Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục đại học

Sáng 25/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Giáo dục đại học (GDĐH). Đa số các đại biểu tán thành thông qua dự thảo Luật GDĐH tại kỳ họp này.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật GDĐH do Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày đã nêu rõ 7 nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau trong dự thảo Luật gồm: Sự cần thiết và quan điểm xây dựng Luật; mô hình hệ thống, cơ cấu tổ chức và phân tầng cơ sở GDĐH; quyền tự chủ của cơ sở GDĐH; vấn đề xã hội hóa và tài chính, tài sản của cơ sở GDĐH; bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng GDĐH; hợp tác quốc tế trong GDĐH; giảng viên và cán bộ quản lý.

Đa số ý kiến đại biểu tán thành sự cần thiết, quan điểm và mục tiêu xây dựng Luật GDĐH. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, dự án luật chưa có sự đánh giá đầy đủ về tầm quan trọng, căn cứ pháp lý xây dựng luật cũng như còn né tránh nhiều vấn đề quan trọng; nội dung các quy định trong dự thảo chưa đáp ứng được yêu cầu về tính đồng bộ, cụ thể, khả thi của một luật chuyên ngành…

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, GDĐH nước ta thời gian qua có bước phát triển mạnh mẽ song chất lượng đào tạo còn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong khi đó, khung pháp lý điều chỉnh hoạt động GDĐH còn chưa chặt chẽ, phân tán và hiệu quả pháp lý không cao… Do vậy, việc xây dựng Luật GDĐH đã xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách trước mắt, đồng thời thể chế hóa định hướng phát triển lâu dài nhằm đổi mới căn bản và toàn diện GDĐH theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI.

 

Đại biểu Huỳnh Thành Đạt (đoànTPHCM) phát biểu tại Kỳ họp. Ảnh: Báo SGGP

Một số ý kiến của các đại biểu không hoàn toàn nhất trí việc phân tầng, phân loại cơ sở GDĐH như tại Điều 7 Dự thảo Luật. Đại biểu Phan Văn Tường (Thái Nguyên); Huỳnh Thành Đạt (TP Hồ Chí Minh) đề nghị bổ sung quy định cụ thể về tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại, phân tầng cơ sở GDĐH theo vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ để có chính sách ưu tiên đầu tư phù hợp.

Có ý kiến cho rằng, đề nghị tách riêng cơ cấu tổ chức của cơ sở GDĐH công lập, tư thục và cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài để quy định cho phù hợp với đặc thù của từng loại hình; đề nghị quy định cụ thể tỉ lệ phần trăm vốn của phía nước ngoài đối với cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài để được tự chủ về cơ cấu tổ chức; đề nghị cơ sở GDĐH tư thục cũng được tự chủ về cơ cấu tổ chức như đối với cơ sở GDĐH 100% vốn nước ngoài.

Đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai); đại biểu Nguyễn Xuân Trường (TP Hải Phòng); đại biểu Huỳnh Thành Đạt (TP Hồ Chí Minh) và nhiều đại biểu khác nhất trí việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở GDĐH và đề nghị quy định chi tiết ngay trong luật các điều kiện, tiêu chí để cơ sở GDĐH thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Có ý kiến đại biểu yêu cầu tăng cường chế tài xử lý vi phạm trong việc thực hiện quyền tự chủ.

Ngoài ra, tương tự ý kiến của đại biểu Đặng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận); đại biểu Nguyễn Xuân Trường (TP Hải Phòng), nhiều đại biểu đề nghị quy định việc kiểm định chất lượng GDĐH và công khai kết quả kiểm định là bắt buộc, nhưng cần có lộ trình thực hiện và bổ sung nội dung cụ thể về mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng, quy trình, chu kỳ kiểm định cũng như việc sử dụng kết quả kiểm định chất lượng; bổ sung chế tài đối với những hành vi vi phạm về kiểm định chất lượng; bổ sung quy định về kiểm định chất lượng đối với cơ sở GDĐH có vốn đầu tư nước ngoài và các quy định bảo vệ quyền lợi của người học tại các cơ sở này.

Cuối phiên thảo luận buổi sáng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã giải đáp một số nội dung được các đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên thảo luận, làm rõ hơn sự cần thiết bàn hành Luật GDĐH.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam