây.

Tuy cuốn hồi ký này bị đánh giá là mang nặng tính biện hộ cho thất bại nhưng ở vị trí người đứng đầu của quân đội Pháp tại Đông Dương, H.Navarre đã tiết lộ nhiều thông tin, chi tiết quan trọng để bạn đọc có thể hiểu thêm về lý do dẫn đến thất bại của một trong những đội quân thiện chiến nhất thế giới khi đó.

Có thể thấy, bước sang thế kỷ này, sự kiện Điện Biên Phủ vẫn mãi là nguồn cảm hứng mãnh liệt của văn học nghệ thuật không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều nước trên thế giới.

Nguồn Báo SGGP Online