Chăm sóc người có công là nhiệm vụ thường xuyên của ngành Công an*

Ngày 21-7, tại Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu trong lực lượng Công an nhân dân, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ có bài phát biểu quan trọng. Báo điện tử Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Kính thưa Mẹ Việt Nam anh hùng

Thưa đồng chí Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; các đồng chí lãnh đạo, đại diện các Bộ, Ban, ngành; các đồng chí đại biểu là thương binh, thân nhân liệt sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động trong lực lượng Công an nhân dân

Thưa toàn thể các đồng chí!

Trong những ngày tháng 7 này, cùng với nhân dân cả nước tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thiết thực hướng về kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2012), hôm nay, tôi rất vui mừng và xúc động đến dự Hội nghị biểu dương người có công với cách mạng tiêu biểu trong lực lượng Công an nhân dân.

Thay mặt Chính phủ, tôi nhiệt liệt chào mừng và xin gửi những tình cảm, lòng biết ơn sâu nặng và lời thăm hỏi ân cần, thân thiết nhất đến hơn 400 đại biểu là các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, thương binh, thân nhân liệt sĩ, đại diện cho hàng nghìn thương binh, thân nhân liệt sĩ đã và đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân của 63 tỉnh, thành phố và các đơn vị tiêu biểu trong lực lượng Bộ Công an về dự Hội nghị hôm nay. Tôi hoan nghênh Bộ Công an tổ chức Hội nghị biểu dương thương binh, gia đình liệt sĩ, đơn vị và cá nhân tiêu biểu trong lực lượng Công an nhân dân. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị to lớn, là dịp để chúng ta tri ân các thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với nước nói chung, của lực lượng Công an nhân dân nói riêng; là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ trẻ Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là dịp biểu dương tinh thần vượt khó của những người có công với cách mạng, phát huy truyền thống yêu nước, gương mẫu của thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ công an trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu

Lịch sử bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam được viết nên bởi những trang sử hào hùng, oanh liệt. Biết bao thế hệ người Việt Nam, hàng triệu những người con ưu tú của dân tộc đã hiến dâng cả cuộc đời, máu xương, công sức và của cải cho Tổ quốc được “nở hoa độc lập, kết quả tự do”; tô thắm và làm rạng rỡ non sông gấm vóc Việt Nam.

Trong số 1.146.250 liệt sĩ, 780.000 thương binh, bệnh binh của cả nước đã có hơn 14.418 cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân anh dũng hy sinh và hơn 5.000 cán bộ, chiến sĩ là thương binh, bệnh binh; nhiều đồng chí đã nhiễm trong mình chất độc da cam với di chứng nặng nề. Từ năm 1986 đến nay, trong thời kỳ đổi mới của đất nước, máu của gần 200 liệt sĩ, hơn 800 thương binh là cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân vẫn tiếp tục đổ để bảo vệ an ninh quốc gia, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân. Tổ quốc mãi mãi ghi công sự hy sinh vô giá đó của các chiến sĩ Công an.

Trong 65 năm qua, công tác chăm lo đời sống thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng đã trở thành chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Chính sách với người có công không ngừng được hoàn thiện và tổ chức thực hiện có hiệu quả, nhằm tạo điều kiện cho các thương binh, gia đình liệt sĩ được hưởng những chính sách ưu đãi, có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân địa phương, tiếp tục phấn đấu, vượt khó có những đóng góp nhất định cho xã hội. Chúng ta vui mừng khi hiện nay trên 8,8 triệu người có công trong cả nước (chiếm khoảng 10% dân số) đang được hưởng các chế độ ưu đãi về chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, ưu đãi trong giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm v.v...; trong số đó có hơn 90% gia đình người có công đã có mức sống trung bình trở lên tại địa phương. Trong điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Nhà nước vẫn luôn ưu tiên dành phần ngân sách xứng đáng để bảo đảm thực hiện chính sách đối với người có công. Năm 2005, Nhà nước đã chi 7.430 tỷ đồng và năm 2011 là 24.718 tỷ đồng cho gia đình người có công.

Cùng với chính sách ưu đãi của Nhà nước, những năm qua, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên phạm vi cả nước đã phát triển cả về bề rộng và chiều sâu; trở thành nét đẹp trong văn hóa của người Việt Nam, là kết quả của sức mạnh tổng hợp: sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự đóng góp của toàn xã hội, của các cấp, các ngành, trong đó có lực lượng Công an nhân dân và sự nỗ lực vươn lên của chính các đồng chí thương binh, bệnh binh và thân nhân liệt sĩ đã góp phần ổn định và cải thiện đời sống của mình và gia đình.

Những năm qua, công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trong Công an nhân dân luôn được Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; coi đó là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành mình và đã đạt được nhiều kết quả tích cực: hơn 40 tỷ đồng mỗi năm được cán bộ, chiến sĩ toàn ngành đóng góp từ một ngày lương để xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa; 188 mẹ Việt nam anh hùng được phụng dưỡng suốt đời; lập 1.816 số tiết kiệm cho người có công, với số dư 1,3 tỷ đồng; cấp gần 58 tỷ đồng để xây mới và nâng cấp 1.738 nhà tình nghĩa; 443 con liệt sĩ, con thương binh được tuyển dụng vào ngành Công an nhân dân; quy tạp 629 hài cốt liệt sỹ, an tang tại các nghĩa trang liệt sỹ. Đây là những kết quả đáng khích lệ, cần được tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của ngành Công an và sự ủng hộ của toàn xã hội, các đồng chí thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công trong lực lượng Công an nhân dân đã không chỉ tự coi mình là đối tượng chính sách được hưởng sự quan tâm, đãi ngộ mà còn xác định mình là những công dân, những cán bộ, chiến sĩ Công an và đã vượt lên trở thành công dân tốt, xứng đáng là người cán bộ Công an nhân dân cách mạng, tấm gương mẫu mực trong địa bàn nơi cư trú và chỗ dựa vững chắc trong gia đình. Dù ở bất kỳ vị trí công tác nào được giao, từ công tác an ninh, cảnh sát, đến tham mưu, phục vụ, các đồng chí đều đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhiều đồng chí đã trở thành lãnh đạo, chỉ huy ở Công an các đơn vị, địa phương; trở thành những nhà khoa học; Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, chiến sĩ giỏi…

Tại Hội nghị này, tôi rất vui mừng được gặp, được nghe về những tấm gương tiêu biểu, những câu chuyện đầy xúc động về sự dũng cảm hy sinh, sự phấn đấu bền bỉ, mưu trí, sáng tạo và ý chí, nghị lực rất đáng khâm phục của nhiều đồng chí trong lực lượng vũ trang, là con liệt sĩ, là thương binh đã vươn lên thành công trên nhiều lĩnh vực. Thành công của các đồng chí là nguồn động viên, khích lệ đồng đội, đồng thời cũng góp phần chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng. Chúng ta mong các đồng chí tiếp tục phấn đấu, sáng tạo hơn nữa, thành công hơn nữa.

Thay mặt Chính phủ, tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực cố gắng vượt khó và những đóng góp rất có ý nghĩa các đồng chí anh hùng lực lượng vũ trang, thương binh, thân nhân liệt sĩ tiêu biểu của lực lượng Công an nhân dân; hoan nghênh cán bộ, chiến sĩ toàn ngành Công an, những tổ chức và cá nhân đã có nhiều đóng góp thiết thực, hiệu quả thực hiện chính sách “đền ơn đáp nghĩa” trong thời gian qua.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu:“Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”; thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Pháp lệnh và chính sách của Nhà nước nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội cùng với Nhà nước chăm lo tốt hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần của những người và gia đình có công; tạo điều kiện, khuyến khích người có công và gia đình tích cực tham gia phát triển kinh tế để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, có mức sống cao hơn mức sống trung bình của cư dân tại địa bàn, trong thời gian tới, tôi đề nghị lực lượng Công an nhân dân cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ quan trọng sau đây:

Một là, Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 14 tháng 12 năm 2006 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác thương binh, liệt sĩ, người có công và phong trào đền ơn đáp nghĩa; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII vừa thông qua; Chỉ thị số 12 của Thủ tướng Chính phủ “Về tăng cường chăm sóc người có công với cách mạng”; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020”, để phấn đấu đến năm 2015 cơ bản đảm bảo tất cả các gia đình người có công có mức sống tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình so với người dân tại địa phương.

Hai là, phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục coi công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy, thủ trưởng đơn vị và mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách; giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng Công an, đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ trẻ, đồng thời nêu cao tinh thần xả thân vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, vì an ninh trật tự xã hội và hạnh phúc của nhân dân.

Tiến hành rà soát, xác minh, đối chiếu, thẩm tra hồ sơ, lý lịch, bảo đảm mọi người có công, nhất là những đồng chí tham gia hoạt động bí mật, tình báo được hưởng thụ đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước, của ngành Công an.

Phối hợp cùng các Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tích cực xây dựng và triển khai thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc tìm kiếm, quy tập, xác định hài cốt liệt sĩ công an còn thiếu thông tin.

Ba là, thực hiện sâu rộng hơn nữa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”. Tiếp tục phát triển và quản lý Quỹ đền ơn đáp nghĩa trong lực lượng Công an nhân dân đúng mục đích, hiệu quả. Tổng kết, biểu dương, khen thưởng kịp thời và nhân rộng những đơn vị điển hình, cá nhân thương binh, gia đình liệt sĩ có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác, chiến đấu, lao động và đóng góp trong công tác đền ơn đáp nghĩa.

Ngành Công an cần có nhiều sáng kiến trong việc cùng Nhà nước và toàn xã hội bảo đảm đến năm 2013 hoàn thành cơ bản việc xây mới hoặc nâng cấp nhà ở đối với thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công trong lực lượng công an nói riêng và cả nước nói chung.

Bốn là, Các đồng chí thương binh, bệnh binh hãy nêu cao ý chí và nghị lực, “hăng hái tham gia công tác để giúp ích cho Tổ quốc, cũng như các đồng chí đã anh dũng giữ gìn non sông, các đồng chí sẽ trở nên người công dân kiểu mẫu ở hậu phương, cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận” - như lời dạy của Bác Hồ kính yêu.

Nhân Hội nghị biểu dương này, một lần nữa, tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất và kính chúc các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng lực lượng vũ trang, các anh em thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, các gia đình có công với nước trong ngành Công an cùng toàn thể các quý vị đại biểu dồi dào sức khoẻ, thành công và hạnh phúc.

Chúc công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với nước và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của ngành Công an tiếp tục phát triển, đạt được những kết quả thiết thực, hiệu quả cao hơn nữa.

Xin trân trọng cảm ơn.

* Tiêu đề do Cổng TTĐT Chính phủ đặt.

Nguồn www.chinhphu.vn