Ninh Hải: Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp

(NTO) Là địa phương có nhiều thuận lợi về phát triển sản xuất nông nghiệp với một số loại cây trồng chủ lực như lúa, hành, tỏi và một số cây rau màu; kết hợp lợi thế về biển để phát triển kinh tế thủy sản và diêm nghiệp. Năm 2008, Huyện ủy Ninh Hải đã ra Nghị quyết 06-NQ/HU về “Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp đến năm 2012”, nhằm khai thác những lợi thế của địa phương để tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế, mang lại hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp.

Xác định cây lúa là cây chủ lực, đem lại nguồn thu nhập cho người dân, huyện Ninh Hải đã chỉ đạo các địa phương duy trì và phát triển diện tích gieo cấy lúa hàng năm từ 5.500 ha đến 6.200 ha/3 vụ; năng suất bình quân đạt 60 tạ/ha, sản lượng lương thực bình quân đạt trên 30.000 tấn. Nhiều mô hình được triển khai nhân rộng như các mô hình thâm canh, trình diễn lúa lai cho năng suất, sản lượng và giá thành cao. Một số mô hình như: chuyển đổi đất đìa sang trồng lúa, cơ giới hóa nông nghiệp, sản xuất giống lúa địa phương, mô hình “3 giảm 3 tăng”, mô hình nhân giống siêu nguyên chủng... đã giúp người dân tiếp cận và ứng dụng những tiến bộ khoa học- kỹ thuật vào sản xuất, giảm sức lao động, chi phí đầu tư, giảm thất thoát trong khâu thu hoạch, thực hiện cải tạo đất, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, tạo giá trị hàng hóa và hiệu quả trong sản xuất.

Nông dân huyện Ninh Hải chăm sóc cây nho.

Bên cạnh cây lúa, cây thực phẩm được chú trọng phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong năm 2009, huyện đã triển khai mô hình sản xuất rau an toàn tại xã Hộ Hải, từ chỗ chỉ với 1,5 ha thì nay đã có trên 12 ha được cấp giấy chứng nhận, thường xuyên đảm bảo nguồn cung cho thị trường và đạt chuẩn an toàn, đưa vào tiêu thụ trong siêu thị. Một số cây trồng đặc trưng của địa phương như hành, tỏi, nho, cây ăn trái được quan tâm đầu tư không chỉ theo quy trình sản xuất sạch mà còn theo hướng tiết kiệm nước, chi phí đầu tư, cải tạo giống và tiến tới xây dựng thương hiệu... Tiêu biểu như mô hình thâm canh giống nho mới (Cardinal và NH01-48) có năng suất, chất lượng cao, nhằm thay thế giống nho cũ đã thoái hóa tại các xã Xuân Hải, Nhơn Hải, Vĩnh Hải và thị trấn Khánh Hải, với tổng diện tích trên 167 ha. Mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ trên vùng đất thiếu nước tại xã Xuân Hải, mô hình trồng hành, tỏi theo hướng GAP tại hai xã Thanh Hải và Nhơn Hải... bước đầu mang lại hiệu quả tích cực, hiện đang được nhiều nông hộ quan tâm ứng dụng.

Trong chăn nuôi gia súc, huyện Ninh Hải xác định đây là hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế có hiệu quả, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân, trong đó đặc biệt quan tâm đến chất lượng phát triển theo mô hình trang trại và gắn với thị trường tiêu thụ. Trong những năm qua, mô hình cải tạo đàn cừu ở Xuân Hải, Nhơn Hải, mô hình nuôi bò hướng thịt (lai sind) ở Phương Hải đã được triển khai, qua đó cải tạo được giống, nâng cao tầm vóc, kết hợp áp dụng những tiến bộ KHKT vào chăn nuôi đem lại giá trị kinh tế cao. Hiện toàn huyện có tổng đàn gia súc trên 40 ngàn con, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho địa phương.

Trong diêm nghiệp, huyện đã tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành muối, thực hiện việc chuyển đổi các đìa ao nuôi tôm kém hiệu quả sang làm muối trên 77 ha tại thị trấn Khánh Hải và xã Phương Hải, nâng tổng diện tích sản xuất muối toàn huyện lên trên 450 ha và tổng sản lượng đạt trên 80 ngàn tấn/năm. Thực hiện mô hình sản xuất muối sạch tại xã Tri Hải, đã có 21 ha ruộng muối được đầu tư, ứng dụng công nghệ trải bạt, từng bước nâng cao về sản lượng, chất lượng và giá trị của muối.

Nghề nuôi ốc hương thương phẩm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân sinh sống vùng ven biển huyện Ninh Hải.
Ảnh: Sơn Ngọc

Trên cơ sở có thế mạnh về dãy bờ biển, vùng đầm Nại rộng lớn huyện đã chú trọng trong việc nuôi trồng, khai thác thủy sản. Trong nuôi trồng, chủ trương chuyển đổi và tổ chức vùng nuôi theo hướng bền vững bằng việc xây dựng các tổ cộng đồng phát huy trách nhiệm vùng nuôi, trên cơ sở đó ổn định 500 ha diện tích nuôi tôm thương phẩm. Bên cạnh đó, không ngừng mở rộng thử nghiệm một số đối tượng nuôi và mở rộng quy mô như ốc hương, nuôi ghép các loại cá và nuôi cua thương phẩm. Nhiều mô hình như nuôi cá bống tai tượng trong ao, cá điêu hồng, trồng rong sụn trong lồng lưới đã mở ra hướng phát triển mới phù hợp với điều kiện của địa phương. Trong khai thác hải sản, trên cơ sở năng lực tàu thuyền hiện có, huyện đã gắn với các chương trình cho vay đầu tư, hỗ trợ ngư dân dự án đánh bắt xa bờ đã tạo thêm động lực để ngư dân cải hoán tàu thuyền, đầu tư ngư lưới cụ đánh bắt ngày một hiệu quả và ổn định. Trong đó việc ứng dụng máy dò ngang trong khai thác thủy sản đã được đánh giá cao, qua thực tế sử dụng máy cho năng suất đánh bắt gấp 3 lần so với trước.

Trong thời gian tới, để chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp nói chung và chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi có hiệu quả, huyện chủ trương chuyển dịch gắn với thị trường, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị, trên cơ sở phát triển nền nông nghiệp bền vững, khai thác tốt tiềm năng tại địa phương. Trong đó, tăng cường đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học- kỹ thuật, cơ giới hóa, đồng bộ các khâu trong quá trình sản xuất. Bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, đảm bảo cho sản xuất ổn định và phát triển bền vững; gắn kết sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Phát triển các loại hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã, đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế trang trại. Thực hiện tốt việc đầu tư, đưa các chương trình dự án, các chính sách hỗ trợ và đào tạo nhân lực để góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao trong những năm tiếp theo.