Chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý chủ quyền quần đảo Trường Sa của Việt Nam

Quần đảo Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Hiện nay, có một số nước và vùng lãnh thổ cũng có yêu sách chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tuyên bố khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi và có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa:

Xét về góc độ vị trí địa lý: quần đảo Trường Sa nằm ở Đông – Đông Nam bờ biển Việt Nam, trong khoảng vĩ độ 6050’ đến 12000’ Bắc; kinh độ 111030’ đến 117020’ Đông, gồm hơn 100 đảo, đá, bãi cạn nửa nổi nửa chìm, trên vùng biển rộng từ Tây sang Đông khoảng 350 hải lý, từ Bắc xuống Nam 360 hải lý, có diện tích khoảng 180.000 km2. Trong quần đảo, hòn đảo gần đất liền nhất là đảo Trường Sa cách Cam Ranh khoảng 460 km; hòn đảo gần Trung Quốc nhất cũng cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) trên 1.150 km.

 
Các chiến sĩ trên đảo Trường Sa tuần tra bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.  
Ảnh: Diễm My

Xét về chứng cứ lịch sử và pháp lý: Theo các chứng cứ lịch sử của Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, Nhà nước Việt Nam là người đầu tiên chiếm hữu (ít nhất là từ thế kỷ thứ XVII) và đã liên tục thực hiện chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

- Thời Lê Thánh Tông (1460-1497), trong “Toàn tập Thiên Nam tứ chi lộ đồ thư”, đã lập bản đồ Hoàng Sa và Trường Sa, lúc đó gọi là “Bãi cát vàng” và “Vạn lý Trường Sa” (Nguyên bản này hiện đang lưu giữ tại Tô-ki-ô, Nhật Bản).

- Thế kỷ thứ XVIII, trong “Đại Nam nhất thống toàn đồ” đã ghi rõ Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa là những đảo của Việt Nam.

- Lê Quý Đôn (1726 – 1786) trong cuốn “Phủ biên tạp lục” đã mô tả khá kỹ về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

- Phạm Huy Chú (1782 – 1840) trong sách “Lịch triều hiến chương loại chí” và “Hoàng Việt địa dư chí”, đã mô tả việc quản lý Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Rất nhiều sử liệu quý khác, như “Việt sử cương giám khảo lược” của Nguyễn Thông cũng đề cập khá cụ thể về những hoạt động của binh lính triều đình trong việc tuần tra, đo đạc thủy trình, vẽ bản đồ, lập bia, dựng miếu, trồng cây làm dấu, đánh bắt thủy hải sản, lập trạm hải đăng… ở trên hai quần đảo này. Hiện nay, Viện bảo tàng của các tỉnh Quảng Nam, Khánh Hòa cũng còn lưu giữ rất nhiều cổ vật có giá trị củng cố chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, nhất là Sắc chỉ (còn nguyên vẹn bản gốc) của Triều đình nhà Nguyễn liên quan tới việc canh phòng quần đảo Hoàng Sa được gia tộc họ Đặng gìn giữ suốt 147 năm qua.

-Thời kỳ nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, từ ngày 6-6-1884, sau khi Triều Nguyễn ký với Chính phủ Pháp Hiệp ước Giáp Thân công nhận sự thống trị của thực dân Pháp đối với Việt Nam, Pháp bắt đầu thực hiện chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Năm 1887, Chính phủ Pháp và Triều đình Mãn Thanh ký Công ước hoạch định biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc, xác định hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Ngày 15-6-1938, Toàn quyền Đông Dương I.Brévie ký Nghị định số 156-SC, quyết định tổ chức hành chính quần đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh Thừa Thiên. Ngày 21-12-1933, Thống đốc Krautheimer ký Nghị định số 4702-CP, sáp nhập quần đảo Trường Sa vào tỉnh Bà Rịa. Ngày 14-10-1950, Chính phủ Pháp bàn giao hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho chính quyền Bảo Đại. Để quản lý về hành chính, nhà vua đã cho sáp nhập Hoàng Sa và Trường Sa vào tỉnh Thừa Thiên. Tháng 9-1951, tại Hội nghị San Franxico, Trần Văn Hữu – Thủ tướng Chính phủ của Bảo Đại, Trưởng phái đoàn của Việt Nam ra tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; đại diện của 51 quốc gia tham dự đều không có ý kiến phản đối. Rất nhiều tài liệu nước ngoài trong thời kỳ này đã khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

Tài liệu lưu giữ của Pháp đề ngày 10-4-1768, mang tên “Note sur I’Asedemandés pas M. de la bonde à M.d’ Etaing”; các bài viết của các tác giả Le Poivre (1740). J Chaigneau (1816 – 1819), Taberd (1833), Gutzlagip (1840),… cũng từng khẳng định quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Nhiều học giả Trung Quốc trước đây cũng viết sách khẳng định Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam. Tài liệu “Ngã quốc Nam Hải chư đảo sử liệu hội biên” do Hàn Chấn Hoa chủ biên, trang 115 thiên thứ nhất, cũng ghi chép các dấu tích do các triều đình phong kiến Việt Nam gây dựng ở Hoàng Sa và Trường Sa; khẳng định hai quần đảo này là của Việt Nam. Đặc biệt, trong bản đồ “Đại Thanh đế quốc toàn đồ”, xuất bản năm 1905, tái bản lần thứ tư năm 1910, cũng chỉ rõ phần cực Nam lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam; khẳng định cho đến thế kỷ XX, lãnh thổ Trung Quốc chưa bao giờ gồm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc quyền quản lý hành chính của Chính quyền Sài Gòn. Ngày 22-10-1956, họ ra Sắc lệnh số 143/VN quy định quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngày 13-7-1962, Chính quyền Sài Gòn ký quyết định chuyển quyền quản lý hành chính quần đảo Hoàng Sa từ tỉnh Thừa Thiên cho tỉnh Quảng Nam.

Sau khi đất nước thống nhất, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tiếp tục quản lý, bảo vệ và thực hiện chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ra quyết định nâng đơn vị hành chính đối với hai quần đảo lên cấp huyện: huyện Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng; quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Đồng Nai. Ngày 28-12-1982, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa VII đã ra Nghị quyết đưa huyện Trường Sa sáp nhập vào tỉnh Phú Khánh (nay là Khánh Hòa).

Từ những chứng cứ lịch sử; căn cứ vào tập quán quốc tế và các quy định của luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (gọi tắt là Công ước Luật Biển 1982) quy định về các đảo, đá tự nhiên (Điều 6, Điều 121); bãi cạn nửa nổi nửa chìm (Điều 13); quần đảo (Điều 46b); đường cơ sở quần đảo (Điều 47); các đảo nhân tạo (Điều 60); quốc gia quần đảo (Phần IV),… Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam có đầy đủ bằng chứng và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đối với các tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo này và chủ trương giải quyết với các bên liên quan bằng đàm phán hòa bình, trên cơ sở nguyên tắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế, nhất là Công ước Luật Biển 1982 và các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia ký kết, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên Biển Đông.

Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân