Tránh cơ chế xin cho, “chạy” dự án

Tiếp tục Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khoá XIII, sáng 11/6, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội thảo luận tại hội trường về: Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; Bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về: Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010; Bổ sung
một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015.
(Ảnh Mạnh Hùng)

Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2010 của Chính phủ trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 3, Ủy ban Tài chính - Ngân sách chỉ ra một số tồn tại trong việc thu, chi ngân sách. Thu ngân sách vượt 27,5% dự toán, sau khi loại trừ yếu tố tích cực, yếu tố của sự biến động giá cả tăng cao, tỷ giá hối đoái thay đổi thì vẫn bộc lộ chất lượng công tác lập dự toán chưa cao, chưa tích cực, công tác dự báo thu chưa sát thực tế. Bên cạnh nguyên nhân khách quan như sự bất cập trong quy định của pháp luật về lập và giao dự toán thì không ít địa phương đã xây dựng dự toán thu ngân sách không tích cực để hưởng chế độ thưởng vượt thu, giảm số điều tiết về ngân sách trung ương hoặc tăng số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.

Bên cạnh đó, công tác quản lý chi ngân sách năm 2010 cũng còn một số tồn tại như việc giao dự toán, chấp hành dự toán chi ngân sách ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa tuân thủ Nghị quyết của Quốc hội và quy định của Luật Ngân sách nhà nước; chi đầu tư xây dựng cơ bản còn thất thoát, lãng phí, đầu tư dàn trải, nhiều công trình dở dang, thời gian thi công kéo dài, hiệu quả không cao, sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng vẫn nhiều và khắc phục chậm, nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản lớn; chi cho chương trình mục tiêu quốc gia hiệu quả chưa cao; chi chuyển nguồn và kết dư ngân sách địa phương lớn, làm giảm hiệu quả sử dụng ngân sách.

Tại phiên thảo luận sáng 11/6, theo các đại biểu, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng, thực hiện dự toán ngân sách nhà nước thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đó là tình trạng thất thu ngân sách nhà nước; nhiều đơn vị dự toán chưa mở sổ kế toán chi tiết theo quy định; hạch toán, kế toán chưa đầy đủ, thuyết minh quyết toán chưa rõ ràng, lập báo cáo quyết toán chưa đúng biểu mẫu. Việc gửi báo cáo quyết toán chậm thời gian theo quy định; số liệu thu chi ngân sách qua đối chiếu chỉ khớp đúng về tổng số, chưa khớp đúng về chi tiết vẫn diễn ra thường xuyên... Đại biểu Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu) cho rằng: Điều hành ngân sách của chúng ta chưa sát với thực tiễn và chưa tuân thủ Nghị quyết của Quốc hội. Theo báo cáo của Chính phủ, nhiều khoản thu, khoản chi sai lệch khá lớn so với Nghị quyết Quốc hội. Có những khoản thu vượt quá 2 lần. Đại biểu Thụ đề nghị ngoài lập dự toán sát thực tế cần có giải pháp điều hành ngân sách quyết liệt hơn.

Nhiều đại biểu cũng đặc biệt quan tâm vấn đề đầu tư cho phát triển khoa học công nghệ. Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (đoàn Bạc Liêu), đại biểu Phùng Tiến Đức (đoàn Hà Nam) cho rằng, khoa học công nghệ đóng vai trò to lớn trong phát triển kinh tế xã hội, nhưng việc đầu tư cho khoa học công nghệ lại rất hạn chế. Chính vì vậy, các đại biểu đề nghị trong xây dựng dự toán ngân sách thời gian tới cần tăng nguồn vốn cho phát triển khoa học công nghệ.

Cũng trong sáng nay, các đại biểu Quốc hội thảo luận về việc Bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015. Hầu hết các ý kiến đồng tình với 5 dự án được bổ sung sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Đó là: Dự án Cầu Năm Căn, tỉnh Cà Mau; Dự án Cầu Kim Xuyên, tỉnh Tuyên Quang; Dự án ký túc xá cho dân tộc Khơme, trường Đại học Trà Vinh; Dự án bệnh viện ung thư thành phố Đà Nẵng và dự án thành phần thuộc Dự án đường ven biển Ninh Thuận.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, đoàn Quảng Bình đề nghị: Việc công khai minh bạch cũng như có các tiêu chí cụ thể là vấn đề rất quan trọng trong việc bảo đảm hiệu quả của các dự án. Nếu như các dự án được Quốc hội thông qua lần này thì cách làm cũng phải hết sức rút kinh nghiệm, tránh đầu tư dàn trải để bảo đảm tính hiệu quả.

Một số đại biểu cũng đề nghị, trong việc bổ sung một số dự án mới sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 cần cân nhắc một kỹ lưỡng, bởi nguồn vốn trái phiếu có hạn (theo ước tính có khoảng 225 nghìn tỷ đồng); tránh cơ chế xin cho, “chạy” dự án với tình trạng dự án nào cũng cần thiết, cũng quan trọng.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam