Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá

Tiếp tục Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII, sáng 22-5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin trình Quốc hội dự thảo Luật đã được chỉnh lý gồm 5 chương, 35 điều (tăng 3 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội).

Bên cạnh đó, dự thảo Luật trình Quốc hội lần này đã bổ sung, chỉnh lý về nguyên tắc phòng, chống tác hại của thuốc lá theo hướng thể hiện rõ mục đích giảm cung, không mở rộng quy mô sản xuất thuốc lá. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định về các biện pháp phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả; trách nhiệm phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả; các hành vi bị nghiêm cấm...

 

Các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường. Ảnh: Mạnh Hùng

Về Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá, dự thảo Luật quy định theo hướng, Quỹ do Bộ Y tế quản lý về hành chính, nhưng hoạt động của Quỹ do Hội đồng quản lý liên ngành chỉ đạo; đồng thời, huy động sự tham gia liên ngành trong quản lý, sử dụng Quỹ.

Báo cáo giải trình về tính khả thi của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, có ý kiến băn khoăn, lo ngại rằng, sau khi ban hành Luật, có thể làm giảm nguồn thu thuế từ thuốc lá, làm ảnh hưởng đến việc làm của 20.000 người sản xuất thuốc lá, gần 200.000 nông dân tham gia trồng cây thuốc lá, nhất là ở một số địa bàn xác định thuốc lá là cây giúp xóa đói giảm nghèo và có thể ảnh hưởng đến hàng chục ngàn người tham gia bán lẻ thuốc lá.

Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, do ảnh hưởng của việc hút thuốc lá đến sức khỏe người dân nên các chính sách vĩ mô phải hướng đến việc ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng, vì lợi ích chung của người dân. Kinh nghiệm quốc tế và nghiên cứu đánh giá tác động của dự án Luật cho thấy, ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là giải pháp các bên cùng có lợi, có nghĩa là vừa tăng thu ngân sách (do tăng thuế thuốc lá) vừa bảo vệ được sức khỏe người dân và sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc sản xuất và trồng thuốc lá (vì vẫn phải trồng và sản xuất thuốc lá để đáp ứng nhu cầu sử dụng cho những người chưa thể bỏ hút thuốc).

Về tính khả thi của các hành vi bị nghiêm cấm, một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi của việc quy định cấm hút thuốc lá ở địa điểm công cộng, nơi làm việc. Vì trong mấy năm vừa qua, dù Thủ tướng Chính phủ đã có quy định cấm hút thuốc ở địa điểm công cộng nhưng tình trạng hút thuốc vẫn diễn ra phổ biến, khó xử lý vi phạm.

Nhiều ý kiến lo ngại sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý hành vi vi phạm quy định cấm hút thuốc ở nơi công cộng. Vì vậy, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị giao thẩm quyền cho người đứng đầu các địa điểm công cộng được quy định và xử lý vi phạm về cấm hút thuốc thông qua nội quy, quy ước nội bộ của cơ sở.

Thảo luận tại Hội trường, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm cho ý kiến, đó là việc nên hay không nên thành lập Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Đại biểu Trần Đình Long (đoàn Đắc Nông), đại biểu Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai) không tán thành với sự cần thiết thành lập Quỹ bởi theo các đại biểu này, nếu cứ một Luật ra đời lại có thêm một Quỹ mới thì sẽ khó kiểm soát, có thể nảy sinh tình trạng lạm dụng Quỹ. Cùng với đó, việc thành lập Quỹ sẽ kéo theo các thủ tục hành chính, tổ chức nhân sự cồng kềnh...

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tán thành việc thành lập Quỹ, nhưng cũng chưa thống nhất về nguồn hình thành Quỹ. Cụ thể, có đại biểu tán thành với phương án 1 là: Hàng năm, ngân sách cấp một khoản kinh phí tối đa bằng 2 phần trăm (%) tổng số tiền thu được từ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá.... vì cho rằng thể hiện tính thống nhất của hệ thống pháp luật, minh bạch, rõ ràng, dễ kiểm soát thu chi, thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện. Ngược lại cũng có nhiều ý kiến lại ủng hộ phương án 2 là: Khoản đóng góp bắt buộc của cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc lá tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên giá bán thuốc lá chưa có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, nhưng tối đa không quá 2% và được thu cùng với thu thuế tiêu thụ đặc biệt do doanh nghiệp tự khai tự nộp vào tài khoản của Quỹ.

Đại biểu Vương Đình Huệ (đoàn Bình Định) cho rằng, nếu trích từ ngân sách sẽ gặp một số khó khăn, bất cập. Vì phòng chống tác hại của thuốc lá hoàn toàn không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước, mà doanh nghiệp, người hút đều phải tham gia. Việc trích ngân sách không nâng cao được trách nhiệm của người sản xuất, nhập khẩu và người hút thuốc lá đối với sức khỏe của nhân dân. Thậm chí, còn dễ gây hiểu là Nhà nước có trách nhiệm khắc phục hậu quả của người sản xuất và sử dụng thuốc lá. Còn nếu nguồn thu từ mức trích thuế sẽ không ổn định, phương thức này không phù hợp với nguyên tắc xã hội hóa, trong khi lợi nhuận của ngành này là khá cao và mức thuế còn thấp hơn nhiều nước trên thế giới.

Theo đại biểu Vương Đình Huệ, phương án hai có những ưu điểm rất căn bản, đảm bảo tính công bằng; giảm được tiêu thụ thuốc lá mà không ảnh hưởng đến cân đối ngân sách. Khoản đóng góp bắt buộc này được cộng vào giá bán, các doanh nghiệp tự khai, tự tính và nộp cùng với quá trình tính thuế. Việc sử dụng Quỹ do Hội đồng liên ngành quyết định, có kiểm toán; Chính phủ cũng sẽ quy định chi tiết về cơ chế quản lý Quỹ, do đó có thể đảm bảo tính công khai minh bạch. Với lập luận như trên, Bộ trưởng Vương Đình Huệ ủng hộ phương án hai.

Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (đoàn Vĩnh Long), Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP Hồ Chí Minh) và nhiều đại biểu khác cũng ủng hộ phương án 2 vì dù phải đóng góp một khoản bắt buộc, song sẽ không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp và người trồng thuốc lá. Vì theo lộ trình tăng thuế, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá phải chiếm 60-80% giá bán lẻ (hiện nay đang là 45%), có chăng chỉ giảm lợi ích của nhóm sản xuất thuốc lá và làm cho giá thuốc lá tăng một phần.

Một nội dung khác cũng được nhiều đại biểu cho ý kiến, đó là việc in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá. Về nội dung này, đa số các ý kiến đồng ý với quy định in cảnh báo sức khoẻ bằng chữ và hình ảnh chiếm ít nhất 50% diện tích của vỏ bao thuốc lá. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị quy định in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh chiếm ít nhất 30% diện tích vỏ bao thuốc lá, sau 5 năm thực hiện sẽ tăng dần lên 50% và có thể nâng lên mức chiếm 2/3 diện tích vỏ bao thuốc lá.

Các đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình); Đặng Thị Kim Chi (đoàn Phú Yên); Phạm Văn Cường (đoàn Lào Cai)…đồng tình với quy định in cảnh báo sức khoẻ bằng chữ và hình ảnh chiếm ít nhất 50% diện tích của vỏ bao thuốc lá 50%. Theo các đại biểu trên, quy định này về cơ bản đủ mạnh để phát huy tác dụng của cảnh báo, phù hợp với Công ước khung về kiểm soát thuốc lá và thể hiện quyết tâm của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của thuốc lá. Nếu in cảnh báo sức khỏe bằng chữ và hình ảnh chiếm ít nhất 30% diện tích vỏ bao thuốc lá, sau 5 năm thực hiện sẽ tăng dần lên 50% thì chưa thể hiện mạnh mẽ quyết tâm của Nhà nước trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Về địa điểm cấm hút thuốc lá trong nhà nhưng được phép có nơi dành riêng cho người hút thuốc lá, có ý kiến cho rằng, cấm hút thuốc lá tại nhà hàng, quán bar, karaoke là không khả thi, nên cân nhắc thêm quy định này. Tuy vậy, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị nên quy định cấm bán thuốc lá ở cả nhà hàng, vũ trường, karaoke.

Cho ý kiến về biện pháp phòng, chống thuốc lá nhập lậu, thuốc lá giả, một số đại biểu đồng ý quy định hủy thuốc lá giả, thuốc lá lậu như dự thảo Luật, song cũng có một số đại biểu cho rằng, quy định như dự thảo Luật là khó khả thi, vì đa số thuốc lá lậu là hàng vô chủ và đề nghị bổ sung quy định cho phép tái xuất những sản phẩm thuốc lá nhập lậu có chất lượng tốt…

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam