Người cựu chiến binh nặng lòng với Trường Sa

Nặng lòng với mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, nơi một thời cùng đồng đội sống và bảo vệ, cựu chiến binh Trần Văn Xuất đã xây dựng mô phỏng cột mốc chủ quyền Trường Sa

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình ngư dân vùng biển Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng. Năm 1984, ông Trần Văn Xuất lên đường nhập ngũ thuộc Lữ đoàn 146, đóng quân trên đảo Trường Sa Đông, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Những năm tháng cùng anh em, đồng đội sống và bảo vệ đảo Trường Sa Đông là khoảng thời gian đẹp nhất trong đời người cựu chiến binh Trần Văn Xuất. Ông kể, đảo nổi Trường Sa Đông ngày ấy khô cằn, chỉ trồng được rau sam nhưng phải lặn xuống đáy biển lấy cát, chăm tưới từng giọt nước ngọt và phải đúng 3 tháng mới có được một bữa rau xanh cải thiện bữa ăn người lính biển: « Hồi đó sức thanh niên, biển cả là nhà, ta sống trên biển như một gia đình thu nhỏ, mọi người đều có tinh thần tự giác. Có những đêm gác 3 tiếng đồng hồ, tôi ốm thì chiến sĩ khác phải gác 6 tiếng, tình đồng đội đồng chí rất cao”.

Ông Xuất bên những kỷ vật Trường Sa được cất giữ suốt 25 năm

Một buổi chiều ngồi nhìn ra biển Đông trước nhà, ông Xuất nhớ đảo, nhớ đồng đội, đồng chí đến cồn cào. Vậy là, từ năm 2005, ông Xuất lặn lội ra Bắc vào Nam và đã tìm gặp được 25 người đồng đội năm xưa.

Đến năm 2009, khi vẫn còn 6 đồng chí chưa tìm thấy, ông nghĩ ra việc phải xây dựng cột mốc vì biết đâu, có duyên thì sẽ gặp lại 31 đồng đội. Nghĩ là làm, ông Xuất dựng cột mốc theo nguyên bản cột mốc ở ngoài đảo Trường Sa Đông, với chiều cao 6m, rộng 1,5m. Hai bên của cột mốc được trồng hai cây bàng vuông do hai người bạn mang từ đảo Trường Sa Lớn về đất liền tặng ông.

Cột mốc nằm hiên ngang giữa không gian thanh bình của bầu trời Đà Nẵng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân địa phương cũng như khách du lịch. Và cái “duyên” mà ông Xuất mong đợi cũng đã đến. Thông qua câu chuyện bên cột mốc thiêng liêng này ông đã hỏi thăm được thông tin 6 đồng đội của mình năm xưa.

Ông Xuất tâm sự: «Cột mốc mang rất nhiều ý nghĩa, trước mắt để tìm đủ đồng đội của tôi. Cột mốc mang tính chất chủ quyền của đất nước. Từ ý nghĩ đó, tôi phải làm 1 cột mốc to để bà con ở đây nhìn thấy và giáo dục con cháu : Trường Sa là của Việt Nam”.

Hàng ngày có hàng trăm lượt du khánh trong và ngoài nước khi đến Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn đều ghé thăm cơ sở sản xuất đá Xuất Ánh, chụp ảnh lưu niệm tại cột mốc. Nhiều em học sinh đã đến đây tham quan để hiểu thêm về lịch sử dân tộc với niềm tự hào về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.

Dù bận đến mấy, ông cũng luôn sắp xếp thời gian để giới thiệu cho du khách về quần đảo Trường Sa, và đảo Trường Sa Đông nơi ông đã từng sống và chiến đấu.

Nặng lòng với Trường Sa, tâm nguyện của ông là mong những đứa con của mình sẽ trở thành những người lính hải quân Việt Nam. Trong 4 người con của ông, người con thứ hai nay đang là lính Vùng 3 Hải quân.

Chiều chiều ông Xuất dạo bước trên bờ biển, hướng về khơi xa, nơi có mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc và thầm hát ca khúc “Gần lắm Trường Sa ơi”.

Nguồn VOV Online